Cục Quản lý chất lượng - Bộ GD&ĐT vừa đưa ra những so sánh, đánh giá về kết quả của học sinh Việt Nam từ PISA, chương trình đánh giá kiến thức và kỹ năng của học sinh quốc tế 15 tuổi về Toán, Đọc và Khoa học.

Các bài kiểm tra PISA khám phá khả năng học sinh giải quyết các vấn đề phức tạp, tư duy phản biện và giao tiếp hiệu quả như thế nào.

Kỳ thi PISA này ban đầu dự kiến được thực hiện vào năm 2021 nhưng trì hoãn một năm do đại dịch COVID-19.

Ngày 5/12/2023, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD công bố kết quả khảo sát PISA Việt Nam năm 2022 của 6.068 học sinh ở 178 trường, đại diện cho khoảng 939.500 học sinh 15 tuổi ở Việt Nam.

Kết quả, Việt Nam xếp thứ 31/81 quốc gia về môn Toán, thứ 35/81 về Khoa học, và thứ 34/81 về Đọc.

Xét điểm trung bình cả ba môn, học sinh Việt Nam xếp thứ 34/81, đứng thứ hai ở khu vực ASEAN, sau Singapore (1/81), và gần với mức trung bình của OECD.

Kết quả chung cho thấy, chi tiêu cho giáo dục cao hơn có liên quan đến kết quả cao hơn ở môn Toán PISA. Tuy nhiên, Việt Nam là ví dụ điển hình về học sinh đạt kết quả học tập cao khi đầu tư cho giáo dục còn ở mức khiêm tốn.

Kết quả điểm Toán PISA theo chỉ số điều kiện kinh tế - xã hội. Nguồn: MOET
Kết quả điểm Toán PISA theo chỉ số điều kiện kinh tế - xã hội. Nguồn: MOET

Chi tiêu cho mỗi học sinh của Việt Nam từ 6 đến 15 tuổi vào khoảng 13.800 USD trong khi các quốc gia/nền kinh tế OECD có chi tiêu ở mức 75.000 USD. Nhưng điểm trung bình môn Toán của học sinh Việt Nam đạt là 438 điểm - một trong những mức cao nhất của học sinh có nền tảng kinh tế - xã hội tương tự, chỉ sau chỉ sau Hongkong, Đài Loan, Hàn Quốc.

Có khoảng 13% học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở Việt Nam đạt điểm cao trong môn Toán – con số trung bình OECD là 10%.