Các nhà khoa học tại Đại học Indiana Bloomington (Mỹ) đã chế tạo thành công một máy tính sinh học lai, kết hợp mô não người được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm với mạch điện tử thông thường, và nó có thể thực hiện các nhiệm vụ phức tạp bao gồm nhận dạng giọng nói.

Ảnh: Futurism.
Ảnh: Futurism.

Nhóm nghiên cứu gọi hệ thống này là Brainoware. Kết quả nghiên cứu của họ được công bố trên tạp chí Nature Electronics vào ngày 11/12.

Để chế tạo Brainoware, nhóm nghiên cứu đã biến đổi tế bào gốc thành các tế bào thần kinh. Sau đó, họ đặt một cụm tế bào thần kinh (hoặc mô não) lên một đĩa thí nghiệm có chứa hàng nghìn điện cực để kết nối với các mạch điện tử. Họ chuyển đổithông tin đầu vào hệ thống Brainoware thành dạng xung điện trước khi truyền đến mô não. Phản ứng của mô não được cảm biến thu nhận và giải mã bằng thuật toán học máy(machine-learning).

Trong một thí nghiệm nhằm kiểm tra khả năng của Brainoware, nhóm nghiên cứu đã sử dụng hệ thống này nhận dạng giọng nói bằng cách huấn luyện nó dựa trên 240 bản ghi âm của tám người. Các mô não phản ứng khác nhau với mỗi giọng nói sau khi đã chuyển đổi thành dạng tín hiệu điện, tạo ra một kiểu hoạt động thần kinh khác nhau. Thuật toán học máy diễn giải những phản hồi này của mô não để xác định giọng nói của một cá nhân cụ thể. Sau khi huấn luyện, hệ thống có thể nhận dạng giọng nói với độ chính xác 78%.

Trong tương lai, Brainoware có thể được tích hợp vào các hệ thống trí thông minh nhân tạo (AI) nhằm thực hiện những phép tính phức tạp hoặc sử dụng như một mô hình não cải tiến trong các nghiên cứu về khoa học thần kinh.

Nguồn: Nature.com