Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới WMO, tháng Chín là tháng nóng nhất từ trước tới nay và năm 2023 chắc chắn sẽ là năm nóng nhất được ghi nhận.

Nhiệt độ bề mặt trung bình trong tháng Chín lên tới 16,38°C, cao hơn 0,5°C so với nhiệt độ tháng 9/2020.

So với thời kỳ tiền công nghiệp, nhiệt độ toàn cầu tháng trước đã ấm hơn khoảng 1,75°C. Nó cũng cao hơn 0,93°C so với ngưỡng 1991-2020 - vốn được dùng làm công cụ thực tế cho các khu vực nhạy cảm với khí hậu như nông nghiệp.

WMO cho biết điều này tiếp nối một chuỗi nhiệt độ bề mặt đại dương và đất liền cao bất thường, là một dấu hiệu đáng lo ngại về tốc độ mà các loại khí nhà kính đang biến đổi khí hậu.

Petteri Taalas, Tổng thư ký của WMO, cho biết: “Mức độ bất thường về nhiệt độ rất lớn – lớn hơn nhiều so với những gì chúng ta chứng kiến trong quá khứ. Phạm vi băng biển mùa đông ở Nam Cực đang ở mức thấp kỷ lục đối với thời điểm này trong năm”.

“Điều cực kỳ đáng lo ngại là hiện tượng El Niño vẫn đang tiến triển, và chúng ta có thể dự tính rằng các mức nhiệt độ phá kỷ lục này sẽ còn tiếp diễn hàng tháng trời, gây ra những tác động chồng chất lên môi trường và xã hội loài người”.

Các kỷ lục về nhiệt độ liên tiếp bị phá vỡ. Ảnh: Alfred Lee
Các kỷ lục về nhiệt độ liên tiếp bị phá vỡ. Ảnh: Alfred Lee

Samantha Burgess, Phó giám đốc Cơ quan Biến đổi khí hậu Copernicus của Liên minh Châu Âu (C3S), cho biết mức nhiệt của tháng Chín đã đưa năm 2023 trở thành năm nóng nhất trong lịch sử từng được ghi nhận và cao hơn khoảng 1,4°C so với nhiệt độ trung bình thời tiền công nghiệp.

Trong tháng 11 và 12 tới, Hội nghị Biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP28) sẽ diễn ra ở Dubai. Vào đầu hội nghị, WMOsẽ công bố báo cáo tạm thời năm 2023 do cơ quan này soạn thảo dựa trên dữ liệu từ C3S.

Các quốc gia sẽ họp mặt để tăng tốc tiến trình hướng tới chuyển đổi sang năng lượng sạch nhằm hạn chế nhiệt độ toàn cầu cao hơn mức 1,5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp, tương tự với Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

WMO cho biết tình hình nhiệt độ từng tháng hay từng năm riêng biệt tăng quá giới hạn 1,5°C không có nghĩa là hiệp ước đã bị vi phạm, bởi vì con số này biểu thị tình trạng nóng lên lâu dài trong nhiều năm.

Nguồn: