Tỷ lệ xây dựng mới thấp và số lượng dự án dự kiến suy giảm nhanh chóng cho thấy phần lớn công suất điện than trên giấy tờ sẽ không được hiện thực hóa. "Ở Đông Nam Á, có vẻ như hiện rất khó để thuyết phục mọi người đổ tiền vào dự án điện than", theo Giám đốc điều hành tổ chức Giám sát Năng lượng Toàn cầu (GEM).

Mặc dù Đông Nam Á được coi là khu vực tăng trưởng chính của ngành than, dữ liệu mới từ GEM tiết lộ rằng Indonesia là nước duy nhất trong khu vực khởi công xây dựng nhà máy nhiệt điện than mới trong sáu tháng đầu năm 2019.

Theo GEM, năm nay sẽ là năm thứ hai liên tiếp trong đó quy mô của các nhà máy nhiệt điện than trong khu vực giảm mạnh, khi chỉ có dự án với công suất 1.500 megawatt (MW) được đưa vào xây dựng trong sáu tháng đầu năm 2019, so với 2.744 MW công suất được xây dựng trong năm 2018. Hình 1 cho thấy việc khởi công xây dựng mới nhiệt điện than đã giảm đáng kể tính từ khi đạt đỉnh 12.920 MW vào năm 2016.

https://lh4.googleusercontent.com/Oz6dFJLfXHxpPtVAn0T3pcbDZ1kG73bkDA33iXawYLiZYrTP7bk3ZwKBVIdQwXInL8G5Wt-vPotzvQ8LXL_cax-bGRKchsnKCK1BiBE3Wz7i-l9UX8wAyjHjVxC0WDsT72K68IKf
Khởi công xây dựng nhiệt điện than ở Đông Nam Á, 2015 đến giữa 2019 (MW). Nguồn: GEM.

Theo Ted Nace, Giám đốc điều hành GEM, khởi công xây dựng là một chỉ số mạnh mẽ thể hiện sức sống của các dự án nhiệt điện than. Xây dựng cho thấy "một dự án được đề xuất là có thật hay chỉ nằm trên giấy,” Nace nói. “Để đi đến công đoạn xây dựng, bạn phải có được ai đó cam kết hàng trăm triệu đô la. Ở Đông Nam Á, có vẻ như hiện rất khó khăn để thuyết phục mọi người đổ tiền vào dự án điện than.”

Ngoài ra, công suất điện than trước giai đoạn xây dựng (chưa đưa vào xây dựng) ở Đông Nam Á cũng tiếp tục đi xuống, giảm 52% từ 110.367 MW vào giữa năm 2015 xuống còn 53.510 MW vào giữa năm 2019. Rất ít dự án chuyển được từ giai đoạn trước xây dựng sang giai đoạn xây dựng, nếu các xu hướng gần đây còn tiếp tục thì có thể phần lớn trong số 53.510 MW đó nhiều khả năng sẽ bị hủy hơn là được xúc tiến thực hiện.

“Nhiệt điện than đang phải đối mặt với nhiều khó khăn,” Christine Shearer, Giám đốc Chương trình than của GEM phát biểu. “Các cộng đồng đang từ chối nhiệt điện than do mức độ ô nhiễm cao, công nghệ năng lượng tái tạo đang vượt qua điện than về chất lượng và chi phí, và các tổ chức tài chính đang thoái lui nhanh chóng, khiến cho việc cấp vốn trở thành thách thức đối với những người đề xuất phát triển nhiệt điện than.”

Các số liệu này rất quan trọng vì chúng báo hiệu một xu hướng mới đang nổi lên ở Đông Nam Á, nơi được ngành than tại các thị trường xuất khẩu như Úc và Indonesia xem là nguồn tăng trưởng chính tiềm năng. Theo GEM, Đông Nam Á trên thực tế là quê hương của ba trong số mười nước có kế hoạch phát triển điện than lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, tỷ lệ xây dựng mới thấp và số lượng dự án dự kiến suy giảm nhanh chóng cho thấy phần lớn công suất trên giấy tờ này sẽ không được hiện thực hóa.

"Việc mở rộng công suất điện than dự kiến ​​ở Đông Nam Á đang xẹp đi hơn là bùng nổ,” ông Nace cho biết. “Số lượng nhà máy đi vào xây dựng trong sáu tháng đầu năm 2019 là rất thấp, và chúng ta thấy sự suy giảm này sẽ còn tiếp diễn.”

Những phát hiện này được công bố sau một báo cáo gần đây từ Trung tâm Trách nhiệm Tài chính cho thấy đầu tư vào điện than ở Ấn Độ đã giảm 90% từ năm 2018 đến 2019. Ấn Độ cũng được kỳ vọng là nguồn tăng trưởng chính tiếp theo của ngành than, nhưng số lượng dự án theo kế hoạch trước xây dựng đã giảm 80% kể từ năm 2015, do sự phản đối của công chúng và các mức giá ngày càng thấp đối với các dự án điện mặt trời và điện gió.

Một xu hướng tương tự dịch chuyển khỏi điện than và hướng tới năng lượng tái tạo dường như đang xuất hiện ở Đông Nam Á, nơi gần đây diễn ra một số thay đổi lớn.

Hơn 110 tổ chức tài chính đã thực hiện các chính sách hạn chế cho vay đối với điện than. Năm 2019 các nhà tài trợ châu Á hạn chế cho vay bao gồm DBS, OCBC, UOB và Mitsubishi UFJ.

Hồi tháng 1 năm nay, Thái Lan công bố kế hoạch phát triển năng lượng mới và đã loại bỏ hai nhà máy điện than lớn là Krabi công suất 800 MW và Thepa công suất 2.200 MW. Dự án Thap Sakae 3.200 MW cũng bị gác lại do sự phản kháng của cộng đồng. Thay vào đó, Thái Lan đang xoay trục hướng tới năng lượng sạch, họ vạch ra các kế hoạch, ví dụ như dự kiến đấu thầu các dự án phát triển 2.700 MW công suất năng lượng mặt trời nổi.

Việt Nam đạt được mục tiêu năng lượng mặt trời sớm sáu năm, trong khi một đánh giá gần đây về kế hoạch năng lượng của nước này cho thấy 93% các nhà máy điện than phát triển theo hình thức Xây dựng-Vận hành-Chuyển giao (BOT) ở Việt Nam bị chậm tiến độ, nhiều dự án bị chậm tiến độ nghiêm trọng.

Tại Philippines, Tổng thống Duterte đã khiến nhiều người ngạc nhiên khi trong Thông điệp quốc gia vào tháng trước ông đã kêu gọi tăng tốc phát triển năng lượng tái tạo và giảm điện than. “Chúng tôi nhận thấy nhu cầu cấp thiết để đảm bảo tính bền vững và sẵn có của các nguồn lực và sự phát triển của các nguồn thay thế. Về vấn đề này, tôi tin tưởng rằng Bộ trưởng (Bộ Năng lượng) Cusi sẽ nhanh chóng theo dõi sự phát triển của các nguồn năng lượng tái tạo và giảm sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng truyền thống ví dụ như than đá,” Tổng thống Duterte nói.

Nace cho biết, các thị trường nhập khẩu than truyền thống như Thái Lan và Đài Loan đã thực hiện một sự chuyển hướng rõ ràng ra khỏi than đá. “Trong khi chúng ta chắc chắn sẽ thấy một số nhà máy điện than mới đi vào hoạt động ở các quốc gia như Việt Nam và Indonesia, thì một kết luận nhanh chóng được rút ra đó là năng lượng tái tạo là một lựa chọn thông minh hơn để thúc đẩy nền kinh tế của họ.”

Nguồn:

GEM, Mạng lưới Báo chí Biến đổi Khí hậu và Năng lượng (MDI)