Một loại vắc-xin sốt xuất huyết thử nghiệm cho thấy kết quả ban đầu đầy hứa hẹn trong một thử nghiệm lớn, đa quốc gia, nhưng vẫn còn những câu hỏi quan trọng về hiệu quả và độ an toàn, đặc biệt với một sản phẩm nhạy cảm như vắc-xin.

Chẳng hạn, vẫn chưa rõ là liệu vắc-xin phòng bệnh có hiệu quả 80,2% trong nghiên cứu có thể làm tăng mức độ nghiêm trọng của bệnh ở một số người tiêm hay không, như đã xảy ra với vắc-xin sốt xuất huyết cho 1 triệu trẻ em ở Philippines năm 2017.

Người mẹ ở Philippines lấy nhiệt độ của đứa con trai đang nằm viện khi hồi phục sau sốt xuất huyết.

Virus sốt xuất huyết, được truyền sang người bởi muỗi, lây nhiễm cho khoảng 390 triệu người mỗi năm và căn bệnh này đang gia tăng nhanh chóng trên toàn thế giới. Mặc dù nó thường gây ra các triệu chứng giống như cúm hoặc hoàn toàn không có triệu chứng gì, nhưng trường hợp bệnh nghiêm trọng có thể dẫn đến sốt xuất huyết, sốc và thậm chí tử vong. Vì vậy, ngay cả những loại vắc-xin ít lý tưởng nhất vẫn có thể có tác động đến sức khỏe cộng đồng, Derek Wallace, một bác sĩ lâm sàng đứng đầu dự án R&D tại công ty dược phẩm Takeda ở Cambridge, Massachusetts cho biết.

Để thử nghiệm loại vắc-xin mới, dựa trên chủng virus sốt xuất huyết nhược độc, Wallace và các đồng nghiệp đã phân phối ngẫu nhiên vắc-xin hoặc giả dược cho 20.000 trẻ em, từ 4 đến 16 tuổi, ở tám quốc gia trên khắp châu Á và châu Mỹ Latinh, nơi căn bệnh này là đặc hữu. 12 tháng sau khi những người tham gia nhận được liều thứ hai và liều cuối cùng, các nhà nghiên cứu đã so sánh có bao nhiêu người trong nhóm giả dược và nhóm vắc-xin đã phát triển các trường hợp được xác nhận nhiễm bất kỳ chủng nào trong bốn chủng khác nhau hoặc huyết thanh của virus sốt xuất huyết.

Sốt xuất huyết gây ra bởi 1 trong 4 loại huyết thanh virus gần gũi nhưng khác nhau về mặt kháng nguyên, được ký hiệu là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4.

Vắc-xin có hiệu quả 97,7% chống lại DEN-2 sốt xuất huyết, nhóm nghiên cứu vừa báo cáo trên Tạp chí Y học New England (The New England Journal of Medicine - NEJM). Con số đó giảm xuống 73,7% đối với huyết thanh 1 và 62,3% đối với DEN-3; có quá ít nhiễm trùng với DEN-4 để đưa ra kết luận.

Ở những người tham gia thử nghiệm đã xác nhận nhiễm sốt xuất huyết, vắc-xin đã giảm 95,4% nguy cơ nhập viện. Kết quả rất đáng khích lệ, ông Jeremy Farrar, người đứng đầu tổ chức từ thiện y sinh Wellcome Trust ở London, một nhà nghiên cứu về sốt xuất huyết cho biết.

Tác dụng chống lại DEN-2 không có gì đáng ngạc nhiên, In-Kyu Yoon, chuyên gia vắc-xin sốt xuất huyết ở Bethesda, Maryland, một cố vấn cấp cao của Viện vắc-xin quốc tế và là thành viên ban cố vấn trung lập cho Takeda, nói. Bởi vì "xương sống" của vắc-xin là một phiên bản vô hại của huyết thanh virus DEN-2, và một số gen từ ba loại huyết thanh còn lại được đưa vào vi-rút này để tạo ra sản phẩm cuối là vắc-xin bốn chủng.

Farrar nhấn mạnh rằng thử nghiệm lâm sàng phải được đánh giá trong một thời gian dài hơn để biết chính xác độ an toàn và độ bền của vắc-xin. Farrar đồng chủ trì một nhóm làm việc đã tư vấn cho Tổ chức Y tế Thế giới về các khuyến nghị đối với vắc-xin sốt xuất huyết có vấn đề trước đó, Dengvaxia, được sản xuất bởi Sanofi. Phải mất 3 năm để các thử nghiệm lâm sàng tiết lộ bằng chứng thuyết phục về các vấn đề nghiêm trọng với Dengvaxia. Farrar cũng lưu ý rằng nhiều biến số phức tạp gây khó khăn trong việc phân loại giữa miễn dịch do vắc-xin gây ra hoặc miễn dịch do nhiễm virus tự nhiên.

Bệnh nhân nhiễm một loại virus sẽ tạo nên miễn dịch suốt đời với loại virus đó, tuy nhiên cơ thể chỉ có thể chống lại chính loại huyết thanh virus đó mà thôi. Chính vì vậy, bệnh nhân có thể mắc sốt xuất huyết nhiều hơn một lần trong đời do mắc phải các loại huyết thanh virus khác nhau, nhất là những người sống trong vùng lưu hành dịch.

Thử nghiệm của Takeda có kế hoạch theo dõi vắc-xin trong bốn năm rưỡi sau lần tiêm cuối cùng.

Một trong những đặc điểm của bệnh sốt xuất huyết là những người đã phát triển kháng thể với một kiểu huyết thanh (DEN-1 hoặc 2, 3, 4) có nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng hơn nếu sau đó họ bị nhiễm một trong ba loại còn lại. Nghịch lý thay, kháng thể chống lại kiểu huyết thanh ban đầu đôi khi không ngăn chặn virus thứ hai mà còn đẩy nhanh quá trình lây nhiễm.

Scott Halstead, nhà nghiên cứu về sốt xuất huyết đưa ra lý thuyết này, từ lâu đã cảnh báo rằng vắc-xin Sanofi có thể làm cho bệnh nặng hơn nếu trẻ em chưa bao giờ bị nhiễm virus sốt xuất huyết. Chính những đứa trẻ này, ban đầu chưa từng nhiễm huyết thanh, cuối cùng đã được phát hiện có tỷ lệ nhập viện tăng nếu được tiêm Dengvaxia.

Không giống như các thử nghiệm của Sanofi với Dengvaxia, Takeda đã xem xét những người tham gia nghiên cứu có kháng thể từ nhiễm trùng sốt xuất huyết trước đó hay không. Khoảng một trong bốn người tham gia chưa từng nhiễm, và mặc dù không có dấu hiệu rõ ràng về tác hại do vắc-xin gây ra, bài báo NEJM lưu ý rằng hiệu quả vắc-xin nói chung trong nhóm này giảm xuống còn 74,9%. Hơn nữa, vắc-xin không bảo vệ chống sốt xuất huyết DEN-3 cho những người này mà không rõ nguyên nhân.

Leonila Dans, bác sĩ nhi khoa tại Đại học Philippines ở Manila, người mạnh mẽ chỉ trích chính phủ của mình vì đã đưa Dengvaxia vào sử dụng rộng rãi, lưu ý rằng kết quả của Takeda "rất tương tự, mặc dù tốt hơn". "Chúng ta vẫn cần chờ báo cáo thử nghiệm đầy đủ để xem vắc-xin có hiệu quả và an toàn hay không một cách chắc chắn", Dans nói. "Lý tưởng nhất là một loại vắc-xin sẽ bảo vệ cho tất cả các kiểu huyết thanh".

Takeda cũng có dữ liệu từ 18 tháng sau lần tiêm chủng cuối cùng, dự kiến sẽ trình bày vào ngày 23 tháng 11 tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội Y học Nhiệt đới và Vệ sinh Hoa Kỳ. Wallace cho biết "dữ liệu này phù hợp" với các kết quả trên NEJM và công ty có kế hoạch sớm tìm kiếm sự chấp thuận theo quy định của pháp luật tại các quốc gia bị ảnh hưởng. Chỉ trong tuần này, Takeda đã mở một nhà máy mới ở Singen, Đức, để sản xuất vắc-xin.

Nguồn:

https://www.who.int/denguecontrol/virus/en/
https://www.sciencemag.org/news/2019/11/new-dengue-vaccine-performs-well-large-trial-safety-remains-key-concern