Các nhà khoa học đã thu được tín hiệu “nhịp tim” từ con tàu đang cách chúng ta 19 tỷ km, sau khi hệ thống điều khiển gửi sai lệnh đến con tàu, dẫn đến mất liên lạc.

Voyager 2 là một trong hai con tàu được phóng lên vũ trụ từ năm 1977 để chụp các hình ảnh của Sao Mộc và Sao Thổ, nhưng vẫn tiếp tục hành trình bay sâu vào không gian giữa các vì sao để trở thành vật thể do con người tạo ra đi xa nhất khỏi Trái đất.

Hơn một tuần nay, những người điều khiển con tàu đã không có tín hiệu gì từ Voyager 2 sau khi lỡ gửi sai lệnh và hướng ăng ten tàu khỏi Trái đất chỉ 2o. Sự chuyển hướng nhỏ vậy thôi nhưng đã đủ để làm mất liên lạc với trạm điều khiển.

Tuy nhiên, NASA cho biết họ đã bắt được tín hiệu từ tàu Voyager 2 trong một lần quét bầu trời định kỳ, nhờ thế mà biết con tàu vẫn tồn tại và hoạt động.

Kỹ sư của NASA đang chế tạo tàu du hành Voyager 2 trước khi nó được phóng đi vào năm 1977. Ảnh: Nasa
Kỹ sư của NASA đang chế tạo tàu du hành Voyager 2 trước khi nó được phóng đi vào năm 1977. Ảnh: NASA

Cặp tàu thăm dò Voyager 1 và Voyager 2 đã được phóng nối tiếp nhau trong vài tuần từ năm 1977 để tìm hiểu các hành tinh và mặt trăng ngoài Hệ Mặt trời. Tàu Voyager 1 vẫn giữ liên lạc với Trái đất và hiện đang ở khoảng cách gần 24 tỷ km. Đây là con tàu du hành vũ trụ xa nhất của loài người. Năm 2012, nó trở thành con tàu đầu tiên bay sâu vào không gian giữa các vì sao.

Tàu Voyager 2 đi vào không gian giữa các vì sao từ năm 2018 và đã phát hiện một mặt trăng mới của sao Mộc, 10 mặt trăng quanh sao Thiên Vương và 5 mặt trăng quanh sao Hải Vương. Đây vẫn là con tàu duy nhất nghiên cứu cả bốn hành tinh khổng lồ trong Hệ Mặt trời ở khoảng cách gần.

Hình ảnh của Triton, một vệ tinh của sao Hải Vương, được tàu Voyager 2 chụp năm 1989 khi đang bay qua. Ảnh: NASA
Hình ảnh của Triton, một vệ tinh của sao Hải Vương, được tàu Voyager 2 chụp năm 1989 khi bay ngang qua. Ảnh: NASA

Tuy tín hiệu "nhịp tim"đảm bảo con tàu vẫn đang hoạt động, song nó vẫn chưa phản hồi với các mệnh lệnh mới. Các nhà khoa học hy vọng sẽ kết nối lại với con tàu trong tuần này, khi ăng ten chảo ở Canberra, thuộc Mạng lưới Giám sát Không gian sâu của NASA, sẽ bắn lệnh chính xác lên vùng xung quanh tàu Voyager 2 - Phòng thí nghiệm lực đẩy phản lực của NASA, ở Pasadena, California, thông báo. Còn nếu không được thì NASA sẽ phải đợi đến tháng 10 khi tàu tự động cài đặt lại và khôi phục liên lạc.

Voyager 2 đang ở rất xa, tới nỗi dù gửi đi bằng tốc độ ánh sáng thì các lệnh phần mềm gửi từ Trái đất cũng cần 18 tiếng để tới được con tàu.

Nguồn: