Các nhà nghiên cứu phát hiện việc cải thiện chất lượng không khí liên quan đến giảm tỷ lệ tự tử ở Trung Quốc.

Theo một công bố mới trên tạp chí Nature Sustainability, nỗ lực cải thiện chất lượng không khí ở Trung Quốc đã giúp giảm tỷ lệ tự tử ở nước này trong giai đoạn 2013-2017.

Tháp Zhenhai ở Hoài An, Trung Quốc, chìm trong khói bụi.  Một nghiên cứu mới cho thấy các biện pháp chống ô nhiễm không khí đã giúp giảm tỷ lệ tự tử ở Trung Quốc. Nguồn: Science.org
Tháp Zhenhai ở Hoài An, Trung Quốc, chìm trong khói bụi. Một nghiên cứu mới cho thấy các biện pháp chống ô nhiễm không khí đã giúp giảm tỷ lệ tự tử ở Trung Quốc. Nguồn: Science.org

Ô nhiễm không khí thường được coi là vấn đề sức khỏe thể chất, gây ra một loạt các bệnh cấp tính và mãn tính như hen suyễn, tim mạch, ung thư phổi. Nhưng theo Tamma Carleton, Phó giáo sư tại Trường Quản lý & Khoa học Môi trường Bren thuộc Đại học California, Santa Barbara (UCSB), những yếu tố môi trường này cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần. Trước đây, cô từng nghiên cứu ảnh hưởng của nhiệt độ đến tỷ lệ tự tử ở Ấn Độ và phát hiện nhiệt độ quá cao khiến tỷ lệ tự tử tăng lên.

Cô tò mò khi thấy tỷ lệ tự tử ở Trung Quốc giảm nhanh hơn nhiều so với thế giới. Năm 2000, tỷ lệ tự tử bình quân đầu người ở nước này cao hơn mức trung bình toàn cầu; hai thập kỷ sau, nó giảm xuống dưới mức trung bình, và có xu hướng giảm dần. Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc (CCDC), từ năm 2010 đến năm 2021, tỷ lệ tự tử hàng năm đã giảm từ 10,88 xuống 5,25 vụ tự tử trên 100.000 người.

Cùng với đó, mức độ ô nhiễm không khí cũng giảm mạnh. Năm 2013, Trung Quốc đã công bố “Kế hoạch hành động ngăn ngừa và kiểm soát ô nhiễm không khí”, áp dụng các biện pháp quản lý phát thải xe cộ, thúc đẩy chuyển đổi từ than đá sang khí gas, khuyến khích chuyển đổi sang năng lượng sạch..., giúp cải thiện chất lượng không khí rõ rệt. “Rõ ràng là cuộc chiến chống ô nhiễm không khí trong 7-8 năm qua đã mang góp phần giảm thiểu ô nhiễm với tốc độ chưa từng thấy”, Carleton nhận xét. Và cô nghĩ rằng hai hiện tượng này có liên quan đến nhau.

Carleton và đồng tác giả Peng Zhang, cựu nghiên cứu sinh tiến sĩ ở UCSB, đã hợp tác với các nhà nghiên cứu ở Thượng Hải và Bắc Kinh để xem xét tác động của các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí đối với tỷ lệ tự tử ở Trung Quốc. Họ đã thu thập dữ liệu nhân khẩu học từ năm 2013-2017 từ Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh Trung Quốc, dữ liệu khí tượng từ Trung tâm Dịch vụ dữ liệu khí tượng Trung Quốc.

Đây là một nghiệm vụ không hề đơn giản. “Một thách thức lớn là ô nhiễm không khí liên quan đến rất nhiều thứ”, Carleton cho biết. Chẳng hạn, hoạt động kinh tế, hình thức di chuyển, sản lượng công nghiệp đều liên quan đến ô nhiễm không khí. Và những hoạt động này cũng có thể ảnh hưởng đến tỷ lệ tự tử. “Mục tiêu của chúng tôi là tách riêng ảnh hưởng của ô nhiễm không khí đối với hành vi tự tử, loại bỏ các yếu tố liên quan trên”.

Họ đã sử dụng một trạng thái khí quyển gọi là nghịch nhiệt (inversion), trong đó nhiệt độ ở lớp khí quyển trên cao ấm hơn lớp khí quyển phía dưới. Tình trạng này khiến ô nhiễm không khí tập trung gần bề mặt Trái đất, hệ quả là ô nhiễm không khí tăng cao dù không liên quan đến hoạt động của con người. Hiện tượng này giúp nhóm nghiên cứu xác định tác động của ô nhiễm không khí đến tỷ lệ tự tử. Bằng cách tách riêng mức độ ô nhiễm không khí với hoạt động của con người - yếu tố cũng ảnh hưởng đến hành vi của con người, các tác giả tin rằng họ đã thực sự xác định được tác động nhân quả.

Nhóm nghiên cứu đã so sánh con số tự tử trên 600 quận giữa các tuần có hiện tượng thời tiết nghịch nhiệt và những tuần có thời tiết điển hình hơn. Kết quả cho thấy, các quận phải đối mặt với 4-5 đợt đảo nhiệt mỗi tuần. Mỗi đợt thường chỉ kéo dài 2-3 giờ nhưng có thể khiến nồng độ PM 2.5 trung bình hằng tuần tăng lên 1%.

Họ nhận thấy tỷ lệ tự tử đột ngột tăng lên đáng kể trong vòng một tuần sau khi xảy ra hiện tượng nghịch nhiệt, nhưng hiệu ứng này không kéo dài quá 7 ngày. “Đây là những vụ tự tử 'tăng thêm' - những cái chết đáng lẽ không bao giờ xảy ra nếu chất lượng không khí không bị suy giảm”, nhóm nghiên cứu viết trong bài báo. Đặc biệt, phụ nữ cao tuổi bị ảnh hưởng nhiều gấp 2,5 lần so với các nhóm khác.

Các tác giả chưa biết chính xác tại sao phụ nữ cao tuổi lại dễ bị tổn thương hơn, có lẽ một phần là do văn hóa. Nghiên cứu trước đây cho thấy hầu hết các vụ tự tử của phụ nữ Trung Quốc đều xảy ra do các khủng hoảng cấp tính (acute crisis hay những thảm họa bất ngờ, không mong đợi). Vì vậy, nếu ô nhiễm không khí gây ảnh hưởng cấp tính đến sức khỏe tâm thần, nó có thể tác động đến phụ nữ cao tuổi nhiều hơn.

“Chúng ta thường nghĩ vấn đề tự tử và sức khỏe tâm thần là chuyện cá nhân”, Carleton nhận xét. “Kết quả này cho thấy vai trò quan trọng của chính sách công và chính sách môi trường trong việc giảm thiểu các cuộc khủng hoảng về sức khỏe tâm thần và tự tử, chứ không chỉ dừng lại ở can thiệp cá nhân”.

Cô hy vọng những phát hiện này sẽ góp phần thay đổi cách tiếp cận trong việc ngăn ngừa tự tử hiện nay. Chính sách công về ô nhiễm không khí - thứ không thể kiểm soát - đang ảnh hưởng đến khả năng một người tự tử, cô nói. "Và tôi nghĩ nên có một góc nhìn khác về các giải pháp cho vấn đề này. Các cơ quan y tế công cộng cũng phải nhận thức được điều này, trong lúc khí hậu ngày càng ấm lên và gia tăng ô nhiễm ở nhiều nước đang phát triển”.

Nghiên cứu này là “một bước tiến so với các nghiên cứu trước đây về mối liên hệ giữa PM2.5 và tự tử”, Joseph Hayes, bác sĩ tâm thần tại Đại học College London, nhận xét. Tuy nhiên, Hayes cho rằng nghiên cứu chưa thể loại trừ hoàn toàn các yếu tố gây nhiễu. Các chất ô nhiễm khác, chẳng hạn như khí độc và các hạt lớn hơn, có thể gia tăng cùng với PM2.5. Hơn nữa, không phải tất cả mọi người đều phơi nhiễm với mức độ ô nhiễm trung bình - điều này làm giảm độ chính xác của kết quả nghiên cứu.

Carleton muốn tìm hiểu kỹ hơn về tỷ lệ tự tử ở các quốc gia Đông Nam Á. Cô cho biết, hầu hết các nghiên cứu về tự tử được thực hiện ở Mỹ và châu Âu. Trong khi vẫn còn ít những nghiên cứu về nguyên nhân dẫn đến hành vi tự tử ở các quốc gia đang phát triển, cũng là nơi đang chứng kiến sự biến đổi môi trường nhanh nhất.

Tất nhiên, ô nhiễm không khí không phải là nhân tố duy nhất khiến một người tự tử. Theo các nhà nghiên cứu, chất lượng không khí đóng góp 10% trong mức giảm tỷ lệ tự tử trong giai đoạn 2013 - 2017.

Có nhiều lý do để kiểm soát ô nhiễm trên toàn cầu, giờ đây, chúng ta có thêm vấn đề tự tử. Các chính sách của Trung Quốc đã được những kết quả ấn tượng trong một khoảng thời gian ngắn, trở thành một hình mẫu tiềm năng cho các quốc gia khác đang vật lộn với vấn đề ô nhiễm và góp phần điều chỉnh lại cuộc thảo luận về vấn đề tự tử trong thế giới hiện đại.


Nguồn: