Đây có lẽ sẽ là một thời khắc hệ trọng đối với các hệ thống phân loại thực phẩm toàn cầu.

Chính phủ Nhật dường như đã sẵn sàng để quy định, rằng thực phẩm được chỉnh sửa gene bằng công nghệ CRISPR là an toàn để ăn. Hay chí ít, đó cũng là khuyến nghị của một nhóm các nhà khoa học vừa công bố báo cáo liên quan đến cách thức đưa thực phẩm chỉnh sửa CRISPR vào thị trường một cách an toàn và có trách nhiệm.

Giờ đây, quyết định cuối cùng sẽ nằm trong tay Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản – theo Science thì đây chính là thời khắc đánh dấu sự chuyển dịch của hệ thống phân loại thực phẩm toàn cầu.

Thực phẩm trong siêu thị tại Nhật Bản. Ảnh: Getty Images.

Thực phẩm trong siêu thị tại Nhật Bản. Ảnh: Getty Images.

“Có rất ít sự khác biệt giữa các phương pháp sinh sản truyền thống với chỉnh sửa gen, xét trên khía cạnh an toàn” – Hirohito Sone, nhà nội tiết học tại Đại học Niigata kiêm Chủ tịch Ủy ban hội thẩm đánh giá báo cáo, nói với NHK.

Theo đó, hội đồng đã đưa ra kết luận rằng các loại thực phẩm chỉnh sửa CRISPR sẽ không cần phải trải qua thêm bất kỳ thử nghiệm an toàn nào so với những loại khác. Tuy nhiên, các nhà khoa học thực hiện thao tác chỉnh sửa cũng phải đảm bảo không để lại bất kỳ DNA ngoại lai (gen được lấy từ sinh vật nào khác) nào trong sản phẩm cuối cùng.

Vẫn còn tồn tại nhiều mối nghi ngại của người tiêu dùng về sự an toàn của thực phẩm chỉnh sửa gene. Ảnh: Genetic Literacy Project.

Vẫn còn tồn tại nhiều mối nghi ngại của người tiêu dùng về sự an toàn của thực phẩm chỉnh sửa gene. Ảnh: Genetic Literacy Project.

Ngoài ra, Ủy ban cũng đề xuất: bất cứ ai tham gia sản xuất hoặc bán thực phẩm chỉnh sửa CRISPR sẽ phải công khai chính xác về những thay đổi di truyền mà họ đã thực hiện, nhằm giúp làm giảm bớt mối nghi ngại của công chúng.

Theo ghi nhận của Science, Nhật Bản đã từng phải vật lộn với thực phẩm biến đổi gen trong quá khứ. Đó là khi chính phủ nước này chấp thuận cho hoạt động mua bán thực phẩm biến đổi gen – mà bản chất có chứa các DNA ngoại lai, khiến phần đông công chúng đã tẩy chay.

Vì thế, để ngăn ngừa những phản ứng dữ dội tương tự, Ủy ban khuyến nghị cần hướng tới thúc đẩy minh bạch nhằm giúp người tiêu dùng hiểu chính xác về những gì họ mua và cách phân biệt chúng với các loại thực phẩm khác. Như Sone khẳng định: “Cần có những giải thích cặn kẽ [về công nghệ mới] để giảm bớt mối lo ngại của công chúng”.

Nguồn: