Việc dự báo dòng chảy ở phần thượng lưu vực sông Hồng nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam là yếu tố quan trọng để tăng cường hiệu quả quản lý tài nguyên nước, cũng như kịp thời chuẩn bị cho các tình huống hạn hán.

Đây là chủ đề được thảo luận trong hội thảo “Nghiên cứu xây dựng phương pháp, công nghệ dự báo dòng chảy mùa cạn, thời hạn 10 ngày, tháng, mùa đến biên giới Việt - Trung” do Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) tổ chức vào ngày 12/12 vừa qua.

Mặc dù là lưu vực sông lớn nhất cả nước song gần một nửa lượng nước của sông Hồng bắt nguồn từ Trung Quốc. Theo báo cáo, phần diện tích lưu vực thuộc Trung Quốc (tính đến biên giới Việt Nam) hằng năm cung cấp khoảng 50 tỉ m3/năm, chiếm hơn 40% tổng lượng nước trung bình hằng năm của sông Hồng (tính đến trạm thủy văn Sơn Tây). Đặc biệt, vào mùa cạn (từ tháng 10 đến tháng 6 năm sau) hơn 50% tổng lượng dòng chảy trên lưu vực sông Hồng thuộc lãnh thổ Trung Quốc.

PGS.TS. Nguyễn Tiền Giang, chủ nhiệm đề tài, giới thiệu về tiến độ thực hiện. Ảnh: TA
PGS.TS. Nguyễn Tiền Giang, chủ nhiệm đề tài, phát biểu trong hội thảo. Ảnh: TA

Việc dự báo dòng chảy ở phần thượng lưu sông Hồng nằm ngoài lãnh thổ rất cần thiết với hoạt động quản lý tài nguyên nước của Việt Nam, đặc biệt là trong quá trình vận hành hệ thống hồ chứa, lên kế hoạch phân bổ nguồn nước và chuẩn bị các tình huống ứng phó với hạn hán trong mùa cạn.

Tuy nhiên, đây vẫn là một “khoảng trống” chưa được lấp đầy. Các nghiên cứu về lưu vực sông Hồng phần nằm ngoài lãnh thổ thường không xem xét dòng chảy mùa cạn, hoặc nếu có thì rất mờ nhạt. Đây là hạn chế lớn vì sự khan hiếm nước trong tương lai ở đồng bằng Bắc Bộ là ở mùa cạn. “Vấn đề dự báo lưu lượng nước trong mùa cạn vừa cấp thiết lại vừa phức tạp vì nó phụ thuộc nhiều vào số liệu, cũng như cần đến các phương pháp hiện đại, tiên tiến”, PGS.TS. Trần Quốc Bình, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, phát biểu.

Với mong muốn khắc phục tình trạng trên, các nhà nghiên cứu ở Trường Đại học Khoa học Tự nhiên đã triển khai đề tài “Nghiên cứu xây dựng phương pháp, công nghệ dự báo dòng chảy mùa cạn, thời hạn 10 ngày, tháng, mùa đến biên giới Việt - Trung” (2023-2025). Đề tài nằm trong khuôn khổ “Chương trình phát triển khoa học cơ bản trong lĩnh vực Hoá học, Khoa học sự sống, Khoa học trái đất và Khoa học biển giai đoạn 2017- 2025” (Chương trình 562 do Bộ KH&CN chủ trì).

Đề tài hướng đến ba mục tiêu chính: (1) Xây dựng bộ dữ liệu về điều kiện địa lý tự nhiên, hệ thống các hồ chứa chính (đặc tính, quy trình vận hành…) phần thượng lưu vực sông Hồng thuộc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc; (2) Đánh giá sự thay đổi chế độ thủy văn phần thượng lưu vực sông Hồng dưới tác động của biến đổi khí hậu và hệ thống các hồ chứa chính thuộc Trung Quốc; (3) Xây dựng phương pháp, công nghệ dự báo dòng chảy mùa cạn thời hạn trung bình 10 ngày, tháng, mùa đến biên giới Việt Trung; áp dụng thí điểm cho một tiểu lưu vực cụ thể (thuộc lưu vực sông Hồng).

Sau gần một năm triển khai, đến nay, nhóm nghiên cứu đang tiến gần hơn đến các mục tiêu đề ra. Cụ thể, họ đã thu thập và xử lý số liệu (gồm số liệu địa hình, thảm phủ thổ nhưỡng, độ ẩm đất, hồ chứa khí tượng thủy văn…); khảo sát, đo đạc lưu lượng và mực nước mùa cạn trên các nhánh sông đầu nguồn; xây dựng phần mềm quản lý dữ liệu.

Nhóm nghiên cứu cũng xây dựng các đường đặc tính hồ chứa (đường biểu diễn quan hệ giữa cao trình mực nước hồ với các thông số hồ chứa như diện tích mặt hồ và dung tích hồ) và công nghệ giám sát hồ chứa. Sau khi đánh giá, lựa chọn mô hình khí hậu khu vực và toàn cầu với dự báo hạn nội mùa - mùa, các nhà nghiên cứu đang thiết lập mô hình mô phỏng dòng chảy mùa cạn cho vùng thượng lưu vực sông Đà.

Dù khối lượng công việc không nhỏ song nhóm nghiên cứu vẫn đảm bảo tiến độ. Dựa trên những kết quả thu được, họ đã công bố một bài báo trên tạp chí quốc tế và một bài báo trên tạp chí trong nước.

“Chúng tôi sẽ cố gắng hoàn thành sản phẩm đào tạo (một thạc sĩ và một tiến sĩ) và công bố (hai bài báo trong nước và hai bài báo quốc tế) sau khi kết thúc năm hai của đề tài, từ đó tập trung vào việc dự báo thử nghiệm, nâng cao hiệu quả thực tiễn của đề tài”, PGS.TS. Nguyễn Tiền Giang, Khoa Khí tượng Thuỷ văn và Hải dương học (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên), chủ nhiệm đề tài, phát biểu trong hội thảo.