Chương trình KC.14/21-30 “Nghiên cứu KH&CN phục vụ bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước” đề ra một số mục tiêu như 60% số nhiệm vụ có kết quả được ứng dụng hoặc ứng dụng thử nghiệm thành công.

Ngày 8/12, tại TPHCM, Bộ KH&CN phối hợp với Phân hiệu Trường Đại học Thủy lợi tổ chức Hội thảo “Định hướng phát triển và ứng dụng KH&CN đảm bảo an ninh nguồn nước giai đoạn 2021 - 2030”.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Hồng Thái cho biết, bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước là yêu cầu tất yếu khách quan và đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với phát triển nhanh, bền vững đất nước trong giai đoạn trước mắt và lâu dài.

Ngày 23/6/2022, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Kết luận số 36-KL/TW của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Kết luận đã đề ra 9 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, trong đó cũng đưa ra giải pháp “Nghiên cứu, phát triển, ứng dụng KH&CN, chuyển đổi số trong bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước”.

Theo Thứ trưởng, trong những năm qua, Nhà nước đã đầu tư và có nhiều giải pháp để bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra như nguồn nước mặt của nước ta phân bổ không đều cả về không gian và thời gian, phụ thuộc nhiều vào nguồn nước xuyên biên giới. Thách thức về gia tăng nguồn nghiên cứu công nghệ để gia tăng nguồn nước, cũng như sử dụng nước hiệu quả và tiết kiệm cũng là một bài toán lớn đặt ra trong giai đoạn tới, do nhu cầu nước dự kiến năm 2045 là 130 tỷ m3, tăng khoảng 30% so với nhu cầu thực tế hiện nay. Bên cạnh đó, nguồn nước ở nhiều khu đang bị ô nhiễm trầm trọng, công trình khai thác nguồn nước được xây dựng từ lâu đã xuống cấp, khó thay đổi công năng để đáp ứng cho sản xuất quy mô lớn, quản trị nước còn yếu, hiệu quả khai thác, sử dụng nước thấp,...

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Hồng Thái phát biểu tại Hội thảo.    Ảnh: KA
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Hồng Thái phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: KA

“Vì vậy, Bộ KH&CN kỳ vọng trong giai đoạn đến năm 2030, Chương trình KC.14/21-30 sẽ góp phần giải quyết những vấn đề KH&CN liên quan đến an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

GS.TS. Nguyễn Văn Tỉnh, Chủ nhiệm Chương trình KC.14/21-30 cho biết, ngày 1/12/2023, Bộ KH&CN đã ban hành Quyết định số 2846/QĐ-BKHCN phê duyệt Chương trình KH&CN cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2030 “Nghiên cứu KH&CN phục vụ bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước”, mã số KC.14/21-30.

Mục tiêu của Chương trình hướng tới cung cấp luận cứ, cơ sở khoa học và thực tiễn để hỗ trợ xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước. Đồng thời phát triển, ứng dụng, chuyển giao được các công nghệ tiên tiến để phát triển, quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn nước phục vụ dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, an ninh nguồn nước và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao mức độ an toàn, hiệu quả quản lý, khai thác đập, hồ chứa nước và công trình thủy lợi.

Chương trình đề ra một số mục tiêu như 60% số nhiệm vụ có kết quả được ứng dụng hoặc ứng dụng thử nghiệm thành công. 30% số nhiệm vụ có đơn đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ (sáng chế, giải pháp hữu ích) được chấp nhận, trong đó 10% số nhiệm vụ có bằng độc quyền sáng chế hoặc giải pháp hữu ích được công nhận; 20% số nhiệm vụ có doanh nghiệp tham gia phối hợp thực hiện…

Theo GS Tỉnh, Chương trình sẽ tập trung vào các giải pháp, công nghệ đánh giá, dự báo số lượng, chất lượng, nhu cầu sử dụng nước; tích trữ, xử lý, lọc nước; vận hành thông minh các hệ thống công trình cấp, tưới, thoát nước; quan trắc, giám sát, kiếm soát chất lượng nước, nguồn thải gây ô nhiễm nước;…

GS.TS Tăng Đức Thắng, Nguyên Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, cho biết, ĐBSCL đang chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, lún sụt đất. Hằng năm khu vực này sụt lún 0,5 - 3 m, riêng khu vực ven biển ước tính lún 1,5 - 3,5 cm mỗi năm. Đây được cho là có tốc độ sụt lún lớn. Dự báo tại tỉnh Hậu Giang đến 2050, cao độ địa hình ở mức - 0,5 m đến - 1 m, vào năm 2100 là -1 m đến - 2 m, được cho rất nghiêm trọng. Bên cạnh đó, theo những nghiên cứu mới về biến đổi khí hậu lưu vực sông Mê Công, lượng mưa trong tương lai giảm từ 1 – 10%, khiến nước sẽ về ĐBSCL giảm. Nước biển dâng làm cho xâm nhập mặn sâu hơn, ngập diện rộng, sâu, kéo dài. Tình trạng xói lở bờ biển, làm tốc độ mất đất năm 2000 – 2020 thay đổi từ 100 – 300ha/năm.

Vì vậy, theo GS Thắng, phát triển ĐBSCL cần theo hướng thích nghi có kiểm soát, chủ động tạo ra chế độ nước hợp lý trên nền chế độ tự nhiên, làm giảm mức độ rủi ro, bấp bênh trong các hoạt động KT - XH, nhất là ngành nông nghiệp.

“Đây cũng là giải pháp quan trọng để khai thác tối ưu nguyên thiên nhiên như đất, nước, ánh sáng, để phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái hữu cơ chất lượng cao”, GS Thắng nói và khuyến nghị cần lồng ghép các vấn đề trọng yếu (bảo đảm an ninh nguồn nước, ngập nước và suy thoái đồng bằng) vào chiến lược phát triển KT - XH của ĐBSCL và quốc gia. Đồng thời, cần xây dựng kế hoạch, quy hoạch dài hạn cho các vấn đề liên quan đến nước như bảo đảm an ninh nguồn nước; quy hoạch phòng chống ngập nước cho toàn ĐBSCL; bảo vệ chống biển lấn và hệ sinh thái ngập mặn ven biển…

GS.TS. Nguyễn Văn Tỉnh, Chủ nhiệm Chương trình KC.14/21-30 giới thiệu về Chương trình.  Ảnh: KA
GS.TS Nguyễn Văn Tỉnh, Chủ nhiệm Chương trình KC.14/21-30 giới thiệu về Chương trình. Ảnh: KA

GS Thắng cũng đưa ra một số vấn đề cần nghiên cứu như sự thay đổi nguồn nước sông Mê Công về ĐBSCL; các giải pháp chủ động cấp nước ngọt cho các vùng hạn mặn và khan hiếm nước; tính khả thi của việc xây dựng hồ trữ nước ngọt trên hệ thống sông Vàm Cỏ đánh giá, dự báo chế độ nước (mực nước, sóng, chất lượng nước) vùng ven biển ĐBSCL phục vụ phát triển thủy sản ven biển; giải pháp nâng cấp, khai thác, vận hành, phân phối sử dụng nước hợp lý của các hồ chứa lớn trên lưu vực sông Đồng Nai;…

PGS.TS Nguyễn Đăng Tính, Phó Giám đốc Phân hiệu Trường Đại học Thủy lợi, thì lo ngại vấn đề an toàn đập, hồ chứa nước ở Việt Nam, do các hồ chứa nước được xây dựng đã lâu (năm 1970 – 1980), nên xuống cấp, hư hỏng nặng, trong khi thiếu kinh phí bảo trì, sửa chữa, nâng cấp, năng lực cán bộ quản lý, vận hành hồ, đập còn hạn chế. Vì vậy, theo TS Tính, cần nghiên cứu, ứng dụng công nghệ nâng cao khả năng chống thấm cho đập đất, có những quy trình ứng phó với các tình huống khẩn cấp các quy mô hồ chứa, đập khác nhau. Ngoài ra, cần xây dựng hệ thống tích hợp quan trắc, điều hành hồ chứa thông minh, hoàn thiện quy trình đánh giá an toàn đập, hồ chứa, kết hợp với chuyển đối số hoàn thiện hệ thống thông tin công trình.

Thứ trưởng Trần Hồng Thái mong muốn nhà khoa học quan tâm giải quyết các vấn đề của vùng, xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh tại khu vực phía Nam về an ninh nguồn nước. Thứ trưởng cũng lưu ý Chương trình KC.14/21-30, mặc dù là các nhiệm vụ cấp quốc gia, nhưng cần tập trung xử lý, giải quyết dứt điểm những vấn đề mà các địa phương đang phải đối mặt hiện nay.

“Bộ KH&CN sẽ luôn hỗ trợ, đồng hành cùng các nhà khoa học đưa lĩnh vực an ninh nguồn nước và an toàn đập hồ chứa nước phát triển bền vững”, Thứ trưởng Trần Hồng Thái nói.