Trong 2 loại virus gây bại liệt, virus bại liệt hoang dã có thể sẽ bị xoá sổ trong năm nay, còn virus bại liệt có nguồn gốc từ vaccine vẫn đòi hỏi nhiều nỗ lực trong thời gian dài nữa.

Loại bỏ virus bại liệt hoang dã - gồm 3 chủng serotype 1, 2 và 3 - là mục tiêu của các chương trình trên toàn cầu kể từ năm 1988.

Serotype 2 và 3 đã bị loại trừ lần lượt vào năm 1999 và 2020, nhưng serotype 1 tiếp tục lưu hành ở Afghanistan và Pakistan đến nay, trong khi Ấn Độ tiêu diệt tất cả các chủng bại liệt hoang dã cách đây 12 năm và châu Phi cách đây 3 năm.

Năm nay, số trường hợp bại liệt ở Afghanistan và Pakistan đã giảm. Pakistan chỉ báo cáo 2 ca và Afghanistan 5 ca. Năm 2022, hai nước ghi nhận tổng cộng 22 ca. Về phạm vi, các ca bệnh chỉ xuất hiện ở 7 huyện thuộc một tỉnh của Pakistan (tỉnh Khyber Pakhtunkhwa) và 2 tỉnh miền đông Afghanistan (Nangarhar và Kunar).

Đạt được mức giảm này là do hai nước khôi phục các chiến dịch tiêm chủng sau sự gián đoạn trong thời gian bùng phát đại dịch COVID-19 và mở rộng giám sát phát hiện các dấu hiệu của virus.

Các nỗ lực xoá sổ bệnh bại liệt ở Pakistan và Afghanistan gặp nhiều khó khăn hơn do địa hình đồi núi.

Afghanistan và Pakistanphải không có virus trong 3 năm liền, cũng trong 3 năm này không có ca nhiễm mới nào được chẩn đoán và không phát hiện virus bại liệt trong các mẫu môi trường, trước khi virus bại liệt serotype 1 có thể bị tuyên bố là bị loại trừ thành công khỏi khu vực - và thế giới.

Cả Pakistan và Afghanistan đều đang trong tình trạng cảnh giác cao độ về dấu vết của bệnh bại liệt thầm lặng. Molodecky cho biết cứ mỗi trẻ bị bại liệt do serotype 1 thì có khoảng 200 trẻ nhiễm không có triệu chứng. “Vì vậy, khi phát hiện một trường hợp, đó chỉ là phần nổi của tảng băng. Những người nhiễm bệnh thầm lặng nhưng chưa được tiêm phòng có thể lây lan virus", theo Natalia Molodecky, nhà dịch tễ học và nhà mô hình hóa độc lập, người đã làm việc với WHO và chương trình bại liệt của Pakistan.

Attaullah Ahmadi, nhà nghiên cứu về sức khỏe cộng đồng tại Đại học Khoa học Y tế Kabul ở Afghanistan, đồng ý rằng bằng chứng dịch tễ học cho thấy Afghanistan và Pakistan sắp loại bỏ thành công virus bại liệt hoang dã. Tuy nhiên, cơ hội tương tự từng xuất hiện trước đây và cuối cùng cả hai đều không về đích. Ahmadi nói rằng việc cha mẹ từ chối chủng ngừa cho con, và niềm tin sai lầm về vaccine nói chung do thông tin sai và hiểu biết nghèo nàn về sức khỏe, vẫn là những rào cản.

Ngoài virus bại liệt hoang dã, còn có virus bại liệt có nguồn gốc từ vaccine đe doạ nỗ lực loại trừ bệnh bại liệt trên toàn cầu. Vaccine bại liệt dạng uống (OPV) chứa virus bại liệt đã bị làm suy yếu, nhưng đôi khi chúng có thể trở lại dạng có độc lực và lây lan trong những người chưa được chủng ngừa. Kể từ tháng 1/2020, virus bại liệt có nguồn gốc từ vaccine đã xuất hiện ở hơn 50 quốc gia - bao gồm cả một số quốc gia đã đáp ứng tiêu chuẩn loại trừ bệnh bại liệt từ lâu.

Vaccine bại liệt dạng tiêm không gặp nguy cơ tương tự, nhưng lại không ngăn chặn các đợt bùng phát một cách hiệu quả như vaccine đường uống. Do đó, các chương trình vaccine phải sử dụng loại uống một cách thận trọng để đảm bảo ngăn chặn được các đợt bùng phát mà không gieo thêm mầm bệnh. Tỷ lệ chủng ngừa bằng vaccine dạng tiêm cao trong cộng đồng là biện pháp bảo vệ tốt nhất chống lại virus bại liệt có nguồn gốc từ vaccine.

Đợt bùng phát virus bại liệt từ vaccine cuối cùng ở Afghanistan và Pakistan đã kết thúc vào năm 2021. Trên thế giới, gần 700 triệu liều vaccine tiêm, nhằm vào virus bại liệt serotype 2 có nguồn gốc từ vaccine uống, đã được sử dụng ở 31 quốc gia kể từ tháng 3/2021. Các công thức vaccine nhằm vào serotype 1 và 3 đang được phát triển.

Thompson cho biết, việc tiêu diệt tất cả các loại virus bại liệt chắc chắn có thể thực hiện được, mặc dù sẽ cần rất nhiều nỗ lực. “Điều này đòi hỏi các nguồn lực, đòi hỏi sự cam kết và nó đòi hỏi các bên phải thực sự làm việc cùng nhau", chuyên gia cho biết.

Nguồn: