Thời tiết nóng bức có thể khiến tâm trạng mất ổn định, làm cho sự rối loạn sức khỏe tinh thần thêm trầm trọng, và làm cho quá trình điều trị bằng thuốc thêm phức tạp. Các nhà khoa học chỉ ra rằng, bản thân biến đổi khí hậu đã là một tác nhân gây ra căng thẳng.

Nắng nóng ở Mỹ. Ảnh: Matt York/Associated Press
Nắng nóng ở Mỹ. Ảnh: Matt York/Associated Press

Nếu bạn thấy cái nóng gay gắt kéo dài đang khiến mình trở nên âu lo và dễ cáu kỉnh, thậm chí là phiền muộn, thì đó không hoàn toàn là vấn đề do tâm trạng. Không chỉ ảnh hưởng đến cơ thể, nhiệt độ gia tăng còn có thể gây hại cho tinh thần.

Theo các nhà khoa học, khi các đợt nắng nóng đang ngày càng trở nên khắc nghiệt, thường xuyên và kéo dài lâu hơn, việc chỉ ra các ảnh hưởng của nó đối với sức khỏe tinh thần cũng càng trở nên quan trọng. "Thực sự chỉ đến năm năm gần đây, người ta mới nhận ra những ảnh hưởng đó" - Tiến sĩ Joshua Wortzel, Chủ tịch Ủy ban về biến đổi khí hậu và sức khỏe tinh thần của Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ (American Psychiatric Association), được thành lập cách đây hai năm, cho biết.

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, nhiệt độ cao có liên quan chặt chẽ với sự gia tăng các vụ tự tử. Nắng nóng còn liên quan tới sự gia tăng của tội phạm bạo lực và hành vi gây hấn, số ca cấp cứu và nhập viện vì rối loạn tinh thần, và tử vong - đặc biệt là ở những người bị tâm thần phân liệt, mất trí nhớ, rối loạn tâm thần và sử dụng chất kích thích.

Ước tính, nhiệt độ cứ tăng 1 độ C (tương ứng 1,8 độ F) thì nguy cơ tử vong ở những bệnh nhân mắc chứng rối loạn tâm thần, mất trí nhớ hoặc sử dụng chất kích thích sẽ tăng lên gần 5%. Các nhà nghiên cứu cũng thống kê, sự gia tăng nhiệt độ có liên quan tới 0,7% tỉ lệ gia tăng các vụ tự tử, và từ 4 đến 6% sự gia tăng của các cuộc bạo lực cá nhân, bao gồm các vụ giết người.

Cái nóng không chỉ thúc đẩy những cảm giác như cáu kỉnh và giận dữ, mà có vẻ như còn làm các căn bệnh tinh thần - như chứng lo âu, tâm thần phân liệt và trầm cảm - thêm nghiêm trọng. Giống như nhóm người không có nhà ở hoặc có điều kiện kinh tế thấp, nhóm người lớn tuổi, thanh thiếu niên và những người có các bệnh tinh thần từ trước cũng đặc biệt dễ bị tổn thương. Một nghiên cứu vào năm ngoái đã phân tích dữ liệu của hơn hai triệu người có bảo hiểm cá nhân, và phát hiện ra rằng số ca cấp cứu vì vấn đề tinh thần trong 5-6 ngày nóng nhất của mùa hè cao hơn đáng kể so với những ngày mát nhất của mùa hè đó.

"Nắng nóng cực độ, một tác nhân bên ngoài gây ra căng thẳng, dường như đang làm các vấn đề sức khỏe tinh thần của con người trầm trọng thêm" - Tiến sĩ Amruta Nori-Sarma, nhà dịch tễ học môi trường tại Trường Y tế Công cộng thuộc Đại học Boston (Mỹ) chia sẻ. Cô cũng nói thêm rằng, tác động có thể còn rõ rệt hơn đối với những người có bảo hiểm hạn chế hoặc không có bảo hiểm, hoặc những người đang trong tình trạng vô gia cư.

Để giải thích mối liên hệ giữa sự gia tăng nhiệt độ và các rối loạn sức khỏe tinh thần, các nhà khoa học đã đưa ra nhiều cách giải thích khác nhau về mặt sinh học. Chí ít, một số vấn đề trên có chung một căn nguyên: bị gián đoạn giấc ngủ.

Vào những đêm nóng, con người thường ngủ muộn và dậy sớm hơn, chất lượng giấc ngủ cũng kém hơn. Nếu ngủ trong phòng quá nóng suốt nhiều ngày hoặc nhiều tuần, không chỉ có những bệnh mãn tính như tiểu đường hay bệnh tim bị ảnh hưởng, mà đồng thời các rối loạn tinh thần, nguy cơ tự tử, trí nhớ, tâm trạng và nhận thức cũng sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực. Người lớn tuổi và phụ nữ có nhiều khả năng bị ảnh hưởng hơn: Một nghiên cứu đã chỉ ra tình trạng mất ngủ ở người lớn tuổi cao gấp đôi so với người trẻ tuổi.

Có thể, một số vấn đề về sức khỏe tinh thần bắt nguồn từ vấn đề của thể chất. Mới gần đây, Asim Shah, bác sĩ tâm thần tại Đại học Y Baylor ở Houston (Mỹ), phát hiện ra rằng mạch hoặc nhịp tim của hầu hết mọi bệnh nhân đều cao hơn so với ba tháng trước đó. "Nhịp tim tăng có thể làm cho ta thêm lo âu", Shah nói, "Vì thế nên cái nóng gây ra nhiều thay đổi về mặt thể chất, dẫn đến nhiều thay đổi về mặt cảm xúc và tinh thần".

Serotonin - một chất dẫn truyền thần kinh có kết nối với tâm trạng, sự lo âu và trầm cảm, cũng điều chỉnh khả năng cảm nhận nhiệt độ của cơ thể. Sự gia tăng của ánh sáng mặt trời và cái nóng có thể làm tăng mức serotonin và dẫn đến thay đổi tâm trạng, sự cáu kỉnh và hành vi gây hấn. Một loạt các loại thuốc được sử dụng rộng rãi - bao gồm thuốc kháng sinh, thuốc đối kháng beta, thuốc chống trầm cảm và thuốc kháng histamin - cũng ảnh hưởng đến khả năng cảm nhận và điều chỉnh nhiệt độ của cơ thể.

Theo bác sĩ Shah, các loại thuốc được kê đơn cho bệnh tâm thần phân liệt, trầm cảm và rối loạn lưỡng cực - bao gồm cả lithium đang được sử dụng rộng rãi - làm giảm khả năng tiết mồ hôi và tự làm mát của cơ thể. Nắng nóng khắc nghiệt và việc đổ mồ hôi có thể tập trung lượng lithium trong cơ thể đến mức gây hại, và dẫn tới các vấn đề nghiêm trọng về thể chất lẫn tinh thần, thậm chí là tử vong. Các loại thuốc khác ngăn chặn cơn khát và có thể dẫn đến tình trạng mất nước ở mức độ nguy hiểm. Cồn, caffeine và một số loại thuốc làm tăng lượng nước tiểu cũng có thể dẫn đến mất nước, các vấn đề về tinh thần và sự rối loạn.

Theo Tiến sĩ Wortzel, nhiệt độ cao có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần qua nhiều con đường gián tiếp. Trong thời tiết nóng, một số loại cây trồng hấp thụ kẽm, sắt và các vi chất dinh dưỡng khác kém hơn; sự thiếu hụt các chất dinh dưỡng này có thể gây ra những hậu quả về tinh thần, bao gồm rối loạn phát triển thần kinh.

Nắng nóng lên còn làm gia tăng phạm vi tiếp cận của các vật trung gian truyền bệnh, chẳng hạn như bọ ve, mang theo những mầm bệnh mà có thể gây ra các triệu chứng tâm thần và thần kinh. Cái nóng cũng làm gia tăng các chất gây dị ứng và sự ô nhiễm, làm chất lượng không khí xấu đi, những yếu tố này đều có thể gây nên lo âu và trầm cảm.

Ảnh: Spencer Platt/Getty Images
Ảnh: Spencer Platt/Getty Images

Nắng nóng chỉ là một khía cạnh của biến đổi khí hậu. Vào năm ngoái, Hội đồng Liên Chính phủ về biến đổi khí hậu đã cảnh báo rằng sự gia tăng nhiệt độ, tình trạng di dời, nạn đói và thiệt hại về kinh tế - xã hội sẽ dẫn đến sự lo âu, buồn bã và căng thẳng sâu sắc. Báo cáo này cũng cảnh báo rằng trẻ em, thanh thiếu niên, người lớn tuổi và những người có vấn đề sức khỏe mãn tính là những đối tượng đặc biệt dễ chịu tổn thương.

"Thật không may, đây có thể là mùa hè mát mẻ nhất trong suốt quãng đời còn lại của chúng ta" - Britt Wray, Giám đốc Chương trình về biến đổi khí hậu và sức khỏe tâm thần của Đại học Stanford (Mỹ), chia sẻ.

Theo bà, mọi người thường chuyển sang trị liệu nhận thức hành vi, thuốc men hoặc các chiến lược khác để đối phó với những cảm xúc phức tạp. Nhưng “khi nói đến khủng hoảng khí hậu, những biện pháp can thiệp đó vô tác dụng, bởi vì mối đe dọa là có thật”, chứ không chỉ là vấn đề nhận thức.

Chính quyền các địa phương có thể giúp mọi người cảm thấy ít bị ảnh hưởng hơn, cũng như được hỗ trợ nhiều hơn, bằng cách lập kế hoạch cho những ngày nắng nóng kéo dài. Các cơ quan có thể cung cấp thông tin về các khu vực làm mát gần nhất cho những người không có điều hòa ở nhà. Theo Tiến sĩ Wray, việc kết nối với những người có cùng mối lo âu, và hành động ở nhiều cấp độ khác nhau nhằm ngăn chặn những hậu quả tồi tệ nhất, cũng có thể góp phần giảm bớt những cảm xúc tiêu cực vì khí hậu.

Nguồn: