Tuy BMI là một công cụ đánh giá sức khỏe phổ biến, song nó vẫn có những điểm yếu, và các nhà nghiên cứu đang tìm hiểu một số phép đo khác thay thế cho công cụ này.

BMI, hay chỉ số khối cơ thể, là một cách tính thô về lượng mỡ cơ thể dựa trên chiều cao và cân nặng. Các nhà nghiên cứu nghĩ ra chỉ số này để dùng trên nhiều đối tượng, nhằm tìm hiểu cân nặng ảnh hưởng đến bệnh tật và các tình trạng sức khỏe mãn tính thế nào. Trong các nghiên cứu đó, việc phân chia dân số thành các nhóm cân nặng khác nhau dựa vào BMI rất hiệu quả.

Các nghiên cứu cho thấy BMI tăng sẽ dẫn đến tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính, bao gồm bệnh tim, huyết áp cao, cholesterol cao, tiểu đường loại 2, các vấn đề về hô hấp, đột quỵ, bệnh tâm lý, chứng ngưng thở lúc ngủ, thoái hóa khớp, đau cơ thể và ít nhất là 13 loại ung thư - theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC).

Tuy nhiên, các nhà phê bình cho rằng BMI đã trở thành một cách phán xét trong xã hội vì xếp các cá nhân vào những hạng mục tùy tiện và duy trì các quan niệm sai lầm về cân nặng. Theo các nghiên cứu, dù việc chế giễu người thừa cân đã bị phản đối nhiều, nhưng thái độ kỳ thị cân nặng vẫn còn ăn sâu trong nhận thức xã hội.

Xã hội và truyền thông thường đưa ra thông điệp sai lầm rằng bạn phải gầy đi, nếu không bạn là người kém cỏi hoặc bạn không thể khỏe mạnh. Trong khi đó, sự thật là bạn có thể to béo mà vẫn khỏe mạnh, cũng như gầy mà vẫn ốm yếu.

Theo các nhà khoa học, chỉ số BMI có thể sai hoàn toàn trong một số trường hợp. Ví dụ, một phụ nữ trẻ cao 1m65 và nặng 68kg bị coi là sắp thừa cân với chỉ số BMI là 25. Tuy nhiên cô ấy có thể rất cơ bắp và hầu hết cân nặng nằm ở phần thân dưới, không ảnh hưởng đến sức khỏe như ở phần thân trên. Trong trường hợp này, cô ấy có sức khỏe hoàn toàn tốt và không cần để ý đến BMI.

Chỉ số BMI ở người trưởng thành được tính bằng cách lấy cân nặng chia cho bình phương chiều cao. Hiện nay, chỉ số BMI từ 18,5 đến 24,9 được coi là cân nặng hợp lý, 25 đến 29 là thừa cân, 30 đến 34,9 là béo phì, 35 đến 39,5 là béo phì loại 2, hơn 40 là béo phì loại 3 hay béo phì trầm trọng, trước đây gọi là béo bệnh. Những người có chỉ số BMI dưới 18,5 được coi là thiếu cân.

Cơ và xương nặng hơn mỡ, cho nên chỉ số BMI có thể ước tính quá cao lượng mỡ của vận động viên hay những người có cơ bắp hoặc khổ người lớn. Ngược lại, BMI cũng có thể ước tính quá thấp lượng mỡ cơ thể của người già hay người bị teo cơ. Vấn đề nữa là nữ giới tự nhiên có nhiều mỡ và ít cơ hơn nam giới, một số nhóm chủng tộc và sắc tộc có xu hướng di truyền về tỉ lệ cơ và mỡ khác nhau.

Việc dùng BMI cho trẻ em cũng có vấn đề. Theo CDC, khó có thể xác định phạm vi cân nặng hợp lý cho trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên vì BMI cần được diễn giải dựa trên cân nặng, chiều cao, độ tuổi và giới tính. Do đó, phụ huynh không nên dùng cách tính BMI cho người lớn để đánh giá tình trạng cân nặng của con mình.

Tuy nhiên, BMI vẫn có vai trò trong y tế. Theo các chuyên gia, có đủ bằng chứng cho thấy thừa cân trong một khoảng thời gian dài sẽ dẫn đến các bệnh mãn tính. Có thể không phải huyết áp cao, tiểu đường hay bệnh tim, nhưng sẽ là các vấn đề về cơ xương, trầm cảm hay ngủ kém, làm giảm chất lượng cuộc sống.

Các nhà phê bình cho rằng chỉ số BMI duy trì các quan niệm sai lầm về cân nặng khi gộp chung các cá nhân vào những hạng mục tùy tiện. Ảnh: vinmec.com
Các nhà phê bình cho rằng chỉ số BMI duy trì các quan niệm sai lầm về cân nặng khi gộp chung các cá nhân vào những hạng mục tùy tiện. Ảnh: vinmec.com

Nghiên cứu cho thấy các tế bào mỡ phát tín hiệu viêm cho các mô xung quanh, trong đó có các loại cytokine từng khiến nhiều người phải vào khoa hồi sức cấp cứu trong dịch Covid-19 (hội chứng cơn bão cytokine).

Mỡ không chỉ là nơi dự trữ mà còn là một loại mô nội tiết hoạt tính. Do đó, nếu bạn ở tình trạng béo phì càng lâu, thì thời gian lượng mỡ thừa phóng thích các cytokine gây viêm và các chất khác liên quan đến bệnh mãn tính càng dài. Vì thế, các chuyên gia khuyên nên tìm gặp bác sĩ để có cái nhìn tổng thể, chứ không chỉ dựa vào chỉ số BMI để giảm cân.

Các bác sĩ có thể sử dụng những phương pháp đo đạc khác. Ví dụ, đo chu vi vòng eo để đo lượng mỡ cơ thể, đặc biệt là loại mỡ nguy hiểm nhất cho sức khỏe: mỡ nội tạng hay mỡ “ẩn”. Bạn không thể dùng tay véo chỗ mỡ này, vì nó nằm ẩn dưới cơ bụng. Tuy người gầy cũng có thể có loại mỡ này khi bị “gầy ngoài, béo trong” (TOFI), nhưng mỡ nội tạng thường tăng khi bụng to ra.

Loại mỡ này nằm trong và bao quanh gan, tim, thận và dạ dày. Nó phóng thích các protein gây viêm làm tăng nguy cơ cholesterol cao, bệnh tim, đột quỵ, tiểu đường loại 2, kháng insulin, Alzheimer và các bệnh suy giảm trí nhớ khác.

Theo chuyên gia, nam giới nên có vòng eo dưới 101,6cm và nữ dưới 76,2cm. Vượt quá con số này sẽ dẫn đến mỡ trong ổ bụng ở phần trên cơ thể, thường liên quan đến các vấn đề sức khỏe.

Trong số các công cụ đo khác mà ngành y tế đang xem xét để thay cho BMI có tỉ lệ WHtR, do Tổ chức Y tế Thế giới đưa ra. WHtR được tính bằng cách chia vòng bụng cho chiều cao, mục đích là xác định bệnh béo phì và các nguy cơ sức khỏe liên quan. Một số nhà nghiên cứu cho rằng con số này có khả năng dự đoán tốt về sức khỏe tim mạch. Đây là một chỉ số đơn giản và ít phụ thuộc vào tuổi tác hơn, nhưng theo một tổng quan nghiên cứu năm 2022, không nên dùng nó cho trẻ dưới 6 tuổi.

Tuy vậy, ở thời điểm hiện tại, các phương pháp thay thế vẫn chưa phải là giải pháp lâu dài. Theo các chuyên gia, những công cụ đo lượng mỡ cơ thể trên không thực tế về mặt lâm sàng. Chúng là các công cụ tốt cho nghiên cứu, song sử dụng trong lâm sàng thì chỉ tăng thêm chi phí cho người bệnhchứ không mang lại thông tin bổ ích hơn cách hiện dùng.

Nguồn: