Emil von Behring là người đoạt giải Nobel Sinh lý học và Y học đầu tiên cho công trình nghiên cứu về liệu pháp huyết thanh.

Emil von Behring (1854-1917). Nguồn: Public Domain
Emil von Behring (1854-1917). Nguồn: Public Domain

Emil Behring sinh ngày 15/3/1854 tại Hansdorf, Tây Phổ. Ban đầu, ông dự định theo thần học, nhưng lại rẽ hướng khi được một người bạn là bác sĩ quân y sắp xếp cho học y tại Đại học Berlin.

Ông nhận được học bổng và học ở Học viện bác sĩ quân y tại Viện Y tế-Phẫu thuật Hoàng gia Friedrich-Wilhelm từ năm 1874-1878, sau đó lấy bằng y khoa. Trong những năm tiếp theo, ông làm bác sĩ trong quân đội. Sau khi được thăng làm đại úy quân y tại Viện Dược lý ở Đại học Bonn, ông được thuyên chuyển sang Viện Vệ sinh Berlin vào năm 1888 để làm trợ lý cho Robert Koch (1843-1910), một trong những người tiên phong trong lĩnh vực vi khuẩn học.

Phát triển huyết thanh trị bệnh bạch hầu

Vào đầu những năm 1890, Behring khởi động các nghiên cứu huyết thanh điều trị. Năm 1890, cùng với người bạn thời đại học là Erich Wernicke, ông đã thành công phát triển huyết thanh điều trị hiệu quả đầu tiên chống lại bệnh bạch hầu. Cũng trong khoảng thời gian đó, cùng với bác sĩ và nhà vi khuẩn học người Nhật Shibasaburo Kitasato, ông thành công phát triển huyết thanh điều trị cho bệnh uốn ván.

Phương pháp điều trị huyết thanh thành công đầu tiên ở trẻ mắc bệnh bạch hầu diễn ra vào năm 1891. Cho đến thời điểm đó, hơn 50.000 trẻ em Đức tử vong hàng năm vì bệnh bạch hầu. Trong vài năm đầu tiên, hình thức trị liệu này không có bước đột phá thành công vì chất kháng độc không đủ cô đặc.

Phải đến khi phương pháp làm giàu của nhà vi khuẩn học Paul Ehrlich (1854-1915) cùng với quy trình định lượng và tiêu chuẩn hóa chính xác ra đời, thì người ta mới xác định được chính xác chất lượng của các chất kháng độc và phát triển thành công. Sau đó, Behring quyết định ký hợp đồng với Ehrlich, đây là nền tảng cho mối hợp tác sau này của họ. Hai người lập phòng thí nghiệm dưới đường sắt (Stadtbahnbogen) ở Berlin, nơi họ lấy được nhiều huyết thanh bằng cách sử dụng động vật lớn - đầu tiên là cừu và sau này là ngựa.

Năm 1892, Behring và công ty hóa chất và dược phẩm Hoechst ở Frankfurt/Main bắt đầu hợp tác vì họ nhận ra tiềm năng điều trị của thuốc kháng độc tố bạch hầu. Từ năm 1894, việc sản xuất và tiếp thị huyết thanh trị liệu bắt đầu tại Hoechst. Dù nhận được nhiều phản ứng tích cực nhưng họ cũng phải đối mặt với những chỉ trích đáng chú ý. Tuy nhiên, những phản kháng đó nhanh chóng bị gạt sang bên nhờ thành công của liệu pháp này.

Những năm ở Marburg

Bộ trưởng của Bộ Giáo dục và Văn hóa Phổ là ông Friedrich Althoff muốn cải thiện việc kiểm soát dịch bệnh ở Phổ bằng cách hỗ trợ nghiên cứu vi khuẩn. Ông đã đề bạt Behring, lúc đó đang giáo sư tại Đại học Halle-Wittenberg, về đảm nhiệm chức vụ về vệ sinh tại Đại học Philipps Marburg vào ngày 1/4/1895.

Không lâu sau, Bộ trưởng Althoff thăng cho ông làm giáo sư chính thức, bất chấp mọi lời phản đối từ các cán bộ giảng dạy. Từ đó, Behring đảm nhận chức vụ Giám đốc Viện Vệ sinh tại Marburg. Ông giảng dạy về vệ sinh và kiêm luôn lịch sử y học. Năm 1896, Viện Vệ sinh Marburg chuyển đến một tòa nhà trên con đường gần Phố Pilgrimstein, trước đây là Phòng khám Phẫu thuật. Behring chia Viện thành hai khoa, Khoa Nghiên cứu trị liệu thực nghiệm và Khoa giảng dạy về vệ sinh và vi khuẩn. Ông giữ chức Giám đốc Viện cho đến khi nghỉ hưu vào tháng 5/1916.

Tiêm phòng chủ động để phòng bệnh bạch hầu


Huyết thanh trị liệu do Behring phát triển chỉ ngăn ngừa được bệnh bạch hầu trong một thời gian ngắn. Do đó, vào năm 1901, lần đầu tiên Behring sử dụng phương pháp tiêm chủng vi khuẩn bạch hầu đã giảm độc lực. Với cách miễn dịch chủ động, ông hy vọng có thể giúp cơ thể sản sinh ra chất kháng độc. Cũng vào năm này, ông nhận được giải thưởng Nobel Sinh lý học và Y học đầu tiên cho công trình nghiên cứu về liệu pháp huyết thanh, nhất là việc sử dụng nó trong điều trị bệnh bạch hầu.

Phải mất vài năm thì việc phát triển một loại vaccinehoạt động mới thu được thành quả. Năm 1913, Behring công bố chất bảo vệ khỏi bệnh bạch hầu là T.A. (Độc tố-Kháng độc tố). Nó chứa hỗn hợp độc tố bạch hầu và kháng độc tố huyết thanh trị liệu. Chất độc là nhằm khiến cơ thể của người được tiêm chủng có phản ứng nhẹ, nhưng không gây hại. Ngoài ra, nó sẽ bảo vệ người tiêm lâu dài. Loại thuốc mới đã được thử nghiệm tại nhiều phòng khám khác nhau, được chứng minh là không gây hại và hiệu quả.

Huyết thanh điều trị uốn ván trong Thế chiến thứ nhất

Năm 1891, huyết thanh uốn ván được đưa vào thực hành lâm sàng nhanh hơn nhiều so với huyết thanh bệnh bạch hầu. Bộ Nông nghiệp hỗ trợ các nỗ lực nghiên cứu để phát triển một tác nhân trị liệu chống lại uốn ván, nhằm bảo vệ động vật có giá trị nông nghiệp. Nhờ tiêm chủng cho ngựa mà họ thu về rất nhiều huyết thanh cần thiết. Tuy nhiên, thử nghiệm trên người không được tiến hành nhiều; vì thế Cục Quản lý Quân sự dè dặt dùng nó ở quy mô nhỏ vào đầu Thế chiến Thứ nhất.

Chính điều này đã khiến nhân mạng tổn thất nặng nề trong những tháng đầu của cuộc chiến. Vào cuối năm 1914, nhờ sự hỗ trợ của Behring, việc tiêm huyết thanh đã được coi là biện pháp ngừa bệnh. Bắt đầu từ tháng 4/1915, họ đã khắc phục được sai sót về liều lượng và tình trạng thiếu nguồn cung cấp, nhờ thế số lượng bệnh nhân giảm mạnh. Behring được tôn vinh là “Cứu tinh của lính Đức” và được trao Huân chương Thập tự Sắt của Phổ.

Nỗ lực phát triển phương pháp trị liệu bệnh lao

Sau khi liệu pháp điều trị bệnh lao của Robert Koch thất bại vào năm 1893, Behring bắt đầu tìm kiếm một tác nhân trị liệu hiệu quả chống lại căn bệnh này. Thế nhưng, ông nhanh chóng phải thừa nhận rằng việc chống lại bệnh lao bằng huyết thanh là không khả thi. Vì thế, Behring tập trung nghiên cứu vaccine ngừa bệnh, tuy nhiên, điều này đòi hỏi kiến thức chính xác về cơ chế lây nhiễm.

Theo quan điểm của Behring, trực khuẩn lao truyền sang trẻ em qua sữa mẹ hoặc sữa bò bị nhiễm bệnh lao. Vì thế, ông dùng formaldehyde để xử lý sữa nhằm loại bỏ nguồn lây nhiễm này. Quy trình này không được chấp nhận do sữa có mùi khó chịu. Hơn nữa, người ta đã chứng minh được là trực khuẩn lao lây qua đường hô hấp chứ không phải đường tiêu hóa.

Từ năm 1903, Behring nghiên cứu phương pháp gây miễn dịch hoạt động thông qua các tác nhân lây nhiễm bệnh lao giảm độc lực. Ông đã thử nghiệm phương pháp này trên bò nhưng chỉ thành công phần nào. Mục đích của ông là thu được một tác nhân bảo vệ và chữa bệnh cho người. Một số tác nhân (tuberculase, tulase, tulaseactin, tulon) không tạo được đột phá. Vào đầu Thế chiến Thứ nhất, Behring đã dừng nỗ lực chống lại bệnh lao và cống hiến hết mình để phát triển huyết thanh uốn ván hiệu quả hơn.

Vào ngày 31/3/1917, Behring qua đời và được chôn cất trong lăng mộ ở Marburg Elsenhöhe.

Nguồn: nobelprize.org, smj.org.sg, britannica.com