Viết bản mô tả sáng chế sao cho có lợi nhất – để nổi bật tính mới, tính sáng tạo cũng như có phạm vi bảo hộ rộng nhất trong quá trình thương mại hóa là điều các cử tọa rất quan tâm tại Hội thảo “Kỹ năng tra cứu thông tin và viết bản mô tả sáng chế” do Cục Sở hữu trí tuệ phối hợp với Đại học Bách Khoa Hà Nội tổ chức vào cuối tháng 9 vừa qua.

Các nhà nghiên cứu cho rằng đây là thách thức lớn trong quá trình đăng ký bảo hộ sáng chế. Chia sẻ này cũng phù hợp với kết quả khảo sát do Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ (Bộ KH&CN) thực hiện năm 2018, theo đó, những khó khăn khi viết bản mô tả sáng chế là một trong những nguyên nhân khiến số lượng đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích tại các viện nghiên cứu, trường đại học còn hạn chế.

Nhiều nhà khoa học gặp khó khăn khi mô tả sáng chế vì ngoài việc phải đáp ứng các tiêu chí để cấp bằng sáng chế như tính mới, tính sáng tạo (trình độ sáng tạo, tính không hiển nhiên), sản xuất công nghiệp (khả năng áp dụng công nghiệp), còn cần phải nắm được văn phong, cách viết mô tả sáng chế theo Luật Sở hữu trí tuệ, phải biết cách tra cứu dữ liệu sáng chế để xác định tính mới, phải biết viết sao cho phạm vi bảo hộ của sáng chế rộng nhất có thể để có lợi thế trong quá trình thương mại hóa nếu xảy ra tranh chấp với các bên khác.

Cách viết yêu cầu bảo hộ sẽ quyết định phạm vi bảo hộ

Thoạt nghe có vẻ phức tạp, song thực chất, bí quyết của viết bản mô tả sáng chế chủ yếu nằm ở phần yêu cầu bảo hộ. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu thường đầu tư rất nhiều công sức vào phần mô tả tình trạng kỹ thuật của sáng chế, dẫn đến tốn nhiều thời gian, công sức mà không đem lại hiệu quả bảo hộ. “Khi viết sáng chế, các tác giả lưu ý phần quan trọng nhất là yêu cầu bảo hộ, thẩm định viên sẽ đánh giá khả năng bảo hộ dựa trên đó. Còn lại tất cả các phần khác chỉ có giá trị thông tin chứ không quá quan trọng, chỉ nên viết ngắn gọn để tiết kiệm công sức”, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc Trung tâm Thông tin sở hữu công nghiệp (Cục Sở hữu trí tuệ), nhấn mạnh.

Toàn cảnh hội thảo. Nguồn: IPVIETNAM
Toàn cảnh hội thảo. Nguồn: IPVIETNAM

Hơn nữa, cách viết yêu cầu bảo hộ sẽ quyết định phạm vi bảo hộ của sáng chế. Người soạn thảo không nên mô tả quá chi tiết, vô tình thu hẹp phạm vi bảo hộ của sáng chế. Theo các chuyên gia, sáng chế của người Việt thường viết yêu cầu bảo hộ quá sơ sài, bị từ chối ngay từ đầu, hoặc viết quá sâu, chứa nhiều thông tin không cần thiết, thậm chí có những sáng chế viết rất chi tiết, chính xác từng thông số kỹ thuật. “Khả năng bảo hộ của sáng chế mạnh hay yếu sẽ phụ thuộc vào yêu cầu bảo hộ. Nếu chúng ta viết càng chi tiết thì phạm vi bảo hộ càng hẹp”, bà Hiền phân tích. “Giống như nguyên tắc về tổ hợp, một tổ hợp càng nhiều thuộc tính thì nó càng nhỏ, khi viết sáng chế, chúng ta phải viết sao cho tổ hợp đó rộng nhất có thể”.

“Những kiến thức này rất giá trị, từ trước đến nay, chúng tôi chưa chú ý đến điều này nên thường viết bản mô tả rất chi tiết, thậm chí đến từng độ pH cũng viết chính xác luôn, mà không biết rằng phạm vi bảo hộ đã bị hạn chế”, một đại biểu chia sẻ trong hội thảo.

Tăng cường trao đổi giữa tác giả sáng chế và thẩm định viên

Ngoài ra, một số nhà nghiên cứu cũng phản ánh tình trạng đăng ký bảo hộ sáng chế nhưng chỉ được cấp bằng bảo hộ giải pháp hữu ích. Về bản chất, sáng chế có yêu cầu bảo hộ cao hơn (phải đáp ứng được tính mới, tính sáng tạo và khả năng áp dụng công nghiệp) so với giải pháp hữu ích (không cần tính sáng tạo), đi kèm với thời hạn bảo hộ dài hơn (sáng chế: 20 năm, giải pháp hữu ích: 10 năm). Liệu có phải sáng chế không đủ tính sáng tạo nên mới bị đẩy xuống làm giải pháp hữu ích? “Thực ra không phải lúc nào cũng vậy. Rất nhiều tình huống sáng chế đáp ứng đủ tiêu chí, nhưng chúng ta không biết cách bộc lộ ra. Đến khi thẩm định viên đưa ra ý kiến, dù không đồng tình nhưng cũng ‘ngại’ phản biện lại, nên chấp nhận bảo hộ dưới dạng giải pháp hữu ích”, bà Hiền nhận xét.

Để khắc phục vấn đề này, các chuyên gia cho rằng cần phải tăng cường tương tác giữa người nộp đơn và thẩm định viên. “Nếu các tác giả thấy thẩm định viên chưa hiểu rõ thì hãy giải thích kỹ lưỡng, chúng tôi rất mong nhận được phản hồi, vừa đảm bảo quyền lợi chính đáng cho các nhà sáng chế, vừa giúp thẩm định viên có thêm kiến thức phục vụ công tác thẩm định. Việc trao đổi qua lại như vậy là rất bình thường, quá trình đăng ký bảo hộ sáng chế ở nước ngoài cũng thế”, Ông Bùi Duy Nghĩa, Phó Giám đốc Trung tâm, nhận xét.

Những kiến thức trong buổi tập huấn cũng nhanh chóng được ứng dụng vào thực tế. Sau bốn chuyên đề “Tổng quan về sở hữu trí tuệ và thủ tục đăng ký sáng chế”; “Giới thiệu các cơ sở dữ liệu tra cứu sáng chế và chiến lược tra cứu sáng chế”; “Các yêu cầu đối với bản mô tả sáng chế”; “Hướng dẫn sử dụng phần mềm viết bản mô tả sáng chế”, các đại biểu đã thực hành viết bản mô tả sáng chế. Một số nhà nghiên cứu đã có ý tưởng muốn đăng ký bảo hộ sáng chế cũng được các chuyên gia tư vấn tại hội thảo.