Bên cạnh những nguồn tư liệu chính thống trước nay vẫn được sử dụng cho nghiên cứu, những tài liệu về hồi ức và ký ức hoàn toàn có tiềm năng mở ra một hướng đi mới, mang lại các góc nhìn mới về lịch sử.


Các ghi chép, nhật ký đem lại những hình dung sinh động về lịch sử thời chiến ở Việt Nam. Ảnh: Người tham quan đọc các lá thư trong triển lãm chuyên đề “Thư, Nhật ký thời chiến” hồi tháng tư, do Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tổ chức tại Hà Nội.

Đó là vấn đề mà các nhà khoa học đã bước đầu đặt ra thảo luận tại Hội thảo khoa học quốc tế về “Hồi ức, ký ức, tài liệu lưu trữ về Việt Nam: Giá trị Nhân văn nhìn từ nhiều phía” mới đây được tổ chức tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN.

Tài liệu ký ức khắc họa các chân dung con người trong lịch sử

Theo các nhà khoa học, Hội thảo này, được đồng tổ chức bởi trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQGHN), trường Đại học Texas Tech (Hoa Kỳ) và trường Đại học Aix-Marseille (Pháp) đã đánh dấu những bước đi đầu tiên nhằm hướng sự quan tâm của các nhà nghiên cứu tới loại hình tư liệu mới mẻ này cho nghiên cứu các giai đoạn của lịch sử Việt Nam. “Trước đây các nhà nghiên cứu về lịch sử thuộc địa ở Việt Nam thường tập trung vào kho lưu trữ quốc gia hải ngoại Pháp ở Aix-en-Provence, nhưng hiện vẫn còn rất nhiều phông tư liệu ở những nơi khác hiện vẫn chưa được khai thác,” TS. Olivia Pelletier (Lưu trữ Quốc gia Hải ngoại Pháp) phát biểu. Việc khai thác những tư liệu này, theo đó, sẽ đưa ra những hiểu biết đáng ngạc nhiên về nhiều chiều cạnh của lịch sử thuộc địa – trong đó có lịch sử di dân Việt ở nước ngoài trong thế kỷ XX.

Một trong số những nghiên cứu theo xu hướng mới này là khảo cứu của nhóm GS. Isabelle Merle (trường ĐH Aix-Marseille) về con đường của những di dân Việt đến các vùng lãnh thổ thuộc Pháp ở Tân Thế giới (Nouvelle-Caledonia) và Tân Đảo (Nouvelle-Hébrides, nay là Vanuatu). Còn được biết đến là “người Chân Đăng”, các lao động người Việt đến từ các tỉnh Bắc Kỳ được tuyển mộ theo nhiều hình thức “tự nguyện” hay “cưỡng bách” (tù nhân chính trị) đến làm việc đông đảo trong các khu mỏ và đồn điền khắp các quần đảo miền Tây Nam Thái Bình Dương, bắt đầu từ năm 1891 và lên đến đỉnh cao trong giai đoạn giữa hai cuộc Thế chiến.

Dẫn chứng nguồn tư liệu là các lá thư gửi nhà, TS. Việt Anh, Viện Nghiên cứu Hán Nôm khắc họa một phần chân dung của những người Việt đầu tiên tại Tân Đảo, trong đó nổi tiếng nhất là Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm (1875-1929). Nghiên cứu cũng cho thấy, khi nhìn vào những yêu cầu người nhà gửi tiền bạc và đồ đạc trong các lá thư - khi so sánh với thời giá từ các nguồn như Hương ước - có thể cho thấy rằng điều kiện kinh tế của các di dân là tương đối khá giả. “Thập niên 1890 đánh dấu sự xuất hiện của các thế hệ di dân đầu tiên từ Bắc Kỳ ra nước ngoài, nhất là tới phương Tây,” TS. Cao Việt Anh nói.


Thập niên 1890 đánh dấu sự xuất hiện của các thế hệ di dân đầu tiên từ Bắc Kỳ ra nước ngoài, nhất là tới phương Tây. Trong ảnh: Người Phu mộ Việt nam trong một đồn điền trồng dừa ở Tân đảo (1938 - 1939).

Từ những trường hợp như vậy, TS. Việt Anh cho rằng việc khai thác các tư liệu lưu trữ về các khía cạnh của cuộc sống con người là một nguồn bổ sung cần thiết cho các nghiên cứu vĩ mô: “Đó là việc lắng nghe ở một góc độ khác tiếng nói thật của từng số phận riêng, từng cá nhân trong lịch sử.”

Nguồn dữ liệu khổng lồ cho nghiên cứu lịch sử chiến tranh

Một hướng đi mới trong nghiên cứu lưu trữ học được bàn thảo sâu trong hội thảo là việc thu thập và khai thác tư liệu lịch sử khẩu vấn (oral history). Được quan tâm từ những năm 1970 tại Anh, lịch sử khẩu vấn đại diện cho một hướng tiếp cận lịch sử “từ dưới lên” trong đó cho phép các nhân chứng, những người dân thường được nói lên câu chuyện và điểm nhìn của mình về những giai đoạn và sự kiện diễn ra trong quá khứ. Từ đó, chúng cho phép khắc họa một lịch sử phong phú và giàu tính nhân văn về con người và những trải nghiệm lịch sử của họ, vốn ít khi được nhắc đến trong lịch sử chính thống. Phong trào nghiên cứu lịch sử khẩu vấn theo đó lan rộng ra nhiều quốc gia, trong đó có cả các nước Liên Xô cũ và các nước láng giềng Việt Nam như Trung Quốc, Campuchia hay Indonesia.1


Thời gian gần đây, một số nhóm nghiên cứu trong nước đã bắt đầu khai thác kho báu tài liệu ý ức. Trong ảnh: Cán bộ nghiên cứu sưu tầm của Trung tâm di sản các nhà khoa học Việt Nam phỏng vấn nhà khoa học. Ảnh: Trung tâm di sản các nhà khoa học Việt Nam.

Theo PGS.TS. Vũ Thị Phụng (Khoa Lưu trữ học và Quản trị Văn phòng, trường ĐH KHXH&NV), thì: “Có thể nói, Việt Nam là một nguồn mênh mông và có tiềm năng vô cùng lớn cho tài liệu khẩu vấn, bởi chính lịch sử thăng trầm của Việt Nam và những dấu ấn đặc biệt của nước ta lên lịch sử thế giới.”

Một nghiên cứu giới thiệu tại hội thảo của TS. Nguyễn Hồng Duy (trường ĐH KHXH&NV) đã phỏng vấn 50 nhân chứng là các cựu chiến binh Quân đội Nhân dân Việt Nam, những người đã tham gia Kháng chiến chống Mỹ giai đoạn từ 1954 đến 1975. Cố gắng tìm kiếm nhiều nhất các thông tin từ các cựu chiến binh về chiến tranh, TS. Duy mong muốn cho thấy giá trị của tài liệu khẩu vấn trong công tác lưu trữ và phục vụ cho nghiên cứu, trong đó có nghiên cứu lịch sử.

“Dù có nhiều nguyên nhân đưa đẩy họ tham gia chiến đấu,” TS. Duy trình bày, “phần lớn họ đều bước vào cuộc chiến với tâm thế rằng đây là một tất yếu ở độ tuổi của họ - họ không quan tâm đến những gì đang đợi họ ở ngày mai, dù là cái chết.” Sự tự tin và tự hào được chiến đấu xen kẽ với những hồi ức về sự kinh hoàng và tình người trong chiến tranh – như cách những người lính tin rằng mình mô tả được “màu của cái chết”, ngửi được “mùi của cái chết”; hay câu chuyện về những người lính bộ đội cố gắng cứu một người lính “phe địch” bị thương trước cuộc ném bom rải thảm của máy bay Mỹ. “Họ kể lại: ‘Chúng tôi không có nghĩ tới sự căm thù, không có nghĩ tới bên này bên kia, mà chỉ là nếu không có cuộc rải thảm đó thì chúng tôi có thể sẽ là những người cứu họ.’”

Những góc nhìn đó là những thông tin đặc biệt quý giá để có một cái nhìn thấu đáo hơn về lịch sử và số phận con người trong chiến tranh. Đặc biệt là đối với phía các nhà nghiên cứu lịch sử chiến tranh thì các tư liệu mới này cho phép “bổ sung cho cách nhìn đa chiều, nhiều phía và dưới một góc độ nhân văn, về cuộc chiến và cả sau cuộc chiến” theo PGS.TS. Ngô Đăng Tri (Khoa Lịch sử, trường ĐH KHXH&NV). Mặt khác, đây cũng là việc giải quyết nhu cầu về tâm lý cho các cựu chiến binh, bởi vì “nhiều cựu chiến binh ở Mỹ tưởng như đã bỏ lại chiến tranh ở sau lưng mình, nhưng họ vẫn mang theo vết thương lòng to lớn, (…) lịch sử truyền khẩu có thể là cách tốt để giúp họ giảm nhẹ vết thương đó”, ông Ted Engelman (nhiếp ảnh gia và người đã góp phần đưa Nhật ký Đặng Thùy Trâm về lại với gia đình chị ở Việt Nam) nói.

Hiện nay, xu hướng chung là ngoài các nguồn tư liệu chính thống (từ các cơ quan, tổ chức) thì các nhà nghiên cứu cần phải sử dụng thêm từ các nguồn sử liệu khác, mà sử liệu khẩu vấn là một ví dụ. Nhưng khi sử dụng nguồn sử liệu khẩu vấn này thì đòi hỏi trình độ, kinh nghiệm và bản lĩnh của các nhà nghiên cứu trong việc kiểm chứng, phê phán và có cách sử dụng phù hợp, theo PGS.TS. Đào Đức Thuận

Tuy nhiên, việc nghiên cứu lịch sử truyền khẩu luôn đặt ra nhu cầu cấp thiết về mặt thời gian, theo TS. Duy: “Các nhân chứng này cũng đã nhiều tuổi, nên nếu chúng ta không có những nghiên cứu và những dự án sớm thì chúng ta có thể sẽ lãng phí một nguồn nhân chứng sống, một nguồn dữ liệu rất quan trọng đối với việc nghiên cứu lịch sử.” Do đó, các nhà khoa học từ Việt Nam và Mỹ đặt nhiều kỳ vọng vào các chương trình và dự án hợp tác sắp tới về lịch sử khẩu vấn. Theo PGS.TS Steve Maxner, Giám đốc Trung tâm Tư liệu Việt Nam (trường ĐH Công nghệ Texas), đơn vị đã có 20 năm kinh nghiệm trong thu thập và lưu trữ tài liệu khẩu vấn: “Chúng tôi sẵn lòng hợp tác với các bạn để phát triển kỹ thuật lịch sử khẩu vấn, điều có lẽ sẽ giúp ta có các cuộc phỏng vấn tốt nhất có thể mà các cựu chiến binh và những người tham gia có thể đóng góp.”


Phương pháp xác thực tư liệu khẩu vấn?

Một vấn đề lớn trong nghiên cứu và sử dụng tư liệu khẩu vấn là việc xác định tính chính xác của các thông tin cung cấp bởi các nhân chứng. Đó là một thực tế thường xuyên đối mặt các nhà nghiên cứu bởi ký ức các nhân chứng dễ bị sai lệch, do tác động của thời gian, tuổi tác, điểm nhìn chủ quan (quan điểm cá nhân) hay do chính sự tác động gián tiếp của những người xung quanh. “Có những nhân chứng khi phỏng vấn nhóm thì hầu như không thể đọc được thông tin gì mới, vì khi chia sẻ họ còn phải nhìn người này người kia, khiến họ không dám bày tỏ hết những suy nghĩ của họ,” theo TS. Nguyễn Hồng Duy.

Một hiện tượng khác cũng được nêu lên rằng nhiều nhân chứng đôi khi chủ động cung cấp thông tin sai sự thật để có lợi cho bản thân. Nhà báo Ngô Vương Anh chỉ ra rằng có một tâm lý ở một số cựu chiến binh là tâm lý kể chuyện “tranh công chạy tội” – khiến cho tài liệu khẩu vấn dù “có thể ghi lại những giá trị rất chân thực về mặt cảm xúc, nhưng về mặt tư liệu lịch sử, độ chính xác còn phải chú ý.”

Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu Hoa Kỳ, bản thân tính chủ quan của tư liệu khẩu vấn cũng đem lại các thông tin để hiểu về cách nhân chứng lịch sử cảm nhận và hiểu về sự kiện, do đó cũng không nên hoàn toàn bác bỏ tính xác thực của tài liệu. Mặt khác, ký ức và hồi ức của nhân chứng lịch sử cũng có thể được hỗ trợ bằng nhiều công cụ như hình ảnh, theo TS. Erik Villard (Trung tâm Lịch sử Quân sự Hoa Kỳ).

Những nhược điểm này, tuy vậy, vẫn đặt ra khó khăn cho các nhà lưu trữ tại Việt Nam khi muốn thuyết phục đồng nghiệp và các nhà nghiên cứu – đặc biệt là nhà sử học – chấp nhận tin tưởng hình thức tư liệu mới này, theo TS. Duy. Từ đó đặt ra yêu cầu phải có phương pháp kiểm tra chéo thông tin từ khẩu vấn, và đặc biệt đòi hỏi sự tham gia của các nhà nghiên cứu có chuyên môn với nhiều tài liệu khác.

“Vai trò của chúng ta trong việc thu thập tư liệu lịch sử khẩu vấn, nhưng trách nhiệm xác thực tư liệu đó thuộc về nhà nghiên cứu – nhà nghiên cứu phải tiếp cận tư liệu khẩu vấn với một mức độ nghi ngờ nhất định,” theo PGS.TS Steve Maxner: “Ký ức rất có giá trị và con người vẫn luôn mắc sai sót. Nhà sử học không nên sử dụng lịch sử khẩu vấn như là nguồn tư liệu duy nhất – họ nên xác thực chúng bằng các nguồn tư liệu lưu trữ khác.”

Chú thích:

(1) Lịch sử khẩu vấn tại các nước thuộc Liên Xô cũ tiêu biểu là các tác phẩm của nhà văn-nhà báo người Belarus - Svetlana Alexievich gần đây được tôn vinh với Giải Nobel Văn học 2015.