Telehealth đang giúp xóa nhòa khoảng cách địa lý giữa bệnh nhân và bác sĩ, giúp người cao tuổi có cơ hội được tiếp cận dịch vụ khám chữa bệnh mà không cần di chuyển. Những lợi ích của telehealth đã quá rõ ràng, có thể khẳng định đây là tương lai của nền y học. Tuy nhiên, trong quá trình thúc đẩy nó, có nhiều điều chúng ta phải lưu ý.

.
.
Ông Ben Forsyth không tin vào khám chữa bệnh từ xa (telehealth).

Khi đại dịch coronavirus tấn công New York, ông đi tàu điện ngầm từ Brooklyn để đến khám tại Bệnh viện Mount Sinai ở Manhattan. Khi bác sĩ Helen Fernandez gợi ý từ giờ họ sẽ thăm khám qua video để theo dõi diễn biến bệnh thận mãn tính và các tình trạng khác của ông, ông tỏ ra lo lắng.

“Tôi không biết cách những thứ này hoạt động,” TS. Forsyth, 87 tuổi, một bác sĩ nội khoa đã nghỉ hưu, bộc bạch. “Liệu bác sĩ có thực sự lắng nghe tôi? Qua một cuộc gọi cách xa như thế thì bác sĩ có đưa ra được lời khuyên nào phù hợp với tôi không?”

Dù vậy, ông vẫn đăng nhập qua cổng website dành cho bệnh nhân của Bệnh viện Mount Sinai bằng máy tính xách tay của mình — và ngay sau đó suy nghĩ của ông đã thay đổi hoàn toàn.

Không lâu sau, ông đã có bốn cuộc hẹn qua video với TS. Fernandez, cùng với hai lần gặp trực tiếp sau khi ông đã được tiêm phòng đầy đủ. Ông đã hỏi xin ý kiến của bác sĩ từ xa trong quãng thời gian ông nghỉ đông ở Florida; ông cũng đã gặp bác sĩ tim mạch và chuyên gia về giấc ngủ của mình theo cách tương tự.

Telehealth cung cấp dịch vụ chăm sóc từ xa bằng cách sử dụng công nghệ như cuộc gọi video và ứng dụng điện thoại, thiết bị giám sát và cổng thông tin bệnh nhân.

Với những lợi ích mà nó mang lại trong bối cảnh đại dịch, vào tháng 3/2020, chương trình bảo hiểm y tế quốc gia của Mỹ (Medicare) đã mở rộng phạm vi bảo hiểm cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa, giúp người dân - đặc biệt là người cao tuổi - có nhiều lựa chọn chăm sóc sức khỏe hơn trong thời kỳ đại dịch. Theo một báo cáo, số lượt sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa có áp dụng bảo hiểm Medicare đã nhanh chóng tăng vọt từ 840.000 lượt vào năm 2019 lên gần 52,7 triệu lượt truy cập vào năm 2020.

Năm 2021, Medicare đã thông báo rằng họ sẽ mở rộng bảo hiểm chăm sóc sức khỏe từ xa đến hết năm 2023, để có thời gian “đánh giá xem có nên bổ sung vĩnh viễn các dịch vụ chăm sóc từ xa hay không”.

Đây là bước ngoặt lớn. Tricia Neuman, giám đốc điều hành Chương trình về Chính sách Medicare tại Kaiser Family Foundation, cho biết trước COVID-19, bảo hiểm của Medicare “không dành nhiều điều khoản” cho chăm sóc sức khỏe từ xa. Medicare trước đó chỉ cho phép chăm sóc sức khỏe từ xa ở các vùng nông thôn, đối với một số dịch vụ hạn chế. Ngay cả vậy, bệnh nhân vẫn phải đến phòng khám hoặc bệnh viện gần nhà để thực hiện cuộc gọi video nếu như họ cần hỏi ý kiến ​​bác sĩ chuyên khoa ở xa. Họ không thể nhận dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa tại nhà, cũng như không thể nhận dịch vụ chăm sóc qua điện thoại.

Các bác sĩ hoặc trợ lý bác sĩ có thể cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa, nhưng trước đó họ phải gặp trực tiếp bệnh nhân.

Còn bây giờ, người dân đã quen với việc gọi điện thoại hoặc vào ứng dụng để liên hệ với bác sĩ của mình. Một nghiên cứu của Mount Sinai cho thấy gần 1/4 người Mỹ trên 65 tuổi đã có một cuộc thăm khám qua video trong thời kỳ đại dịch .

“Người cao tuổi cần được chăm sóc y tế thường xuyên. Họ phải đối mặt với các vấn đề về xương khớp khiến việc đến phòng khám trở nên khó khăn. Bên cạnh đó, vì hệ thống miễn dịch của họ kém đi, họ có nguy cơ mắc COVID-19 cao hơn”, TS. Julia Frydman, tác giả chính của nghiên cứu cho biết. Sử dụng telehealth, “họ sẽ không phải đi đi lại lại và có rủi ro tiếp xúc với một căn bệnh chết người,” cô nói.

TS. Frydman còn phát hiện ra một lợi ích khác của chăm sóc sức khỏe từ xa, đó là bác sĩ sẽ hiểu hơn về bối cảnh, đời sống thường nhật của bệnh nhân. Một bệnh nhân chăm sóc sức khỏe từ xa lớn tuổi tự hào khoe với cô ấy các chậu cây xanh tốt. Rồi mấy tháng sau, cô nhận thấy cây cảnh nhà ông ấy héo úa và lụi tàn dần. “Điều đó thôi thúc tôi hỏi về tâm trạng, năng lượng của ông ấy,” TS. Frydman kể, “và câu trả lời của ông đã tiết lộ một vấn đề mà trước đây tôi không ngờ tới”.

Sự kết hợp của y tế từ xa vào chăm sóc y tế thông thường hứa hẹn sẽ biến đổi nền y tế. Chỉ cần sử dụng công nghệ và các thiết bị mà hầu hết mọi người đều có sẵn trong nhà, các bác sĩ có thể gặp bệnh nhân mọi lúc mọi nơi, giúp chẩn đoán và điều trị nhanh hơn, tăng hiệu quả chăm sóc và giảm căng thẳng cho bệnh nhân.

Teleheath không phải là “thần y” chữa bách bệnh


Dù vậy, trong quá trình hành nghề tại Bệnh viện Mount Sinai, TS. Frydman dần dần nhận thức được những giới hạn của telehealth. “Đôi khi tôi muốn nhìn thấy cách bệnh nhân bước vào phòng. Dáng đi của họ có thay đổi không? Họ ngồi xuống ghế và đứng lên như thế nào?”

Một y tá đang giúp lắp đặt các ứng dụng, thiết bị cần thiết để William Merry, một bệnh nhân đang hồi phục sau bệnh viêm phổi, có thể tham gia các buổi khám sức khỏe từ xa tại nhà. Ảnh: Elise Amendola / Associated Press
Một y tá đang giúp lắp đặt các ứng dụng, thiết bị cần thiết để William Merry, một bệnh nhân đang hồi phục sau bệnh viêm phổi, có thể tham gia các buổi khám sức khỏe từ xa tại nhà. Ảnh: Elise Amendola / Associated Press

Đó cũng là điều khiến bà Marcia Weiser, 83 tuổi, cảm thấy khó chịu về telehealth. “Tất nhiên là có còn hơn không, nhưng tôi không nghĩ đây là phương án tối ưu,” bà Weiser, một giáo viên giải tích đã nghỉ hưu ở Lower East Side, Manhattan, chia sẻ. Bà kể rằng nhiều vấn đề sức khỏe của mình, chẳng hạn như đau khớp và lượng cholesterol tăng cao, đòi hỏi phải “xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu hoặc xét nghiệm mắt,” bà chia sẻ. “Làm sao mà tôi cung cấp những thứ đó qua màn hình máy tính được?”

Nhiều chuyên gia lưu ý rằng trong quá trình mở rộng cơ hội sử dụng telehealth, chúng ta không nên khiến các bệnh nhân tin rằng họ không cần phải đến phòng khám nữa, vì chỉ cần gọi trực tuyến là bác sĩ đã có thể nắm được hết tình hình. Bác sĩ nội khoa cần ấn lưỡi và tìm mủ trên amiđan để phát hiện viêm họng liên cầu khuẩn. Một bác sĩ phẫu thuật nghi ngờ viêm ruột thừa bằng cách ấn vào bụng để xem bệnh nhân có đau không. Các bác sĩ tâm thần cần bệnh nhân đến phòng khám để họ kiểm tra phản xạ và cảm nhận các khớp cử động.

TS. Peter Pronovost, một chuyên gia về đổi mới y tế tại Trung tâm Y tế, Bệnh viện Cleveland, nhấn mạnh rằng việc ở cùng phòng, tiếp xúc, đặt tay vẫn mang lại giá trị thực sự. “Các nghiên cứu cho thấy rằng những tương tác như vậy sẽ tạo dựng lòng tin, làm tăng khả năng bệnh nhân sẽ tuân thủ liệu trình điều trị”.

Đồng tình với quan điểm này, TS. Emil Baccash, một bác sĩ lão khoa ở Brooklyn, New York, cho biết ông thực sự nghi ngờ rằng “hậu đại dịch, một số bệnh nhân đã sử dụng dịch vụ y tế từ xa sẽ thích khám bệnh từ xa hơn là đến văn phòng bác sĩ.” Tuy nhiên, cho dù những lần thăm khám như vậy có kỹ lưỡng đến đâu, “không có gì thay thế được việc gặp gỡ trực tiếp bệnh nhân và khám sức khỏe cho họ. Nếu không, chúng ta có thể bỏ lỡ rất nhiều dấu hiệu.” Ông đưa ra một số ví dụ như một khối u ở vú, tiếng thổi ở tim hoặc một khối u ở bụng.

“Hầu hết chúng tôi muốn gặp bệnh nhân ít nhất mỗi năm một lần, hoặc thường xuyên hơn - khoảng bốn tháng một lần - nếu họ mắc bệnh mãn tính”, ông nhận định.

Mặc dù telehealth có thể không làm hài lòng tất cả mọi người, nhưng các nghiên cứu đã chỉ ra rằng cả bệnh nhân và bác sĩ nhìn chung đều ủng hộ nó. TS. Gretchen Jacobson, phó chủ tịch tại một tổ chức hỗ trợ nghiên cứu để cải thiện Medicare, cho biết đến hết năm 2023, khi chương trình hỗ trợ của Medicare kết thúc, “câu hỏi cốt lõi đối với các nhà hoạch định chính sách sẽ không còn là có nên cho phép khám bệnh từ xa hay không - câu trả lời đã quá hiển nhiên, mà là làm thế nào để dịch vụ này trở nên hiệu quả, công bằng, và phù hợp với tất cả mọi người”.

Nhiều người có thể bị bỏ lại phía sau


Về lý thuyết, telehealth đã loại bỏ các rào cản địa lý để bệnh nhân trên khắp đất nước có thể nhận được dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa tại nhà của họ.

Bà JB Lockhart, 69 tuổi, sống ở Lake Oswego, Ore., tự mô tả mình là một người ủng hộ nhiệt thành telehealth. Bà đã sử dụng dịch vụ thăm khám qua video với bác sĩ chăm sóc chính của mình ngay từ trước khi đại dịch bùng phát. “Máy tính là một phần quan trọng trong cuộc sống của tôi,” bà nói.

Nhưng không phải ai cũng có điều kiện truy cập mạng như bà Lockhart. Một cuộc khảo sát của Kaiser Family Foundation vào mùa thu năm 2020 cho thấy một phần tư số người thụ hưởng Medicare trên 75 tuổi không có quyền truy cập Internet. Hơn một nửa có máy tính hoặc điện thoại thông minh, tỷ lệ thấp hơn nhiều so với những người từ 65 đến 74 tuổi.

Năm 2021, trung tâm nghiên cứu Pew cũng báo cáo rằng hơn một phần ba số người trên 65 tuổi không bao giờ sử dụng video để nói chuyện với người khác trong thời kỳ đại dịch. Chỉ 45% sử dụng một mạng xã hội. Khoảng một phần ba thiếu băng thông rộng tại nhà .

Bên cạnh đó, những người da đen và người dân ở nông thôn ít sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa hơn so với những người da trắng và cư dân thành thị. Nghiên cứu của TS. Frydman cũng ghi nhận sự khác biệt về địa lý này và nhận thấy rằng những người có trình độ học vấn thấp hơn và những người sống một mình cũng ít sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa hơn.
“Chúng ta cần thực sự cẩn thận để y học từ xa không làm trầm trọng thêm sự chênh lệch về cơ hội tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe”, TS. Frydman lưu ý.

Chính phủ đang đề xuất các chính sách giúp gia tăng khả năng truy cập Internet. Tổng thống Biden đã ký một dự luật nhằm phân bổ 65 tỷ USD vào việc cải thiện khả năng truy cập Internet ở các vùng nông thôn và các bộ lạc, cũng như cho các gia đình có thu nhập thấp.

Cùng với việc truy cập Internet được cải thiện, những người lớn tuổi có thể cần được hướng dẫn cách sử dụng công nghệ. Các nhà thiết kế wesbite nên tạo ra những nền tảng chăm sóc sức khỏe từ xa dễ sử dụng, ít yêu cầu thao tác.

Bác sĩ Carla Harwell hiện đang làm việc tại một cơ sở chăm sóc y tế ở Cleverland, Ohio. Là người đã tham gia triển khai thăm khám từ xa khi đại dịch bùng phát, cô cho biết: “Khi chúng ta cần phổ biến y tế từ xa rộng rãi, chúng ta sẽ ngay lập tức nhận ra một nhóm dân số dễ bị tổn thương không có phương tiện để sử dụng nó. Những bất bình đẳng và chênh lệch mà chúng ta đã che giấu, phớt lờ bao lâu nay dần hiện ra trước mắt.”