Vắcxin phòng, chống Alzheimer có nhiều khả năng sẽ được sản xuất trong 5 năm tới. Nếu điều này thành hiện thực, bệnh nan y này sẽ chỉ bị coi như cảm cúm thông thường.

Tổ chức Y tế thế giới ước tính, năm 2030 sẽ có khoảng 47 triệu người mắc Alzheimer. Ảnh: Nafam
Tổ chức Y tế thế giới ước tính, năm 2030 sẽ có khoảng 47 triệu người mắc Alzheimer. Ảnh: Nafam

Loại vắcxin này đang được các nhà khoa học thuộc Đại học Flinders (Australia), Viện Y học phân tử và Đại học California (Mỹ) triển khai nghiên cứu. Họ đã làm nhiều khảo sát và thí nghiệm trên tử thi và phát hiện, sự tích tụ protein xảy ra khi hai loại protein amyloid-beta (a-beta) và TAU chết, tạo mảng khóa giữa các kết nối của những tế bào thần kinh ở não. Mảng khóa này luôn hiện diện trong não bệnh nhân Alzheimer đã chết. Các nhà khoa học đang nghiên cứu tạo ra loại vắcxin giải quyết sự tích tụ protein này.

“Chúng tôi thiết kế một loại vắcxin khiến hệ miễn dịch sản sinh kháng thể. Các kháng thể hoạt động giống như xe tải kéo xe của bạn trên đường. Chúng sẽ bám lấy các protein đã phân hủy và kéo nó ra khỏi cơ thể” - Nikolai Petrovsky - Đại học Flinders - cho biết.

Thử nghiệm ở động vật cho thấy, các kháng thể làm việc tốt nhất để ngăn chặn protein a-beta trước khi chúng phát triển thành bệnh. Điều thú vị là các kháng thể có tác dụng đảo ngược sự tích tụ của protein TAU ngay cả khi căn bệnh đã tiến triển.

Dù loại vắcxin này chưa sẵn sàng cho thử nghiệm trên người, nhưng theo Petrovsky: “Nếu chúng tôi thành công trong giai đoạn đầu, sản phẩm này sẽ nhanh chóng được phổ biến rộng rãi do nhu cầu rất lớn về phòng, chống căn bệnh Alzheimer trên toàn thế giới”.

Nhóm nghiên cứu tin rằng chỉ trong 5 năm nữa, họ sẽ cho ra đời một loại vắcxin đủ mạnh để phòng ngừa Alzheimer. Nghiên cứu này vừa được đăng tải trên tờ Medical Daily.