Một loài thực vật mới thuộc họ Kim Mai vừa được các nghiên cứu phát hiện tại Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Hòn Bà, tỉnh Khánh Hòa.

Các nhà khoa học của Viện Sinh học nhiệt đới thuộc viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Trung tâm Bảo tồn sinh thái châu Á thuộc Đại học Kyushu, Nhật Bản vừa phát hiện được một loài thực vật mới thuộc họ Kim mai (Hamamelidaceae) tại KBTTN Hòn Bà, Khánh Hòa.

Đặc điểm nhận dạng loài Chân thư hòn bà (Eustigma honbaense H.Toyama, Tagane & V.S.Dang). Ảnh: Viện Sinh học nhiệt đới
Đặc điểm nhận dạng loàiChân thư Hòn Bà(Eustigma honbaense H.Toyama, Tagane & V.S.Dang). Ảnh: Viện Sinh học nhiệt đới

Loài Kim mai mới này được đặt tên làChân thư Hòn Bà(Eustigma honbaense H.Toyama, Tagane & V.S.Dang), nơi thu được mẫu vật để mô tả loài này.

Chi Chân thư (Eustigma Gardner & Champ.) là một chi nhỏ thuộc họ Kim mai với khoảng 3 loài phân bố chủ yếu ở khu vực Đông Dương và Trung Quốc. Riêng ở Việt Nam chi này chỉ có 1 loài là Eustigma balansae Oliv.

LoàiChân thư Hòn Bàcó đặc điểm là: Cây gỗ lớn, cao 8-10m. Lá hình e-líp đến thuôn, kích thước 6,5-21,5 x 2,2-8,5 cm; gốc tù đến hình nêm, đầu có mũi nhọn đến tròn; bìa nguyên. Hoa Chân thư Hòn Bà có dạng chùm, mọc ở ngọn hay nách lá, dài 5–10,3 cm. Quả nang, dạng hình trứng hay hình cầu, dài 12-16 mm, đường kính 9-10 mm; hạt 2, dạng trứng hẹp, kích thước 10 x 4,5mm.

Hiện tại,Chân thư Hòn Bàmới chỉ tìm thấy ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà, tỉnh Khánh Hòa, với 3 cá thể mọc dọc theo suối của rừng cây lá rộng thường xanh, ở độ cao khoảng 400m so với mặt nước biển.

Chân thư Hòn Bà là loài thực vật thứ 4 được phát hiện tại KBTTN Hòn Bà trong chương trình hợp tác của Viện Sinh học nhiệt đới và Trung tâm Bảo tồn sinh thái châu Á thuộc Đại học Kyushu, Nhật Bản.

Ba loài thực vật được phát hiện trước đây gồm có: Giác đế Hòn Bà (Goniothalamus flagellistylus Tagane & V.S.Dang), Tai nghéHòn Bà(Aporosa tetragona Tagane & V.S.Dang) và Xú hương Yahara (Lasianthus yaharae V.S.Dang, Tagane & H.Tran).