Các nhà nghiên cứu Mỹ đã phát hiện được “bữa ăn” sao dài cả thập kỷ của một hố đen khổng lồ.

Hầu hết các hố đen chỉ mất 1 năm để nuốt một ngôi sao. Nhưng hố đen số hiệu XJ1500+0154 mà Dacheng Lin và cộng sự tại Đại học New Hampshire, Mỹ mới phát hiện vẫn chưa “ăn" xong nạn nhân của nó từ năm 2005 đến nay.
Hiện tượng này xảy ra ở trung tâm thiên hà cách chúng ta 1,8 tỷ năm ánh sáng. Hố đen XJ1500+0154 được 3 kính thiên văn, trong đó có kính quang học Chandral của NASA phát hiện ra.

Khi hố đen "ăn" sao, một số mảnh vỡ của sao sẽ văng ra ngoài trong khi phần còn lại bị hút vào lỗ đen. Khi ngôi sao đi sâu vào trong lỗ đen, vật chất của nó bị đốt nóng lên tới hàng nghìn độ C và tạo ra tia X-quang. Hố đen XJ1500+0154 được cho là siêu lớn, giống như phần lớn các hố đen ở trung tâm các dải thiên hà khổng lồ.

Hố đen XJ1500+0154.
Hố đen XJ1500+0154.

“Chúng tôi đã chứng kiến sự biến mất ấn tượng và kéo dài của ngôi sao này. Tuy có rất nhiều lần hiện tượng hố đen nuốt sao được ghi nhận từ năm 1990, nhưng đây là lần đầu tiên chúng tôi chứng kiến ánh sáng tia X-quang kéo dài tới như vậy” – Lin nói.

Các nhà nghiên cứu chưa hiểu được vì sao hiện tượng này lại xảy ra. “Trong thời gian chúng tôi quan sát vật thể này, nó phát triển không ngừng và nhanh chóng. Điều này cho thấy có gì đó không bình thường – có thể là một ngôi sao có trọng lượng gấp đôi Mặt trời của chúng ta chẳng hạn – đang bị hố đen nuốt chửng”, nhà nghiên cứu James Guillochon thuộc Trung tâm Vật lý thiên văn Harvard-Smithsonian, Mỹ cho hay.

Các nhà khoa học dự đoán hố đen này còn tiếp tục "ăn" ngôi sao nạn nhân của mình trong vài năm tới.