CIA vừa giải mật không ít tài liệu về đĩa bay và người ngoài hành tinh, nhưng theo giới tâm lý học, nhiều khả năng những trải nghiệm này chỉ là sự huyễn hoặc của tâm trí “nhân chứng”.

Kể từ thập niên 1940 - 1950, những câu chuyện đồn thổi về sự xuất hiện của luồng ánh sáng bí ẩn từ trời cao, bóng dáng mờ nhạt của các phi thuyền và chạm trán “người ngoài hành tinh” (viết tắt ET) đã phản ánh sự quan tâm cao độ của dư luận đối với UFO, tức vật thể không xác định. Không ít người luôn bảo vệ niềm tin rằng “phải có cái gì ngoài kia” chứ vũ trụ rộng lớn như thế không thể nào chỉ có con người tồn tại.

Các cuộc khảo sát ở thế giới phương Tây ước tính những người tin vào ET và UFO phải lên đến 50% số người được hỏi vào năm 2015. Tuy nhiên, những luận điểm này ít thuyết phục được phần đông nhà tâm lý học, vốn cho rằng có thể cung cấp một sự giải thích hết sức thực tế và rất khoa học về những vấn đề đó, theo tờ The Conversation dẫn lời hai chuyên gia Ken Drinkwater thuộc Đại học đô thị Manchester (Anh) và đồng sự Neil Dagnall.

Tâm lý có vấn đề

Một cách giải thích là khi con người tin rằng họ từng bị ET bắt cóc, những người này đã diễn dịch sai, bóp méo và đúc kết sai lệch những sự kiện thực tế hoặc tưởng tượng. Theo một số cuộc nghiên cứu, một tính cách liên quan đến các trải nghiệm rơi vào tay người ngoài hành tinh chính là khuynh hướng thiên về những điều kỳ ảo. Các chứng cứ ủng hộ giả thuyết này cho thấy người đam mê chuyện giả tưởng có thói quen tưởng tượng viển vông, từ đó thường nhầm lẫn giữa cái không thực và thực tế.

Nhiều người khăng khăng cho rằng họ đã bị người ngoài hành tinh bắt cóc (ảnh minh họa).

Cũng có cách giải thích khác liên quan đến tâm sinh lý, chẳng hạn như đa nhân cách, chỉ tình trạng các quá trình tâm lý của một cá nhân tách rời nhau và khỏi hiện thực, theo sau những sự kiện thương tâm hoặc quá khích từng diễn ra trong đời sống. Giới chuyên gia tranh luận rằng phương pháp thôi miên để điều trị các chấn thương tâm lý thời thơ ấu cũng góp phần khuyến khích sự sinh sôi của các chi tiết viễn tưởng trong đầu óc “nhân chứng”.

Não có tính nhạy cảm cao

Một số cuộc nghiên cứu cho rằng các giả thuyết về tâm lý học thần kinh, cụ thể là chứng bóng đè và nhạy cảm thùy thái dương, cũng có thể giải thích những trường hợp cam đoan rằng họ đã rơi vào tay ET. Bóng đè là cảm giác thức tỉnh nhưng không thể nào cử động cơ thể, xảy ra trong khi một người trải qua các giai đoạn của sự thức và ngủ.

Lời kể của những người cho rằng họ bị người ngoài hành tinh bắt cóc có các tình tiết chẳng khác nào trường hợp bị bóng đè: cảm giác còn thức, không phải là mơ, và cảm nhận thực tế về môi trường xung quanh. Sự bất lực trong việc di chuyển cơ thể, cảm giác sợ hãi, khiếp đảm và cảm nhận về sự hiện diện của một thứ gì đó bên cạnh, đều là các triệu chứng tương tự bóng đè. Các đặc điểm chung khác bao gồm cảm giác bị đè ở ngực gây khó thở, bị khống chế ở tư thế nằm ngửa.

Trong khi đó, nhạy cảm thùy thái dương là giả thuyết cho rằng thùy thái dương ở một số người dễ bị tác động bởi những từ trường tần số thấp so với đa số còn lại. Theo Giáo sư Michael Persinger của Đại học Laurentian (Canada), từ trường đã kích thích thùy thái dương và gây ra những ảo giác ở những người từng trải nghiệm ET.