Nhiều người cho rằng khoa học và tôn giáo luôn ở hai phía đối lập. Song, nhà thiên văn học và sử gia khoa học nổi tiếng Owen Gingerich lại có cái nhìn khác: “Với tôi, các quan điểm khoa học và tôn giáo đã trợ giúp rất nhiều cho sự ra đời khoa học hiện đại”.

Owen Gingerich 1972-2030. Nguồn: Joyce Dopkeen
Owen Gingerich 1972-2030. Nguồn: Joyce Dopkeen

Kỷ niệm thời thơ ấu


Owen Jay Gingerich sinh vào ngày 24/3/1930, ở ngoại ô Iowa, phía Đông Nam Washington. Cha ông, Melvin là một giáo viên lịch sử, còn mẹ Verna (Roth) Gingerich là nội trợ. Cả hai đều hoạt động trong Giáo hội Mennonite.

Cha mẹ là những người đã gieo vào lòng ông niềm hứng thú với khoa học nói chung và thiên văn nói riêng. Gingerich từng kể rằng, vào những đêm nóng nực, cả gia đình sẽ ra ngoài trời ngủ và mẹ sẽ chỉ cho ông đâu là những chòm sao, chúng có hình thù thế nào. Cha ông củng cố thêm niềm hứng thú này khi mang về nhà rất nhiều sách thiên văn từ trường. Trong đó có một cuốn ấn tượng nhất mà Gingerich đã nhắc lại sau này: cha đã mang về nhà một cuốn sách hướng dẫn chế tạo kính thiên văn vào năm ông 9 tuổi. Hai cha con đã cùng nhau lắp nó, sử dụng ống giấy carton và thấu kính mà cha mua ở cửa hàng kính mắt địa phương, còn thị kính thì tháo từ chiếc kính lúp mua ở cửa hàng bán đồ giá rẻ. Nhờ nó, ông đã nhìn thấy các vành đai của sao Diêm vương.

Năm lên 11 tuổi, gia đình ông chuyển tới Los Angeles để cha tham dự một học kỳ tại Đại học Nam California. Gingerichđã thăm thú rất nhiều bảo tàng nơi đây, và có một kỷ niệm mà ông trân trọng suốt đời: được nhìn qua kính thiên văn phản xạ tại Đài thiên văn Mount Wilson.

Khi lên đại học, ông vào trường Bethel, Kansaslà nơi cha ông công tác. Chuyên ngành của ông là hóa học nhưng sau đó lại hứng thú với báo chí. Ông lại chuyển nhà khi người cha tới giảng dạy tại Trường Goshenở Indiana. Vào thời điểm ấy, khi tiếp xúc với các nhà thiên văn nghiệp dư ở địa phương và đọc “Các cuốn sách Harvard về Thiên văn học”, ông đã quyết định chọn Đài thiên văn Harvard là nơi mình hướng tới.

Con đường học thuật

Gingerichnộp hồ sơ vào Harvardvới hy vọng bắt đầu sự nghiệp trong lĩnh vực báo chí khoa học. Ông làm thêm tại tạp chí Sky & Telescope, rồi trợ lý thời vụ cho giám đốc của Đài thiên văn trường là Harlow Shapley, hỗ trợ quản lý bộ sưu tập khổng lồ các tấm kính ảnh chụp các trường sao và quang phổ.

Sau khi lấy bằng thạc sĩ tại đây vào năm 1953, Gingerichbị gọi đi lính. Tuy nhiên, Shapley biết rằng Đại học Mỹ Beirut (Lebanon) đang tìm kiếm một nhà thiên văn để quản lý Đài thiên văn của trường, ông liền đề cử Gingerich nhận công việc này thay vì đi nghĩa vụ quân sự. Trong thời gian công tác, ông tiếp tục làm luận văn tiến sĩ, đồng thời phục hồi lại các khóa học về thiên văn vốn đã bị dừng vào năm 1947. Ông tổ chức “Đêm mở” cho các nhàthiên văn và thành lập một thư viện tài liệu về ngành học này. Ông cũng tiếp tục loạt bài báo trên tờ Sky & Telescope và thu hút được sự chú ý của công chúng lẫn các nhà chuyên môn.

Hai năm sau, Gingerich về Mỹ và giảng dạy tại Trường Wellesley, nhưng rồi tiếp tục nghiên cứu ở Harvard để hoàn thành bằng tiến sĩ. Khi Đài thiên văn Harvard được tiếp cận máy tính IBM 704, Gingerichcùng đồng nghiệp đã dùng nó để xử lý dữ liệu từ các vì sao. Được trợ cấp một phần từ Quỹ khoa học quốc gia, ông đã viết một chương trình máy tính để lập mô hình cấu trúc của bầu khí quyển sao dựa trên các biến số vật lý có thể điều chỉnh để phù hợp với các đặc điểm quan sát được, và lấy bằng tiến sĩ vào năm 1962.

Gingerichtrở thành “nhà lập trình hệ thống hàng đầu” trên máy tính IBM7094mới cải tiến và áp dụng nó vào nhiều lĩnh vực khác nhau. Ông dùng nó xây dựng lịch thiên văn cho kinh độ Mặt trời và hành tinh trong 4500 năm. Gingerich ngày càng say mê các bảng hành tinh, Mặt trăng, Mặt trời của người Babylon cổ và điều này khiến ông kiêm thêm chức vụ tại Khoa Lịch sử khoa học của trường vào năm 1967. Vào những năm 70, các nghiên cứu và công bố của Gingerichgần như chuyển hẳn sang chủ đề lịch sử, xoay quanh những công trình của Copernicus, Kepler, và Hevelius,cũng như khám phá các ảnh hưởng xã hội, văn hóa và chuyên môn tới các nhà thiên văn cổ đại - một điều khác thường với các sử gia cùng thế hệ.

Vào năm 1970, ông phát hiện một ấn bản của cuốn“De Revolutionibus Orbium Coelestium Libri Sex” (Sáu cuốn sách về vòng quay của các thiên cầu) được chú thích rất nhiều trong thư viện của Đài thiên văn Hoàng gia tại Edinburgh, cho thấy ít nhất một người đã đọc cuốn sách này rất kỹ. Trong ba mươi năm kế tiếp kể từ đây, ông đã đi khắp thế giới để xem xét hơn 600 ấn bản thời Phục hưng của chuyên luận mang tính cách mạng của Nicolaus Copernicus. Tác phẩm được xuất bản lần đầu vào năm 1543, năm tác giả qua đời. Luận điểm mà De Revolutionibus đưa ra là Trái đất quay quanh Mặt trời, chứ không phải ngược lại - đây là một thách thức lớn đối với kiến thức khoa học cũng như niềm tin tôn giáo thời ấy.

Trong quá trình tìm hiểu, ông đã lắp ghép được một bức tranh chi tiết, không chỉ về mức độ kỹ lưỡng mà tác phẩm này được mổ xẻ vào thời đại của nó, mà còn lý thuyết trong đây đã lan tỏa và phát triển như thế nào. Thành quả được ông ghi lại trong tác phẩm “The Book Nobody Read: Chasing the Revolutions of Nicolaus Copernicus” (Cuốn sách chẳng có ai đọc: Cuộc truy tìm các vòng quay của Nicolaus Copernicus), ra mắt vào năm 2004. Cuốn sách này được đánh giá không chỉ đáng đọc với các sử gia và những người ham mê sách vở, mà còn với cả những ai thích những cuộc phiêu lưu trinh thám phức tạp và hiếu kỳ về động lực nào khiến vị học giả đáng kính kiên trì tới vậy.

Một người thầy tận tụy

Gingerich là một giảng viên vô cùng sôi nổi. Trong hàng thập niên đứng trên bục giảng, ông luôn cố gắng tìm ra những cách khiến buổi học thú vị hơn để thu hút sự chú ý của sinh viên. Khóa học nổi tiếng của ông là “Góc nhìn thiên văn”, giảng dạy tổng quan về khoa học cho các sinh viên không thuộc ngành này. Đây là khóa học dài hơi nhất do cùng một người giáo viên đứng lớp tại Đại học Harvard, nó được mở từ lúc Gingerich bắt đầu công tác cho tới khi nghỉ hưu vào năm 2000. Cho tới nay nó vẫn tiếp tục được tổ chức. Ông được trao Giải thưởng Harvard-Radcliffe Phi Beta Kappa cho quá trình giảng dạy xuất sắc vào năm 1984, và Giải thưởng giáo dục của Hiệp hội thiên văn Hoa Kỳ vào năm 2004.

Gingerich được bầu làm Phó chủ tịch của Hiệp hội triết học Hoa Kỳ, chủ tịch Ủy ban Quốc gia Hoa Kỳ thuộc Liên minh Thiên văn Quốc tế, người đứng đầu Ủy ban định nghĩa hành tinh của Liên minh, và làm cố vấn cho Hiệp hội thiên văn Hoa Kỳ. Ông còn nằm trong ban biên tập của Tạp chí lịch sử thiên văn, Lịch sử thiên văn tổng quan, Học giả Mỹ và Tạp chí Harvard. Trong suốt sự nghiệp, ông đã nhận được vô số giải thưởng và vinh dự, trong đó có Huân chươngCông trạng do Chính phủ Ba Lan trao tặng vào năm 1981. Cũng trong năm này, tên của ông được đặt cho một tiểu hành tinh là 2658 Gingerich, thiên thể rộng 12km nằm trong vành đai tiểu hành tinh bên ngoài.

Owen Gingerich qua đời vào ngày 28/5/2023 tại Belmont, Mass, thọ 93 tuổi.