Người ta vẫn nghĩ rằng, một số người Mỹ Latinh có nước da sáng là do có sự pha trộn dòng máu với người châu Âu. Nhưng mới đây, các nhà khoa học đã phát hiện một biến thể di truyền liên quan đến nước da sáng chỉ có ở người châu Mỹ bản địa và người Đông Á.


Người Brazil, giống như các nhóm dân cư Mỹ Latinh khác, mang nhiều sắc da đa dạng. Nguồn: Eturbonews.

Đi bộ xuống một con phố sầm uất ở hầu hết các thành phố Mỹ Latinh ngày nay và bạn sẽ thấy một bảng các màu da: từ nâu sẫm, nâu đỏ đến kem. Suốt 500 năm qua, người ta cho rằng sự đa dạng này đến từ sự pha trộn giữa người châu Mỹ bản địa, người châu Âu và châu Phi trong thời kỳ thuộc địa và sau này. Người có nước da sáng hơn được cho là gần với dòng dõi người châu Âu, trong khi những người có nước da sẫm hơn được coi là có tổ tiên thổ dân châu Mỹ hay từ châu Phi, do đó thường chịu sự phân biệt đối xử.

Giờ đây, một nghiên cứu mới về gene có sự tham gia của hơn 6.000 người từ năm quốc gia Mỹ Latinh đã thách thức các định kiến chủng tộc đơn giản về màu da.

Nhóm nghiên cứu quốc tế, đứng đầu bởi Nhóm phân tích về sự đa dạng và tiến hóa tại Mỹ Latinh (CANDELA), đã phát hiện ra một biến thể di truyền mới liên quan đến nước da sáng hơn chỉ có ở người châu Mỹ bản địa và người Đông Á. Điều đó có nghĩa là người Mỹ Latinh da sáng có thể là biểu hiện của nguồn gốc thổ dân châu Mỹ, cũng như những người gốc Âu.

Theo nhà nghiên cứu di truyền Sarah Tishkoff, Trường Y khoa Perelman thuộc Đại học Pennsylvania, đây là một nghiên cứu thực sự quan trọng, bởi lẽ nghiên cứu di truyền ít được thực hiện với các cộng đồng người Mỹ Latinh. Hầu hết các nghiên cứu về gene sắc tố da “được thực hiện trên người châu Âu, trớ trêu là chúng ta chưa thấy nhiều biến dị ở nhóm này”. Theo bà, “Một trong những hạn chế của hiểu biết hiện nay là: ‘Người Đông Á và người châu Mỹ bản địa thì sao?’”

Mỹ Latinh là mảnh đất màu mỡ cho các nghiên cứu như vậy. Người dân ở đây thường có tổ tiên là thổ dân châu Mỹ, châu Âu và châu Phi, và vì thổ dân châu Mỹ có liên hệ chặt chẽ với người Đông Á, các nhà nghiên cứu cũng có thể phát hiện ra các biến thể Đông Á trong bộ gene của người Mỹ Latinh. Theo nhà thống kê di truyền Kaustubh Adhikari từ Đại học London: “Ở cùng một địa điểm, ta tìm được biến thể di truyền của bốn châu lục”,

Chính Adhikari và Javier Mendoza-Revilla, nhà di truyền học ở Viện Pasteur Paris, đã phân tích bộ gene của 6.357 người từ Brazil, Colombia, Chile, Mexico và Peru, do CANDELA thu thập. CANDELA cũng đã đo độ sáng của da những người tham gia, qua đó tính toán mật độ của hắc tố melanin trong da họ. Các thông số đó cho phép Adhikari và Mendoza-Revilla tìm kiếm các biến thể di truyền có liên hệ đến sắc độ màu da.

Một biến thể được phát hiện là MFSD12. Tishkoff liên hệ sự giảm biểu hiện của gene này với làn da sẫm màu hơn ở người châu Phi. Tuy vậy, theo nghiên cứu của Adhikari và Mendoza-Revilla mới đăng trên Nature, biến thể MFSD12 mới lại liên quan tới làn da sáng màu hơn và thay vào đó tăng cường sự biểu hiện của gene này. Khi tìm kiếm biến thể MFSD12 ở các nhóm dân cư khác, họ chỉ tìm thấy nó ở người châu Mỹ bản địa và người Đông Á.

Ảnh 1.2: Nghiên cứu của nhóm Adhikari và Mendoza-Revilla thách thức thiên kiến cũ cho rằng da sáng màu chỉ có ở người Mỹ Latinh gốc Âu. Điển hình như bức tranh vẽ năm 1763 của Miguel Cabrera mô tả một gia đình gồm chồng người Âu và vợ là một mestiza (“lai”: nửa Mỹ bản địa nửa Âu) và con là một castiza (“thuần”: có ¾ gốc Âu). Nguồn: Wikipedia.
Nghiên cứu của nhóm Adhikari và Mendoza-Revilla thách thức thiên kiến từ lâu cho rằng da sáng màu chỉ có ở người Mỹ Latinh gốc Âu. Điển hình như bức tranh vẽ năm 1763 của Miguel Cabrera mô tả một gia đình gồm chồng người Âu và vợ là một mestiza (“lai”: nửa người châu Mỹ bản địa nửa châu Âu) và con là một castiza (“thuần”: có ¾ gốc Âu). Nguồn: Wikipedia.

Biến thể mới, do đó, làm sáng tỏ phần nào các gene đằng sau làn da màu lợt ở người Đông Á. Người sống ở vĩ độ cao ở châu Âu và Đông Á dường như đã phát triển một cách độc lập sắc da sáng hơn để tổng hợp vitamin D hiệu quả hơn với ít ánh sáng mặt trời hơn, theo Nina Jablonski, nhà nhân chủng học sinh học từ Đại học Pennsylvania.

Người ta "từng vò đầu bứt tai" với câu hỏi những biến thể nào tạo ra nước da sáng màu ở người Đông Á. Giờ đây, các nhà nghiên cứu biết rằng, một trong số chúng là MFSD12. Và tổ tiên của thổ dân châu Mỹ có lẽ đã mang theo biến thể đó trong hành trình di cư qua eo Bering đến châu Mỹ. “Có sự biến dị [trong tông màu da] hiện diện ở châu Mỹ Latinh từ rất lâu trước khi người châu Âu đến đó," theo Jablonski.

Bài học lớn hơn, theo nhà di truyền học Andrés Ruiz-Linares của Đại học Phúc Đán, Thượng Hải, chủ tịch CANDELA, là cạm bẫy của quan điểm lấy châu Âu làm trung tâm.

“Nghiên cứu chúng tôi cho thấy rằng, vượt ra ngoài khuôn khổ châu Âu, ta có thể tìm thấy các gene bổ sung với ngay cả với các đặc điểm đã được nghiên cứu kỹ. Rõ ràng sự thiên vị đối với người Âu đã dẫn đến hạn chế trong nhìn nhận về tính đa dạng của nhân loại.”

Nguồn: