Khi được trồng san sát trên một số tuyến phố ở Hà Nội, cây hoa sữa tỏa ra thứ mùi “tra tấn”, thay vì hương thơm nồng nàn, lãng mạn như mô tả trong thơ ca. Tuy nhiên, các nhà khoa học khẳng định, nếu muốn, có thể làm cho loài cây này tỏa hương dịu dàng, kín đáo hơn.

Mùi hương "tội đồ"

Sau khi đi vào những tình khúc lãng mạn của Trịnh Công Sơn, Phú Quang, Hồng Đăng, Hoàng Hiệp, Trương Quý Hải, hoa sữa nghiễm nhiên trở thành một biểu tượng không chính thức của Hà Nội.

Không rõ việc trồng dày đặc hoa sữa ở một số tuyến phố và khu đô thị mới có xuất phát từ tình cảm thái quá của các nhà quy hoạch cây xanh, chủ đầu tư với loài cây này hay không nhưng rõ ràng là vào thời điểm hoa sữa nở rộ thì mạng xã hội cũng tràn ngập lời than của người dân về những cơn “đau đầu”, “chóng mặt” “buồn nôn” hay “mất ngủ” do thứ mùi hương “nồng nặc”, “tra tấn” của hoa sữa gây ra.

Trên một số tuyến phố nội đô Hà Nội, như Nguyễn Du, Nguyễn Chí Thanh, Duy Tân, Trần Duy Hưng, Đào Tấn, Trần Đăng Ninh, Kim Mã, Trung Yên, Trung Hòa…, hoa sữa được trồng san sát, khiến người dân than phiền bị ngộp thở khi hàng cây đồng loạt trổ hoa.

Ngoài Hà Nội, người dân một số thành phố khác cũng từng "chịu khổ" vì hoa sữa như Đồng Hới, Đà Nẵng, Quy Nhơn; trong đó Quy Nhơn đã quyết định chặt và di dời hơn 3.000 cây trong tổng số khoảng 4.000 cây hoa sữa chủ yếu do người dân trồng tự phát ra khỏi nội thành.



Hoa sữa rợp bóng và tỏa mùi hương đậm đặc trên đường Trần Đăng Ninh - Cầu Giấy - Hà Nội. Ảnh: Lê Long

Trao đổi với Khoa học và Phát triển qua điện thoại, chuyên gia sinh học, GS.TS Nguyễn Lân Hùng - Tổng thư ký Hội các ngành sinh học Việt Nam - xác nhận, cây hoa sữa có mùi hương nồng, không nên trồng trên đường phố hay khu dân cư bởi vì bất kỳ mùi hương đậm đặc nào cũng có thể gây ra những vấn đề về sức khỏe như đau đầu, choáng váng, chóng mặt, khó thở, hay mất ngủ.

GS Hùng đưa ra lời khuyên, nếu cứ nhất định muốn trồng hoa sữa ở các tuyến phố hoặc khu đô thị như một cách tạo bản sắc thì phải trồng với khoảng cách hợp lý, các cây cách nhau ít nhất 50-70m.

Với những tuyến phố, những khu đô thị đã “trót” trồng hoa sữa với mật độ dày đặc, cần đánh chuyển bớt đi nơi khác và thay thế bằng những cây phù hợp hơn như sấu, cơm nguội…


Nhà khoa học sẵn sàng nếu có đặt hàng

Hoa sữa thân thẳng, cao hàng chục mét, xanh quanh năm, hoa mọc dày, phủ khắp tán cây trông rất đẹp mắt. Điều đó có nghĩa là, nếu hoa sữa tỏa hương dịu dàng hơn, kín đáo hơn thì nó khá hoàn hảo để trồng ở đô thị.

GS.TSKH Trần Duy Quý, Viện trưởng Viện Nghiên cứu hợp tác khoa học kỹ thuật châu Á - Thái Bình Dương, khẳng định, về mặt nguyên lý khoa học, hoàn toàn có thể làm được điều này bằng cách tạo đột biến gene thông qua phương pháp chiếu xạ.

“Nếu có đặt hàng từ các đơn vị, tôi sẵn sàng bắt tay vào thực hiện nghiên cứu với thời gian khoảng 7 năm” - ông nói và còn áng chừng được kinh phí là 10 tỷ đồng. Đầu tiên, sẽ chiếu xạ hạt giống để tạo ra các biến dị di truyền mới, sau đó đem trồng những hạt giống này rồi tiến hành sàng lọc những cây đột biến có mùi hương nhẹ hơn, GS Quý giải thích.

Giống như GS Trần Duy Quý, PGS.TS Đặng Văn Đông - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau, quả (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) - khẳng định, ông có thể tạo ra giống hoa sữa ít mùi hương nếu được đặt hàng. Theo ông, có thể tuyển chọn giống phù hợp để trồng hoặc lai tạo giống mới từ những loài hoa sữa có mức độ tỏa hương khác nhau. Ông cho biết, theo cách đầu sẽ mất khoảng 3 năm, trong khi theo cách thứ hai sẽ mất từ 8 – đến 10 năm.

Một nhà nghiên cứu uy tín thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cũng đồng ý rằng, xét về nguyên lý khoa học, hoàn toàn có khả năng tạo ra những cây hoa sữa có mùi hương dịu hơn, nhưng theo ông, trên thực tế sẽ không ai chọn cách làm đó. “Đơn giản là không trồng loại cây này nữa hoặc trồng với mật độ phù hợp là giải quyết được vấn đề, đâu cần tốn tiền, tốn thời gian nghiên cứu làm gì” – ông nói.

Tuy nhiên, ông vẫn chia sẻ về những phương pháp mà theo ông là khả thi, chẳng hạn như biến đổi gene: để ngăn cản sự hình thành enzyme xúc tác cho các phản ứng tạo mùi ở hoa sữa, nhà khoa học có thể chuyển vào cây một anti-gene hay gene ngược chiều sản sinh ra loại protein chống lại enzyme đó. Khi chất xúc tác vắng mặt, phản ứng tạo mùi sẽ không xảy ra nữa.

Hoặc một phương pháp khác là chỉnh sửa gene. Sau khi xác định được gene tổng hợp nên enzyme xúc tác cho các phản ứng tạo mùi, nhà khoa học sẽ chuyển một cấu trúc đến đúng khu vực của gene cần chỉnh sửa để vô hiệu hóa gene này.

Theo ông, cả hai cách nêu trên đều tốn cả chục năm và bởi vậy “sẽ không có ai chọn những cách làm này”. Tuy nhiên, thực tế một số tuyến phố và khu đô thị mới ở Hà Nội đang trồng toàn hoa sữa lại chứng tỏ, nhu cầu “làm đẹp” bằng loài cây biểu tượng cho sự lãng mạn này không hề nhỏ, nghĩa là, khả năng “đặt hàng” chưa chắc đã thấp như nhà khoa học không muốn nêu tên ở trên đánh giá.