Cơ sở vật chất thiếu thốn, nguồn nhân lực mỏng, đã thế chính sách chỉ có… phạt, nhưng số công bố quốc tế của Đại học Khoa học Thái Nguyên (TNUS) trong 5 năm trở lại đây vẫn tăng vượt bậc, chiếm quá nửa tổng số công bố quốc tế ISI/ Scopus của toàn Đại học Thái Nguyên.

Những giá trị quan trọng hơn thưởng, phạt

Vài năm gần đây, Đại học Khoa học Thái Nguyên (TNUS) trở thành một hiện tượng hiếm có khi chỉ là một đại học của vùng trung du và miền núi phía Bắc nhưng đã vượt lên không ít cơ sở giáo dục đại học có bề dày truyền thống về số công bố quốc tế. Hiện nay, TNUS chiếm hơn 50% tổng số công bố quốc tế ISI/ Scopus của toàn Đại học Thái Nguyên (trường xếp thứ 7 trong tổng số những trường có nhiều công bố nhất Việt Nam, theo Xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam).

Điều đáng ngạc nhiên là, năng lực nghiên cứu của TNUS không được thúc đẩy bằng chính sách thưởng “khủng” như một số trường đại học khác. GS.TS Lê Thị Thanh Nhàn - Hiệu trưởng TNUS - cười lớn khi chúng tôi hỏi về các khoản thưởng của nhà trường dành cho công bố quốc tế và nói “ở trường mình, nói về chính sách thì… phạt là chính. Ví dụ, những cán bộ có học hàm học vị TS, PGS nhưng không đảm bảo định mức công bố quốc tế (với khối ngành tự nhiên), công bố trong nước (với khối ngành xã hội) hằng năm thì sẽ bị cắt mức hỗ trợ chức danh”.

Nói cách khác, ở TNUS, về cơ bản không bị phạt cũng tương đương được… thưởng, trừ việc công bố quốc tế được lấy làm tiêu chí xét tăng lương sớm và xét thi đua. Chỉ những đề tài nghiên cứu của các cá nhân có công bố ISI mà không nhận được hỗ trợ kinh phí của bất kỳ cơ quan nghiên cứu trong nước hoặc quốc tế nào thì sẽ được thưởng 20 triệu, nhưng suốt nhiều năm qua, duy nhất một trường hợp được hưởng chính sách này.

Ngoài ra, nhà trường còn thống kê và công khai toàn bộ danh sách công bố quốc tế, công bố trong nước của từng cán bộ. “Mỗi năm, công trình của từng người một được thống kê rồi ‘bung’ lên, ai cũng là tiến sỹ mà không có công trình thì xấu hổ lắm, vừa bị trừ tiền hỗ trợ chức danh, không đáng bao nhiêu, nhưng cảm thấy xấu hổ, để năm sau phải cố gắng hơn nữa” - GS.TS Lê Thị Thanh Nhàn nói.

Đại học Khoa học Thái Nguyên. Ảnh: Nongnghiep.vn
Đại học Khoa học Thái Nguyên. Ảnh: Nongnghiep.vn

Nêu quan điểm về chính sách khuyến khích thúc đẩy công bố quốc tế bằng vật chất, TS Phạm Thế Chính, Trưởng khoa Hóa và là một trong những cán bộ trẻ có nhiều công bố của TNUS, cho biết, “Chính sách thưởng lớn sẽ là nguồn động viên cả về tinh thần lẫn vật chất đối với nhà khoa học nhưng không phải cơ sở nào cũng có đủ điều kiện tài chính để làm được như vậy. Còn đối với nhà nghiên cứu, họ làm việc vì chân lý khoa học, và vì thấy điều đó có giá trị cho cuộc sống.”

GS.TS Lê Thị Thanh Nhàn cho biết, hầu hết cán bộ nghiên cứu có năng lực, có khả năng công bố quốc tế tốt của trường đều là những người gắn bó lâu dài với nhà trường, không quản những khó khăn, thiếu thốn của trường để ở lại. Nhiều năm qua, chỉ có một tiến sỹ có năng lực công bố quốc tế chuyển đi nơi khác. Những người còn lại đều cảm thấy cuốn hút và muốn được tham dự vào việc hiện thực hóa tầm nhìn do vị nữ Hiệu trưởng đề xướng – xây dựng TNUS thành một đại học có chỗ đứng trong khu vực miền núi phía Bắc và trên toàn quốc.


Tăng công bố qua hợp tác nghiên cứu

Để khắc phục những hạn chế về cơ sở vật chất hiện nay của trường, các nhóm nghiên cứu, đặc biệt là các nhóm trong lĩnh vực cần tới thực nghiệm, đã “xoay xở” rất năng động. Ví dụ, nhóm nghiên cứu của TS Chính tham gia cùng với Viện Hóa học (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) hoặc sang Bỉ làm các thực nghiệm cần thiết; hay nhóm nghiên cứu về toán học của GS.TS Lê Thị Thanh Nhàn sử dụng các khoản tài trợ từ Quỹ Nafosted để mời các nhóm nghiên cứu ở các nước phát triển sang cùng thảo luận.

Kết quả, số công bố quốc tế là “sản phẩm” trực tiếp hoặc gián tiếp từ các mối quan hệ hợp tác nghiên cứu trong nước và quốc tế chiếm tới gần một nửa tổng số công bố quốc tế của TNUS.

Đến lượt mình, những giảng viên có khả năng công bố quốc tế lại trở thành “hạt nhân” trong các nhóm hợp tác nghiên cứu ngay trong trường để hướng dẫn các giảng viên đam mê khoa học nhưng chưa “đủ tầm” công bố quốc tế.

“Việc xây dựng các nhóm làm việc trong chính TNUS là rất quan trọng. Chúng tôi đều hiểu rằng cần phải năng động hơn nữa để tìm kiếm các cơ hội xin tài trợ nghiên cứu, và tạo điều kiện cho các anh em khác trong trường thực sự được chia sẻ cả về kiến thức và nguồn tài chính từ đề tài. Tôi quan niệm là làm khoa học là phải có công bố và đào tạo được thế hệ kế cận” - TS. Nguyễn Phú Hùng, Phó Trưởng khoa Công nghệ sinh học, một trong những người có nhiều công bố quốc tế của TNUS, nói.

Năm 2002, TNUS chỉ có duy nhất một công bố quốc tế ISI của GS.TS Lê Thị Thanh Nhàn trong lĩnh vực toán học. Suốt 10 năm sau đó, mỗi năm cũng chỉ "lác đác" 3-4 công bố ISI.

Từ năm 2011 đến nay, khi cán bộ trẻ trong trường trưởng thành nhiều hơn, trong đó chủ yếu là số nghiên cứu sinh được đào tạo ở các cơ sở trong nước và nước ngoài trở về, thì số lượng công bố của TNUS tăng ấn tượng, với khoảng 30 bài ISI/ năm.

Trong số khoảng 200 giảng viên của TNUS, có 40 người có công bố ISI hằng năm, chủ yếu thuộc các ngành toán, lý, hoá, sinh và môi trường.