Trong bài viết “Should We Teach Economics in Schools?”, GS Kinh tế R.Srinivasan thuộc Đại học Madras, Chennai, Ấn Độ cho biết, kinh tế là một trong những môn tự chọn cho các kỳ thi tốt nghiệp phổ thông ở Vương quốc Anh kể từ thập niên 1990.

Cô giáo cùng các học sinh trong một giờ học kinh tế gia đình ở Anh. Ảnh: Pinterest

Trước đó, từ năm 1973, Báo cáo của Ủy ban Hỗn hợp Hiệp hội Kinh tế Hoàng gia đã đề xuất việc giảng dạy kinh tế ở bậc phổ thông (A-level) nhằm mục đích: (i) trang bị kiến thức nền tảng cho những học sinh không ý định học lên cao hơn, giúp ích cho nghề nghiệp tương lai của họ; (ii) giúp các sinh viên theo học những chuyên ngành khác ở bậc đại học, nhưng lại lựa chọn làm việc trong các tổ chức kinh tế thương mại hay tài chính ngân hàng, có thể có trình độ lý luận về kinh tế và phát triển sâu hơn nữa chuyên môn; (iii) trang bị kiến thức nền tảng cho những sinh viên có ý định học lên cao hơn nữa.

Còn ở Mỹ, môn kinh tế được dạy ở bậc phổ thông từ đầu những năm 1900 với mục đích chính là để phổ biến những hiểu biết căn bản về kinh tế, và khả năng áp dụng sau này trong các tình huống liên quan đến cuộc sống. Từ năm 1950, Hiệp hội Kinh tế Mỹ đã khuyến nghị: (i) kinh tế nên được dạy như một phần của giáo dục khai phóng (liberal arts); (ii) nên trang bị cho học sinh khả năng sử dụng các công cụ phân tích trong việc giải quyết vấn đề theo tiêu chuẩn của kinh tế học hiện đại; (d) hướng cho học sinh biết quan tâm, theo dõi tin tức hằng ngày để nâng cao sự yêu thích của họ đối với những ứng dụng của kinh tế học.

Từ thập niên 1980, Hội đồng Giáo dục Kinh tế Quốc gia (NCEE) đã phát triển 20 tiêu chuẩn đánh giá việc dạy kiến thức kinh tế từ lớp 4 đến lớp 12 tại các trường học trên khắp các bang của nước Mỹ.