Vào những năm 1950, Johan Hultin đã khai quật một ngôi mộ tập thể của các nạn nhân của trận đại dịch cúm năm 1918. Nhờ khám phá này, các nhà khoa học đã có cơ hội lập bản đồ vật liệu di truyền của con virus chết người.

 Bác sĩ Johan Hultin (1924-2022).
Bác sĩ Johan Hultin (1924-2022).

Hành trình truy lùng nguồn gốc virus cúm


Cuộc tìm kiếm nạn nhân trong đại dịch cúm của nghiên cứu sinh trẻ tuổi Johan Hultin được khơi mào vào năm 1950, trong một cuộc trò chuyện lúc ăn trưa với nhà vi trùng học William Hale thuộc Đại học Iowa. Bác sĩ Hale cho rằng chỉ có một cách để tìm ra nguyên nhân của đại dịch này: tìm kiếm các nạn nhân bị chôn vùi trong lớp băng vĩnh cửu, phân lập virus từ lá phổi vẫn bị đóng băng và bảo quản.

Hultin ngay lập tức nhận ra mình có thể làm được điều này. Mùa hè trước, ông đã có thời gian làm việc với nhà cổ sinh vật học người Đức, Otto Geist, trong một cuộc khai quật ở Alaska. Tiến sĩ Geist có thể giúp ông tìm được những ngôi làng ở vùng đất băng giá, cũng như có hồ sơ đầy đủ về các trường hợp tử vong do bệnh cúm năm 1918. Sau khi thuyết phục đại học cấp cho một khoản chi phí 10.000 USD, Hultin lên đường đến Alaska. Đó là đầu tháng 6/1951.

Có ba ngôi làng khá tiềm năng. Song ở hai làng đầu tiên, các ngôi mộ của nạn nhân không còn nằm trong lớp băng vĩnh cửu. Phải tới ngôi làng thứ ba trong danh sách, Brevig Mission, thì Hutlin mới tìm được thứ mình cần. Trong cái năm tai ương ấy, virus cúm đã giết chết 72 người trong tổng số 80 cư dân Inuit. Thi thể của họ được chôn trong một ngôi mộ tập thể, có hai cây thập giá lớn bằng gỗ ở hai đầu mộ. Khi ông giải thích về nhiệm vụ của mình và xin phép, các bậc trưởng lão trong làng đã đồng ý cho ông khai quật. Sau bốn ngày khổ công đào xuyên qua lớp đất đóng băng, ông đã thấy được hài cốt của các nạn nhân.

Thi thể đầu tiên là một bé gái khoảng 6 tới 10 tuổi. Bác sĩ Hultin sau này nhớ lại: “Cô bé mặc một chiếc váy màu xám, mái tóc màu đen được tết và buộc bằng dải ruy băng đỏ. Cảnh đó làm tôi thấy cay cay sống mũi”.

Bác sĩ Hultin đã đưa mẫu mô về phòng thí nghiệm tại Đại học Iowa, nhưng ông vẫn không thể tái tạo lại virus cúm này. Ông tiếp tục con đường sự nghiệp, trở thành nhà bệnh học pháp y, nhưng luôn canh cánh trong lòng bé gái mà mình đã nhìn thấy trong nấm mộ lạnh giá ở Alaska.
Xuyên suốt nhiều năm, bác sĩ Hutlin đã đọc mọi thứ có thể tìm được về trận đại dịch đã khiến khoảng 50 triệu người trên toàn thế giới thiệt mạng, theo các Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh, trong hai năm 1918 và 1919.

Năm 1997, ông thấy một bài báo trên tạp chí Science. Tác giả là một nhà khoa học đã thu được mô phổi của những binh lính đã qua đời vì bệnh cúm vào năm 1918, và có thể phát triển một phần trình tự mã di truyền của virus. Ông đã thư từ qua lại với tác giả là ông Jeffery K. Taubenberger, và họ đã thảo luận về khả năng tìm ra các mẫu virus mới ở Alaska.

Ban đầu, Taubenberger dự định nộp đơn xin trợ cấp cho chuyến quay lại Alaska, quá trình xin tài trợ lẫn giấy phép hợp lệ thường sẽ mất một tới hai năm. Song, bác sĩ Hultin có một ý tưởng khác: ông sẽ lặng lẽ đi một mình và tự bỏ tiền túi ra, để tránh thủ tục rườm rà lẫn sự phản đối (nếu có) từ ủy ban đạo đức.

Bác sĩ Hultin khai quật hài cốt từ ngôi mộ tập thể gồm nạn nhân của đại dịch cúm năm 1918. Bác sĩ Hultin khai quật hài cốt từ ngôi mộ tập thể gồm nạn nhân của đại dịch cúm năm 1918.
Bác sĩ Hultin khai quật hài cốt từ ngôi mộ tập thể gồm nạn nhân của đại dịch cúm năm 1918.

Một tuần sau cuộc thảo luận, bác sĩ Hultin, lúc đó đã 72 tuổi, lập tức mua vé máy bay, nhét một vài công cụ – gồm cả cây kéo làm vườn của vợ – vào túi vải thô và bay tới Anchorage. Từ đây, ông lại di chuyển bằng máy bay vận tải tới Nome, rồi tìm một phi công chuyên bay tới vùng hẻo lánh để đưa ông tới Brevig Mission, ở đầu phía Tây của Bán đảo Seward, không có con đường nào để tiếp cận hay ra khỏi nơi đó cả.

Trong chuyến công tác vào năm 1951, bác sĩ Hultin đã xin phép các bậc trưởng lão trong làng, bao gồm cả những người sống sót trong đợt đại dịch, để đào ngôi mộ tập thể lên. Khi ông quay lại sau 46 năm, trưởng tộc của ngôi làng là bà Rita Olanna vẫn nhớ ông từng tới đây khi bà còn bé.

Bác sĩ Hultin đề đạt mong muốn mở lại ngôi mộ lần nữa, giải thích rằng điều này có thể giúp phát triển một vaccine ngăn ngừa được tai họa đã giáng xuống ngôi làng vào năm 1918. Nhận được sự cho phép, ông cùng vài thanh niên trai tráng trong làng bắt tay vào đào xới ngay ngày hôm đó.

Thời gian chiếu sáng trong những ngày hè kéo dài cho phép ông làm việc từ 9 giờ sáng cho tới tận nửa đêm. Ông ngủ trên sàn nhà ở một ngôi trường địa phương. Vào ngày thứ tư, ông tìm thấy hai bộ xương ở độ sâu hai mét.

Ở giữa là một phụ nữ trong tình trạng bảo quản tốt tới đáng kinh ngạc, có lẽ từ 25 tới 35 tuổi. Lý do là vì người phụ nữ này mắc bệnh béo phì, lớp da và mô mỡ của cô dày tới mức nó đã bảo vệ toàn bộ cơ thể khỏi tình trạng tan băng và thối rữa.

Ông liền sử dụng kéo cắt cành để mở khung sườn và lấy hai lá phổi ra khỏi thi hài của người phụ nữ mà ông gọi là Lucy. Ông cũng lấy các mẫu mô khác rồi đặt vào dung dịch bảo quản, cuối cùng lấp lại ngôi mộ.
Quay trở lại California, ông gửi bốn bưu kiện tới cho nhà bệnh học Taubenberger. Ông gửi thành các đợt khác nhau vì sợ nhỡ chẳng may có kiện hàng thất lạc thì vẫn còn mẫu vật khác để nghiên cứu. May mắn là cả bốn bưu kiện đều tới nơi an toàn. Trong vài ngày, Taubenberger đã tìm thấy một lượng rất nhỏ virus cúm trong các mô phổi của Lucy.

Trong các bài báo học thuật về phát hiện mới từ Alaska, Taubenberger đã ghi tên bác sĩ Hultin là đồng tác giả. Vào năm 2005, Taubenberger, Ann H. Reid và các đồng nghiệp khác đã giải mã hoàn toàn bộ gene của virus 1918 và công bố các kết quả trên tạp chí khoa học Nature, cho thấy mầm bệnh bắt nguồn từ các loài chim. Bài báo này được tôn vinh là một trong “những đột phá của năm” do tạp chí Science bình chọn.

Bác sĩ Hultin được mệnh danh là Indiana Jones trong cuộc săn tìm virus. Toàn bộ cuộc hành trình tới Alaska đã tiêu tốn của ông 3.200 USD, trong đó có 900 USD trả cho các trai làng đã phụ giúp đào xới.

Trong một cuộc phỏng vấn, Taubenberger bày tỏ, “Johan vô cùng xứng đáng được tôn vinh và ca ngợi. Chúng tôi không thể đạt được kết quả này nếu không có ông ấy. Tất cả là nhờ mẫu vật quan trọng ấy… nếu không có vật liệu mà ông ấy gửi thì toàn bộ công trình này sẽ không được thực hiện”.

Đôi nét về cuộc đời bác sĩ Hultin

Johan Viking Hultin sinh ngày 7/10/1924 tại Stockholm, Thụy Điển, trong một gia đình giàu có. Sau khi cha mẹ ly hôn, mẹ ông kết hôn với một nhà bệnh học từng đảm nhận vị trí trong ủy ban trao giải Nobel về sinh lý học hay y học.

Hồi trẻ, bác sĩ Hultin theo học ngành y tại Đại học Uppsala, Thụy Điển. Năm 1949, ông cùng vợ tới Hoa Kỳ, du lịch qua 48 tiểu bang và tiếp tục đi theo hướng Bắc tới Alaska, thời điểm ông gặp tiến sĩ Geist.

Tới năm 1951, bác sĩ nhận được bằng thạc sĩ về vi sinh học, ông tiếp tục học lên tiến sĩ nhưng lại bỏ dở khi không tái tạo được virus cúm. Thay vào đó, ông chuyển sang học trường y của Đại học Iowa và tốt nghiệp năm 1953. Ông được đào tạo về nghiên cứu bệnh học tại Bệnh viện Mayo Clinic rồi chuyển tới California vào năm 1957. Ông công tác tại các bệnh viện ở Palo Alto, San Francisco và Los Gatos.

Sau khi khám nghiệm tử thi một nạn nhân trong tai nạn ô tô, bác sĩ bắt đầu quan tâm tới an toàn ô tô vào những năm 1960. Ông thử nghiệm dây đai an toàn, bảng đồng hồ bọc đệm và phần cản trước của ô tô có thể gấp lại; những điều này đã thu hút sự chú ý của người bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùngRalph Nader. Ông đã giúp thiết lập một chương trình an toàn ô tô tại Viện Nghiên cứu Stanford.

Bác sĩ Hultin nghỉ hưu vào năm 1988 nhưng vẫn theo đuổi các sở thích riêng như trượt tuyết, leo núi Himalayas và Andes, tự xây nhà gỗ bằng dụng cụ mộc.

Vào cuối chuyến thăm Brevig Mission vào năm 1997, ông đã dành cả đêm trong xưởng của trường, tự tay cưa gỗ và đóng hai cây thánh giá lớn để tưởng niệm nơi chôn cất. Ông quay lại một năm sau đó và gắn một tấm bảng bằng đồng lên một cây thánh giá, trên đó khắc tên 72 dân làng đã qua đời trong đại dịch cúm năm 1918.
Ông qua đời tại nhà riêng ở Walnut Creek, Calif vào ngày 22/1/2022, thọ 97 tuổi.