Các nhà khoa học thuộc Bảo tàng Thiên nhiên (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) đã phát hiện và công bố hai loài mới thuộc họ Phòng kỷ (Aristolochiaceae) và họ Ráy (Araceae).

f
Chủ nhiệm TS. Nguyễn Quốc Bình (ở giữa) và nhóm nghiên cứu tại Đỉnh Tam Sao, một trong các đỉnh núi ở vùng núi cao Pu Tả Lèng. Ảnh: VAST

Khu vực rừng núi Pu Tả Lèng thuộc huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, giáp thành phố Lai Châu về phía Tây, được mệnh danh là một trong những nóc nhà của Đông Dương. Mặc dù có vị trí gần với Phan Xi Păng, thuộc vườn Quốc gia Hoàng Liên, nhưng hầu như chưa có bất cứ nghiên cứu chuyên sâu nào về thực vật tại vùng núi này.

Vì lý do đó, TS. Nguyễn Quốc Bình và các đồng nghiệp thuộc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) đã tiến hành đề tài “Nghiên cứu, đánh giá hiện trạng thực vật bậc cao có mạch vùng núi Pu Tả Lèng, tỉnh Lai Châu, đề xuất các biện pháp bảo tồn nguồn gen thực vật quí hiếm”, để qua đó đánh giá đầy đủ, toàn diện về thành phần thực vật và phát hiện các loài thực vật mới, loài ghi nhận mới cho hệ thực vật Việt Nam. Đây sẽ là cơ sở để nhóm đề xuất phát triển khu rừng đặc dụng hay khu bảo tồn thiên nhiên.

Nhóm nghiên cứu đã tiến hành điều tra theo các tuyến chính như: Tuyến đi lên đỉnh Tam Chỉ Sao xuất phát từ xã Tả Lèng, tuyến từ xã Tả Lèng lên đỉnh Tả Liên Sơn, tuyến từ xã Hồ Thầu theo hướng lên đỉnh Pu Tả Lèng.

Các tuyến điều tra đi qua tất cả các vùng khác nhau về địa hình, hệ sinh thái, các loại hình rừng, kiểu thảm thực vật, môi trường sống,... nhằm thu thập được đầy đủ mẫu vật đại diện của khu vực nghiên cứu.

Kết quả, nhóm đã điều tra, thu thập và xác định thành công 379 loài và thứ thuộc 115 họ, 257 chi của 3 ngành thực vật có mạch. Ngành Dương xỉ (Pteridophytes) có 17 loài, trong 16 chi, thuộc 13 họ; ngành Thông (Pinophyta) có 3 loài, thuộc 2 chi, 2 họ; ngành thực vật Hạt kín (Angiospermae) có tỷ lệ các taxon cao nhất với 359 loài, thuộc 239 chi, 100 họ.

d
Lá và hoa của loài Isotrema putalengense Luu, Q.B.Nguyen & H.C.Nguyen. Ảnh: VAST.

Đáng chú ý, đề tài đã phát hiện và công bố 2 loài mới là Isotrema putalengense Luu, Q.B.Nguyen & H.C.Nguyen (họ Phòng kỷ - Aristolochiaceae) và Arisaema vietnamense Luu, Q. B. Nguyen, H. C. Nguyen & T. Q. T. Nguyen (họ Ráy - Araceae); xác định 33 loài thực vật đặc hữu, chiếm 8,7% tổng số loài thực vật đã thu thập ở vùng núi cao Pu Tả Lèng.

Các nhà khoa học đã đánh giá 353/379 loài thực vật có mạch ở vùng núi cao Pu Tả Lèng có giá trị sử dụng - nhóm cây có giá trị làm thuốc chiếm số lượng nhiều nhất với 189 loài; trong đó có 17 loài thực vật quý hiếm đang bị đe dọa ở các mức độ khác nhau, có tên trong Sách Đỏ Việt Nam (2007), Danh lục Đỏ Việt Nam (2007) và trong Nghị định 84/2021 của Chính phủ.

Nhóm cũng đã đánh giá mức độ đa dạng về dạng sống thực vật, như cây bì sinh, cây phụ sinh, cây một năm, cây có thân mọng nước đến cây gỗ, gỗ lớn và đa dạng các yếu tố địa lý thực vật, trong đó yếu tố lục địa châu Á và nhiệt đới châu Á là 2 yếu tố ưu thế.

Với những kết quả thu được, các nhà khoa học đã xây dựng cơ sở dữ liệu các loài thực vật gồm 397 số hiệu mẫu là những cơ sở khoa học đầu tiên về thực vật vùng núi cao Pu Tả Lèng.

Trong thời gian tới, nhóm bày tỏ mong muốn “tiếp tục điều tra nghiên cứu mở rộng nhóm nấm, thực vật không mạch để có được bộ mẫu và các dữ liệu đầy đủ về nấm, thực vật không mạch, thực vật có mạch của khu vực này, bổ sung thông tin và dữ liệu sinh học phục vụ cho công tác bảo tồn các loài quý hiếm cho hệ thực vật Hoàng Liên Sơn”.

Nhóm nghiên cứu đã công bố các kết quả trên trong bài báo Isotremaputalengense, a new species of Aristolochiaceae from northern Vietnam and two new combinations in Isotrema trên PhytoKeys, và bài báo risaema vietnamense (Section Nepenthoidea, Araceae): A New Species from Vietnam trên Tạp chí Sinh học (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam).

Đề tài được Hội đồng nghiệm thu cấp Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam xếp loại B.