Khả năng cao là nhân loại sẽ không thể đáp ứng mục tiêu hạn chế nóng lên toàn cầu trong phạm vi 1,5°C so với mức tiền công nghiệp.

Tuy nhiên vẫn cần cắt giảm mạnh phát thải khí nhà kính và thu giữ carbon từ khí quyển để hạn chế nhiệt độ tăng quá cao dẫn đến các thảm họa khí hậu nghiêm trọng nhất, theo báo cáo mới nhất của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên hợp quốc. Vượt giới hạn 1,5°C, như đặt ra trong thỏa thuận khí hậu Paris năm 2015, nguy cơ xảy ra các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt và sụp đổ hệ sinh thái tăng mạnh.

Báo cáo mới của IPCC do hàng trăm nhà khoa học từ 65 quốc gia biên soạn, tập trung vào các phương án hạn chế phát thải và giảm thiểu tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu. Đây là báo cáo cuối cùng trong bộ ba báo cáo thuộcđợt đánh giá khí hậu thứ sáu của IPCC. Hai báo cáo trước đã đề cập khoa học khí hậu cơ bản và tác động của khí hậu đối với con người và hệ sinh thái. Báo cáo mới dài khoảng 2.900 trang và đã được 195 chính phủ phê duyệt sau nhiều ngày đàm phán.

Một câu chuyện thành công trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu là các nguồn năng lượng tái tạo, như tuabin gió, đã trở nên rẻ hơn đáng kể trong thập kỷ qua.

Các kết luận chính của báo cáo:

- Đây là một trong những cảnh báo gay gắt nhất từ ​​IPCC. Thông điệp là thời gian để hành động đã gần hết. Các mô hình gợi ý rằng lượng khí thải toàn cầu cần đạt đỉnh muộn nhất là vào năm 2025 và sau đó giảm còn một nửa vào năm 2030 và về ròng bằng 0 vào năm 2050, thì thế giới mới có 50% cơ hội đạt mục tiêu 1,5°C. Trong khi đó, với các chính sách như hiện tại, các nhà khoa học ước tính nhiệt độ đang trên đà tăng gần 3°C so với mức tiền công nghiệp.

- Có dấu hiệu cho thấy một số nỗ lực giảm thiểu phát thải đã có tác động. Giá của các công nghệ năng lượng tái tạo như tuabin gió, pin mặt trời và pin lưu trữ đang giảm mạnh, và nền kinh tế toàn cầu đang trở nên sạch hơn. Cường độ năng lượng toàn cầu - chỉ lượng năng lượng cần thiết để thúc đẩy nền kinh tế - giảm 2% hằng năm từ năm 2010 đến năm 2019, ngược lại so với xu hướng của thập kỷ trước.

- Để ngăn nhiệt độ vượt quá cao ngoài ngưỡng 1,5°C, cần ngừng khai thác nhiên liệu hóa thạch. Lượng khí thải từ các dự án nhiên liệu hóa thạch hiện có, và đã được lên kế hoạch xây dựng, đã vượt quá ngân sách carbon cho phép.

- Để các quốc gia để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0, chỉ hạn chế phát thải là không đủ, mà còn cần thu carbon dioxide từ khí quyển. Thu giữ carbon sẽ bù đắp lượng phát thải khí nhà kính còn sót lại từ các lĩnh vực khó làm sạch hơn, chẳng hạn như công nghiệp hoặc hàng không. Các quốc gia có thể thu giữ carbon bằng cách mở rộng rừng và cải thiện các hoạt động nông nghiệp, hoặc thông qua nhiều công nghệ mới trong thu hồi khí thải carbon từ các nguồn công nghiệp hoặc trực tiếp từ khí quyển.

- Có nhiều ý kiến lo ngại rằng giảm thiểu phát thải sẽ kéo theo chi phí kinh tế, nhưng thực tế việc đáp ứng các mục tiêu về khí hậu sẽ không tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu. Các mô hình cho thấy tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục trong những thập kỷ tới, ngay cả khi có các hành động tích cực trong việc hạn chế phát thải. Trong kịch bản các quốc gia ban hành các chính sách khí hậu mới, tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu vào giữa thế kỷ này có thể sẽ giảm nhẹ. Nhưng lợi ích kinh tế của việc hạn chế nóng lên toàn cầu - bao gồm cải thiện sức khỏe người dân và giảm thiệt hại do khí hậu - sẽ cao hơn chi phí bỏ ra.

- Các quốc gia giàu có cần viện trợ tài chính cho các quốc gia có thu nhập thấp để giải quyết bất bình đẳng về tính dễ bị tổn thương do khí hậu - các quốc gia có thu nhập thấp đóng góp ít vào phát thải khí nhà kính trong suốt lịch sử, nhưng đang phải chịu các tác động nghiêm trọng nhất từ biến đổi khí hậu. 88 quốc gia trong Nhóm các Quốc gia kém phát triển nhất và Đảo nhỏ tổng cộng mới tạo ra 1% lượng khí thải carbon từ trước đến nay, nhưng đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Các quốc gia thu nhập thấp cũng cần được viện trợ để có thể đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch.

Đây cũng là một trong những lý do khiến do đàm phán phê duyệt báo cáo thứ ba này kéo dài thêm 2 ngày so với dự kiến. Trong đó, các nhà đàm phán của Ấn Độ cho rằng các kịch bản phát thải trong báo cáo gán quá nhiều trách nhiệm cho các nước đang phát triển, và không phản ánh đầy đủ tính công bằng và trách nhiệm trong vấn đề phát thải.

Nguồn: