Học viện Công nghệ Ấn Độ là dây chuyền sản xuất các CEO công nghệ toàn cầu, nhưng nhiều nhà nghiên cứu cho rằng cũng chính học viện này là nơi thúc đẩy tình trạng phân biệt đối xử và môi trường làm việc nặng nhọc, độc hại.

Tấm vé vào IIT là con đường nhanh nhất để phát triển sự nghiệp trong lĩnh vực công nghệ đang bùng nổ của Ấn Độ. Ảnh: Forbes
Tấm vé vào IIT là con đường nhanh nhất để phát triển sự nghiệp trong lĩnh vực công nghệ đang bùng nổ của Ấn Độ. Ảnh: Forbes

Hằng năm, báo đài đều đưa tin về việc sinh viên tốt nghiệp từ các Học viện Công nghệ Ấn Độ (IIT) đều nhận được công việc với mức lương gần 245.000 USD mỗi năm. Bị cuốn hút bởi số tiền, Dhaval Raghwani - một học sinh nhiều tham vọng - quyết định ôn thi với mong muốn đỗ ngôi trường danh giá này.

Con đường này không dễ dàng. Để vào được IIT, Raghwani và các bạn cùng lứa phải vượt qua Kỳ thi tuyển sinh chung (JEE). Chỉ 0,5% ứng viên có cơ hội trở thành sinh viên đại học tại IIT. Họ quyết định đến các lò luyện để cày ngày cày đêm, tập trung ôn thi. “Tôi đến lớp vào sáng sớm và thường về nhà muộn. Tôi không dùng điện thoại. Tôi chỉ học, ăn, ngủ thôi”, Raghwani kể lại. Anh đã phải trả khoản học phí tương đương 6,000 USD.

Nỗ lực của anh đã được đền đáp. Năm 2019, anh đỗ vào IIT Madras (đặt tại thành phố Chennai). Nhưng hành trình của anh chỉ vừa mới bắt đầu, vẫn còn một ngọn núi thậm chí còn thách thức hơn cần chinh phục. Sinh viên IIT trung bình ​​sẽ dành 50 đến 55 giờ mỗi tuần cho việc học để đảm bảo suất thực tập và cơ hội việc làm tại các công ty danh tiếng, song song với đó họ cũng duy trì nhiều sở thích và hoạt động ngoại khóa khác nhau - bao gồm hai giờ học thể dục bắt buộc mỗi tuần. Giờ đây điểm số không còn là thang đo duy nhất, các sinh viên cần phải có công bố khoa học và gọi được tài trợ. Môi trường học thuật cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

Danh giá là thế, nhưng điều gây ngạc nhiên là tỷ lệ bỏ học của trường cũng rất cao. Áp lực cạnh tranh tại IIT đã đẩy nhiều sinh viên vào khủng hoảng. Theo số liệu của chính phủ, kể từ năm 2018, 33 sinh viên IIT đã tự tử. Chỉ riêng trong bốn tháng đầu năm nay, đã có sáu sinh viên IIT tự tử.

Nhưng ngay cả vậy, các cơ sở IIT vẫn là “ngọn núi” sừng sững của Ấn Độ. Họ vẫn là con đường nhanh nhất để phát triển sự nghiệp trong lĩnh vực công nghệ đang bùng nổ của đất nước. Và họ đang ấp ủ kế hoạch mở rộng ra châu Âu, Trung Đông và Đông Nam Á. Tầm ảnh hưởng của họ đặt ra câu hỏi về tương lai của ngành công nghệ Ấn Độ. Mức độ cạnh tranh khốc liệt để thi đậu - và cái giá phải trả để giữ vững thành tích - khiến cho các cơ sở IIT những năm qua dần trở thành “thánh đường” cho các nhóm giàu có và có nhiều đặc quyền. Học sinh có hoàn cảnh khó khăn hoặc đẳng cấp thấp trong xã hội phải đối mặt với gánh nặng kép về kỳ vọng của gia đình và tình trạng phân biệt đối xử nghiêm trọng, điều này khiến các em khó có cơ hội đỗ đạt hơn. Điều này sẽ tác động như thế nào lên ngành công nghệ của Ấn Độ - và đối với thế giới? Sẽ thế nào khi văn hóa khởi nghiệp, nghiên cứu được phát triển trong một khu vực siêu cạnh tranh, một nơi mà chế độ phân biệt đẳng cấp và tư tưởng trọng nam khinh nữ đã ngấm sâu vào suy nghĩ của mọi người?

“Tình trạng thiếu đa dạng về đẳng cấp xã hội trong lĩnh vực công nghệ ở Ấn Độ và toàn cầu là một vấn đề lớn nhưng không được nhiều người quan tâm”, nhà xã hội học Devika Narayan cho biết. “Lĩnh vực công nghệ như thể là một câu lạc bộ dành cho các chàng trai ở đẳng cấp cao”.

Trọng nam khinh nữ

Hệ thống giáo dục của Ấn Độ từ lâu đã nổi tiếng khốc liệt. Cơ hội được học trong một môi trường giáo dục đại học chất lượng với giá cả phải chăng quá ít ỏi đối với phần lớn người dân, vì vậy các gia đình đã đặt áp lực vào được một trường đại học tốt lên con cái từ rất sớm. Các bậc phụ huynh thuê gia sư dạy kèm để giúp con có được thành tích tốt. Vào năm 2021, 1,5 triệu thí sinh đã tham gia kỳ thi JEE để cạnh tranh 13.000 suất học ở mỗi cơ sở trong số 23 cơ sở IIT - nghĩa là có 115 ứng cử viên cạnh tranh cho mỗi suất. Khi kết quả được công bố, chúng ta dễ dàng nhìn thấy một công thức chung - bạn có nhiều khả năng đỗ IIT hơn nếu bạn có đủ nguồn lực ngay từ đầu.

Và - trớ trêu thay - bạn cũng có khả năng đỗ cao hơn nếu bạn là nam giới. Những lò luyện thi mà Raghwani theo học thường yêu cầu người học phải rời nhà để dọn đến sống trong khu ký túc xá, vì vậy cha mẹ thường không khuyến khích con gái ôn luyện và đi thi. Nữ giới chiếm khoảng 20% ​​số sinh viên IIT trong kỳ nhập học 2022–2023. Nữ giám đốc IIT đầu tiên được bổ nhiệm vào đầu năm nay - không phải tại IIT ở Ấn Độ mà ở Tanzania.

Priyanka Joshi, người đã tốt nghiệp song bằng tại IIT Madras vào năm 2021, mô tả rằng quãng thời gian học rất “khó khăn”. Cô là một trong ba nữ sinh viên duy nhất trong lớp, ngược lại có đến 57 nam sinh viên. Hầu hết các giảng viên cũng là đàn ôngi. Phụ nữ dạy và học tại IIT thường nói rằng họ đã quen với tình trạng bị quấy rối. “Ở đây, đó chỉ là những chuyện tủn mủn. Chẳng hạn như một chàng trai ‘đụng chạm’ vào bạn ở những vị trí không thích hợp - điều này xảy ra thường xuyên”, Joshi chia sẻ. Cô ấy cho biết một khi mình lên tiếng phàn nàn, những người trong ban quản lý sẽ nghi ngờ cô trước tiên, “và sẽ có rất nhiều tranh cãi qua lại”.

Một số cơ sở IIT đã bị chỉ trích vì không đảm bảo an toàn cho phụ nữ. Năm 2017, IIT đã đưa ra chương trình khuyến khích sự cân bằng giới tính trong trường, giúp mức độ bình đẳng giới được cải thiện. Nhưng khi mùa tuyển dụng bắt đầu, Joshi nhận thấy rằng rất nhiều công việc, chẳng hạn như làm việc trên giàn khoan dầu, vẫn được đánh dấu là “phụ nữ không phù hợp”. Với ít lựa chọn hơn so với các đồng nghiệp nam, Joshi đã nộp đơn xin việc tại một công ty đầu tư. Cô là một trong hai ứng cử viên được chọn trong số 400 ứng viên - rất nhiều người bất mãn với kết quả này. “Họ bàn tán sau lưng tôi,” cô thở dài, “[Mọi người nói], ‘cô ta được nhận vào vì là con gái’”.

Phân biệt đẳng cấp xã hội

Đối với học sinh từ các cộng đồng khó khăn, các quy định chống phân biệt đối xử là con dao hai lưỡi. Theo những quy định này, học sinh có hoàn cảnh khó khăn thường được hạ điểm chuẩn JEE để bù đắp cho những khó khăn kinh tế xã hội đã cản trở họ đi học. Điều đó lại tạo cơ hội cho sự phân biệt đối xử khi những sinh viên này nhập học IIT. “Khi mọi người hỏi về thứ hạng đậu của chúng tôi, họ đang phỏng đoán để tìm ra đẳng cấp xã hội của chúng tôi,” Ravi, một sinh viên Dalit (tầng lớp thấp nhất trong xã hội Ấn Độ) tại IIT ở Delhi, nói.

Các gia đình thuộc tầng lớp Dalit thường khuyên con mình nên che giấu lý lịch để tránh bị phân biệt đối xử. “Cha mẹ thường bảo chúng tôi đừng thảo luận về danh tính của mình”, Ravi kể. “Khi theo học tại trường, chúng tôi cũng không hé miệng nửa lời về vấn đề tầng lớp”. Nhưng rồi mọi thứ đã bị “lột trần” đầy tàn nhẫn khi người phụ trách chương trình học đã để lộ một tệp chứa thông tin cá nhân cả lớp, tệp này sau đó đã được gửi vào nhóm WhatsApp của các sinh viên. Ravi cho biết mình đã định sẽ chia sẻ về danh tính của bản thân vào một lúc nào đó, nhưng không nghĩ “chuyện này lại xảy ra trong tuần đầu tiên nhập học”. Đây là thời điểm rất nhạy cảm, bởi nhiều sinh viên khóa trên đã lạm dụng, sỉ nhục và quấy rối các sinh viên thuộc tầng lớp thấp như một “nghi lễ” nhập học đại học.

Chính phủ Ấn Độ yêu cầu 15% giáo sư giảng dạy phải xuất thân từ các tầng lớp bị gạt ra ngoài lề xã hội và 7,5% phải đến từ các cộng đồng bản địa. Vào tháng một, một báo cáo từ Nature cho thấy chưa đến 1% giáo sư đến từ các nhóm xã hội này. Báo cáo cũng cho biết số lượng sinh viên thuộc các cộng đồng này theo học ngành STEM luôn ở mức thấp và kết luận rằng lý do là các học viện không tuân theo chính sách và chính phủ không buộc tội bất kỳ ai vì không đáp ứng chỉ tiêu.

Thực tế là sinh viên thuộc các tầng lớp bên lề xã hội thường là những người đầu tiên trong gia đình họ vào đại học và không được theo học các lò luyện của JEE ngay từ đầu. Lekh Bajaj, nhà tâm lý học lâm sàng và cũng là cựu sinh viên IIT Delhi, người tổ chức các hội thảo về sức khỏe tâm thần tại IIT Delhi, cho biết nhiều sinh viên có hoàn cảnh khó khăn khi theo học IIT phải vật lộn với hội chứng kẻ mạo danh (người mắc hội chứng thường nghi ngờ những thành tích của mình và luôn có một nỗi sợ hãi dai dẳng trong lòng về việc bị vạch trần là một kẻ lừa đảo). Bajaj nhận định rằng sự phân biệt đẳng cấp là một vấn đề lớn ở Ấn Độ. “Nhưng trong IIT, nó thậm chí còn nghiêm trọng hơn, bởi vì các sinh viên thường truyền tai nhau rằng những sinh viên ở tầng lớp thấp vốn đã nhận được nhiều ưu ái khi vào đây rồi”.

Tái tạo một xã hội bất bình đẳng

Những gì xảy ra ở IIT không chỉ gói gọn trong IIT. Vì phần lớn số sinh viên tốt nghiệp IIT thuộc tầng lớp cao trong xã hội, nên các nhà điều hành công nghệ cũng có xu hướng xuất thân từ những tầng lớp đó. Kết quả là một hệ sinh thái công nghệ đặc biệt nghiêng về phía những người đàn ông ở đẳng cấp cao - và nó lan tỏa đến Hoa Kỳ. Vào năm 2020, một sinh viên Dalit tốt nghiệp IIT Bombay đã đệ đơn kiện Cisco Systems Inc. và hai đồng nghiệp của anh ở Hoa Kỳ, cáo buộc họ phân biệt đối xử dựa trên đẳng cấp khi làm việc tại công ty.

Mặc dù phụ nữ chiếm 43% tổng số sinh viên tốt nghiệp ngành STEM ở Ấn Độ nhưng chỉ có 3% CEO trong lĩnh vực này là phụ nữ. Madhura DasGupta Sinha, người sáng lập Aspire For Her, một tổ chức phi chính phủ nhằm hỗ trợ phụ nữ đi làm, cho biết các công ty khởi nghiệp thường cố gắng tỏ ra mình đang đa dạng hóa hoạt động tuyển dụng, nhưng họ không mảy may nỗ lực để biến điều đó thành hiện thực. Các công ty khởi nghiệp ở Ấn Độ nổi tiếng với việc không tuyển dụng phụ nữ để tiết kiệm chi phí sinh con. “Các công ty này cần những nhân viên có thể [làm việc] nhiều giờ và đi công tác”.

Các công ty khởi nghiệp ở Ấn Độ nổi tiếng là những nơi thúc đẩy văn hóa làm việc độc hại, khi nhân viên lúc nào cũng vật vờ vì thiếu ngủ, làm việc quá sức và phải đạt được những mục tiêu “trên trời”. Nhân viên làm việc cho các kỳ lân như gã khổng lồ công nghệ giáo dục Byju và ứng dụng giao đồ ăn Zomato đều phàn nàn về tình cảnh này.

Ngành công nghệ sẽ giúp tạo ra của cải và giúp xã hội đi lên. “Nhưng nếu nó loại trừ tất cả mọi người ở tầng lớp thấp, thì bản thân nó sẽ trở thành một trong những lĩnh vực chính tái tạo sự bất bình đẳng và phân cấp xã hội”, nhà xã hội học Narayan cho biết.

Có thể không phải ngẫu nhiên mà người lao động ở Ấn Độ thường xuyên phàn nàn về mức độ phân biệt đối xử, điều kiện làm việc nghèo nàn và tình trạng sa thải tùy tiện, đồng thời các nhà hoạch định chính sách công nghệ thường đưa ra những quyết định quan trọng gây bất lợi cho hàng triệu người ở các cộng đồng nghèo và vùng nông thôn.