Các loài ngoại lai xâm lấn phá hoại mùa màng, tàn phá rừng, làm lây truyền bệnh tật và đảo lộn hệ sinh thái đang lan rộng ngày một nhanh hơn trên toàn cầu và con người chưa thể ngăn chặn xu hướng này, theo một báo cáo do ban cố vấn khoa học liên chính phủ cho Công ước về Đa dạng sinh học (IPBES) của Liên Hợp Quốc được công bố vào ngày 4/9.

Bèo tây (lục bình).
Bèo tây (lục bình).

Sinh vật ngoại lai gây ra thiệt hại hơn 400 tỷ USD mỗi năm, tương đương với GDP của nước Đan Mạch. Con số này đang có xu hướng tăng mạnh, với tổng thiệt hại trung bình tăng gấp bốn lần sau mỗi thập kỷ kể từ năm 1970.

Bản báo cáo đã thống kê có khoảng 37.000 sinh vật ngoại lai trên thế giới, ví dụ như bèo tây (lục bình) phủ kín hồ Victoria ở Đông Phi; chuột và rắn nâu tiêu diệt các loài chim ở Thái Bình Dương; hoặc những con muỗi bay sang các khu vực mới mang theo virus Zika, sốt vàng da, sốt xuất huyết và nhiều bệnh khác. Chúng lấn chiếm nơi sinh sống hoặc gây hại đối với các loài sinh vật bản địa, làm mất cân bằng sinh thái tại nơi chúng xuất hiện và phát triển.

Báo cáo kết luận, các hoạt động phát triển kinh tế, tăng dân số và biến đổi khí hậu sẽ làm tăng tần suất, mức độ xâm lấn sinh học cũng như tác động của các loài ngoại lai xâm lấn. Hiện nay chỉ có khoảng 17% các quốc gia trên thế giới có luật hoặc quy định để quản lý các loài không phải sinh vật bản địa.