Có những định nghĩa phải mất hàng chục năm mới có thể đi vào hệ thống luật của Việt Nam và đảm bảo hành lang pháp lý trơn tru cho các chính sách hỗ trợ. Nhưng với khởi nghiệp sáng tạo, người ta có thể hy vọng một hành trình ngắn hơn.

Cần một “định danh” thống nhất cho những thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp. Ảnh: HT
Cần một “định danh” thống nhất cho những thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp.

Nút thắt cổ chai

Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) và những người hỗ trợ khởi nghiệp trên khắp Việt Nam đã dành gần tám năm để xây dựng “hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” (Startup Ecosystem). Chúng gồm một mạng lưới các tổ chức, cá nhân và nguồn lực nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (startup) Việt Nam nảy mầm và phát triển.

Anh Trần Trí Dũng, chương trình hỗ trợ khởi nghiệpSwiss EPtại Việt Nam, từng nhận xét: “Hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam đã có sự thay đổi ấn tượng ‘từ không đến có’”.

Từ chỗ không có bất kỳ thành tố nào, đến nay, hệ sinh thái đã đạt được một số cột mốc đáng chú ý, chẳng hạn như đứng trong Top 60 hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo thế giới (theo đánh giá của Startup Blink), các công ty khởi nghiệp được rót vốn gần 4 tỷ USD trong vòng tám năm qua (theo thống kê của Tracxn), và có ít nhất 11 startup được định giá trên 100 triệu USD cùng ba startup kỳ lân được định giá trên một tỷ USD là Momo, VNG và VNLife (theo dữ liệu của Văn phòng Đề án 844). Nhìn chung, mọi thành phần trong hệ sinh thái đã hiện diện đầy đủ và vận hành tương đối tốt, mặc dù sự liên kết giữa chúng vẫn chưa thực sự chặt chẽ.

Vấn đề là dường như hành lang pháp lý chưa theo kịp được sự phát triển của hệ sinh thái, mà nút thắt đang nằm ở một điểm rất cơ bản: chưa có sự thống nhất trong các quy định về định danh khởi nghiệp. Hoặc nói cách khác, chưa có một văn bản luật “đủ cao” nào để định nghĩa thế nào là ‘một công ty khởi nghiệp’ và quy trình xác thực ‘ai là một công ty khởi nghiệp’.

Điều này cũng tương tự với các định danh khác trong hệ sinh thái, bao gồm các nhà đầu tư cá nhân, nhà đầu tư mạo hiểm, mentor, cố vấn khởi nghiệp, trung tâm ươm tạo, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, trung tâm đổi mới sáng tạo v.v

Định nghĩa khởi nghiệp là một thách thức rất quen thuộc được tranh luận từ lâu ở Việt Nam và gần đây nhất cũng đã có một cuộc thảo luận sâu sắc trong buổi tổng kết Ban điều hành Đề án 844 ngày 28/3 vừa qua. Lý do quan trọng để xác định “ai là ai” trong hệ sinh thái là bởi bất kỳ sự can thiệp nào nhắm vào các công ty khởi nghiệp và những người được hưởng ưu đãi khi hỗ trợ các công ty đó cũng nên được nhắm đúng mục tiêu.

Không thể chứng minh

Mặc dù đã có một loạt nghị định, thông tư về ưu đãi thuế, hỗ trợ cơ sở vật chất, hỗ trợ nghiên cứu, hỗ trợ vốn, tiền công lao động cho những người trong hệ sinh thái, nhưng trên thực tế chúng rất khó để thực thi vì chúng không có định nghĩa ở một luật khác.

Các startup phàn nàn rằng họ không thể được giảm thuế vì sở thuế không chấp nhận bằng chứng họ đưa ra để chứng minh mình phù hợp với tiêu chí của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (khác với các doanh nghiệp khoa học công nghệ có giấy chứng nhận ‘Doanh nghiệp khoa học công nghệ’ do Sở KH&CN cấp, họ sẽ được giải quyết nhanh chóng).

Các quỹ đầu tư nói rằng họ tìm mỏi mắt các văn bản hướng dẫn ưu đãi thuế nhưng không có văn bản nào quy định cụ thể ưu đãi đối với lĩnh vực của họ.

Trong khi đó, các doanh nghiệp nhà nước đang sở hữu trong tay cả nghìn tỷ đồng tiền trích lập cho nghiên cứu phát triển như Viettel bày tỏ mong muốn góp vốn (hoặc ít nhất là tài trợ miễn phí) cho các hoạt động khởi nghiệp nhưng chưa có văn bản nào nhắc đến việc họ được phép làm những điều đó.

“Trong khi doanh nghiệp tư nhân được làm những gì nhà nước không cấm thì doanh nghiệp nhà nước chỉ được làm những gì nhà nước cho phép. Cho nên, nếu không được quy định rõ ràng trong văn bản pháp luật thì các doanh nghiệp nhà nước sẽ không có không gian để thực hiện việc hỗ trợ khởi nghiệp”, ông Đinh Việt Tùng, Phó tổng giám đốc Tổng Công ty Đầu tưvàKinh doanh vốn nhà nước (SCIC), nhận xét.

Tưởng chừng như việc thí điểm các chính sách khởi nghiệp trong một không gian đặc thù và năng động sẽ dễ dàng hơn, nhưng thực tế thì không.

TPHCM, nơi tiên phong miễn thuế thu nhập cá nhân cho các nhà đầu tư và miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, cũng vấp phải tình trạng bối rối. Các nhà đầu tư ở TPHCM đã có một trải nghiệm hụt hẫng khi biết tin họ nằm trong vòng ưu đãi nhưng đến kỳ tính thuế lại không có cách nào chứng minh rằng họ đã chấp nhận một khoản đầu tư rủi ro có thể mất trắng và xứng đáng được hưởng phần thưởng mà chính quyền đã cam kết, bắt đầu có hiệu lực từ hồi tháng tám năm ngoái.

TPHCM đã được Quốc hội trao cho quyền tự quyết các cơ chế đặc thù vào giữa năm 2023, nhưng các cơ chế về khởi nghiệp đã chậm trễ hơn một năm vì vấn đề không có “định nghĩa” đối tượng ở các văn bản luật trên phạm vi toàn quốc. Bà Nguyễn Thị Kim Huệ, Phó Giám đốc Sở KH&CN nói rằng họ đã nhận ra vấn đề và đang thiết lập một team để xây dựng các định nghĩa dựa trên việc tham khảo các văn bản đã có và chuyên gia nhằm trình Hội đồng Nhân dân trong tháng 7 sắp tới. Các định nghĩa không khó tìm nhưng để bảo vệ và đưa chúng vào hiệu lực thì không dễ, đại diện Sở phỏng đoán.

Đà Nẵng, nơi cũng đang chuẩn bị xin một cơ chế đặc thù tương tự TPHCM, bày tỏ lòng biết ơn khi TPHCM chia sẻ kinh nghiệm đi trước về mảng khởi nghiệp và hy vọng có thể liên kết hai bên để học hỏi cách “định nghĩa” khởi nghiệp.

Nhưng cả TPHCM và Đà Nẵng đều thấu hiểu rằng đây chỉ là giải pháp tình thế. Những định nghĩa trong cơ chế đặc thù chỉ có tác dụng trong phạm vi địa phương. Nói cho dễ hiểu, một startup được “định danh” là startup ở Đà Nẵng sẽ không được hưởng ưu đãi nếu đi đến TPHCM và ngược lại. Chúng ta cần một “định danh” có hiệu lực trong phạm vi toàn quốc, và đó là việc mà các bộ, ngành Trung ương nên sớm xem xét.

Sửa luật hay làm nghị định mới

Trong phiên họp ngày 28/3, Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh, người đứng đầu Ban điều hành Đề án 844 năm nay, tiết lộ có hai phương án giải quyết vấn đề “định danh” khởi nghiệp sáng tạo mà Bộ đang cân nhắc.

Thứ nhất là đưa các định nghĩa vào Luật Khoa học và Công nghệ đang trong quá trình sửa đổi. Theo Thứ trưởng, Luật này đang nhận được sự ủng hộ tích cực của Chính phủ về việc mạnh dạn đưa vào những khái niệm, cơ chế, vấn đề mới gắn với sự phát triển của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để tạo tiền đề cho những bước nhảy mới của đất nước trong 10-20 năm tới, bất chấp những nội dung sửa đổi của Luật có khả năng mâu thuẫn với các luật hiện hành hay không (ví dụ: Luật Ngân sách, Luật Đầu tư công v.v). Bộ KH&CN kỳ vọng có thể trình Quốc hội xem xét Luật này vào tháng 5/2025 và thông qua vào tháng 10/2025.

Phương án thứ hai là xây dựng một Nghị định không đầu (tức nghị định thống nhất giữa các bộ, ngành, do Chính phủ ban hành, nhằm hướng dẫn những vấn đề không có trong văn bản luật phía trên) mới để hướng dẫn “định danh” khởi nghiệp và các mối quan hệ trong hệ sinh thái.

Vì thực tiễn đã đi trước pháp luật rất xa nên tại thời điểm này, việc lựa chọn cần tập trung thiết lập “định nghĩa” khởi nghiệp vào trong Luật hay Nghị định không đầu gây rất nhiều tranh cãi.

Trong khi sửa luật là điều cần thiết và bắt buộc về lâu dài thì quy trình của chúng lại quá lâu, có thể mất đến vài năm trước khi thực sự có hiệu quả. Nghị định không đầu, trên lý thuyết, có thể được thực hiện nhanh hơn. Nhưng chúng phụ thuộc rất nhiều vào việc đối thoại giữa các bộ, ngành - đặc biệt là trong những vấn đề mới. Trong những tình huống xấu, thời gian của chúng có thể bằng với thời gian làm luật.

Chẳng hạn như cơ chế quản lý thử nghiệm sandbox cho Fintech đã được khởi động từ năm 2019 nhưng đến nay vẫn chưa được thông qua. Nó được dự kiến là một nghị định không đầu, tuy nhiên các bên đã vấp phải nhiều vấn đề quay vòng khi nói đến những mối quan hệ mà pháp luật hiện hành chưa có, đặc biệt là trong rủi ro vốn. “Không ai có đủ can đảm để chịu trách nhiệm khi xảy ra rủi ro”, một cố vấn trong ban soạn thảo nghị định Fintech tiết lộ trong cuộc họp hồi đầu tháng 12 năm ngoái.

Nhưng dù lựa chọn cách tiếp cận nào đi chăng nữa thì đó cũng là tín hiệu tích cực cho thấy sẽ có sự công nhận toàn diện về “định nghĩa” khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam. Hiện có hơn 40 định nghĩa và những thuật ngữ khác nhau được sử dụng trong các tài liệu, văn bản của nhiều tổ chức, cơ quan, viện trường, địa phương và không phải định nghĩa nào cũng có chung nội hàm.

Một sự thống nhất về “định nghĩa” và “định danh” sẽ hài hòa tất cả các cấu trúc khuyến khích hỗ trợ startup đang nằm rải rác trong các chính sách, chương trình khác nhau, được thực hiện bởi các bộ, ngành khác nhau, từ đó cải thiện tính dễ dàng cho hoạt động khởi nghiệp.

Nhìn lại lịch sử, những khái niệm như “biến đổi khí hậu” hay “phát triển bền vững” đã mất từ 10-20 năm để đưa được vào các văn bản luật cấp cao và mở ra những cơ chế hỗ trợ ổn định, xuyên suốt. Nhưng với khởi nghiệp sáng tạo và những bằng chứng mà hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo đang tạo ra, người ta có thể hy vọng vào một hành trình ngắn hơn.