Dù nói nhiều về những cơ chế quản lí thử nghiệm có kiểm soát (Sandbox) để tạo động lực cho các loại hình kinh tế mới, nhưng phản ứng của Việt Nam lại khá chậm chạp.

Ảnh: Istock.
Ảnh: Istock.

Khoảng trống pháp lý


Sandbox là một công cụ thử nghiệm có kiểm soát, tại đó một số mô hình kinh doanh hoặc công nghệ hoặc sáng kiến mới nổi có thể được thử nghiệm trong một khoản thời gian và không gian nhất định mà không đòi hỏi tuân thủ toàn bộ các quy định hiện hành.

Tại Việt Nam, cách tiếp cận Sandbox đã được đề cập trong phân khúc công nghệ từ năm 2017. Sau sáu năm, hai ‘sandbox’ ra đời là Taxi công nghệ (từ 1/2016 đến 1/2018) và Mobile Money (từ 3/2021 đến 12/2024) đã tạo điều kiện cho các công ty công nghệ như Grab, Be tham gia vào hoạt động kinh doanh vận tải thông qua cung cấp app kết nối giữa tài xế với người dùng. Hoặc các công ty viễn thông như Viettel, Mobifone, Vinaphone được cung cấp dịch vụ thanh toán cho các loại hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ - lĩnh vực trước đây vốn chỉ do các tổ chức tín dụng độc quyền.

Tuy nhiên, một số nhà quan sát cho rằng đó mới chỉ là các cơ chế thí điểm ‘có dáng dấp của sandbox’ nhưng không thực sự là sandbox. Trong một bài báo phân tích trên Tia Sáng năm ngoái, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông (IPS) cho rằng các sandbox này mới dừng lại ở thí điểm kinh doanh của một hoặc một vài doanh nghiệp chứ chưa ‘thí điểm pháp lý’, tức là chưa xác lập một bộ quy định chính thức để điều chỉnh có thời hạn các doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia. Ông cho rằng các bộ ngành mới chỉ giám sát hoạt động kinh doanh của các startup/doanh nghiệp tham gia như một ‘trường hợp cá biệt’ chứ chưa phát triển các quy định, dù là mang tính tạm thời, cho các mô hình kinh doanh và công nghệ mới.

Tương tự, báo cáo “Dòng chảy pháp luật kinh doanh năm 2021” của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)đã dành hẳn một chương để đánh giá về các quy định sandbox hiện có và chỉ ra ba điểm yếu, bao gồm các cơ chế thí điểm hiện nay không thực sự “miễn trừ” quy định của pháp luật. “Ý tưởng của việc xây dựng sandbox là cho phép doanh nghiệp được miễn thực hiện những nghĩa vụ nhất định. Nhìn vào các cơ chế thí điểm đã có, dường như các cơ chế này đang cố tạo ra không gian bổ sung bên cạnh các quy định sẵn có, thay vì “phá bỏ” các quy định này”, VCCI nhận định.

Với sự chậm trễ của khung pháp lý hiện hành, nhiều hoạt động khởi nghiệp công nghệ của Việt Nam ở trong vùng xám nhiều năm. Các công ty fintech (P2P lending, blockchain, tiền điện tử…) nhìn chung dễ bị rủi ro pháp lý và thường lựa chọn đăng ký kinh doanh tại nước ngoài. Dù vậy, các công ty này vẫn cung cấp dịch vụ tại Việt Nam, kéo theo việc tạo ra các thị trường phi chính thức, kèm với đó là sự gia tăng nguy cơ lừa đảo tài chính, các tác nhân tham gia thị trường không được bảo vệ và có thể xói mòn niềm tin.

.
.

Một số công nghệ mới như máy bay không người lái (drones, UAV…) cũng đang gặp khó khăn trong việc xin cấp phép thử nghiệm, cấp phép bay và quản lý hoạt động bay trong nước, mặc dù những ứng dụng của chúng có thể mở ra cơ hội lớn cho nhiều lĩnh vực khác như nông nghiệp, lâm nghiệp, năng lượng, cứu hộ cứu nạn, văn hóa-du lịch v.v

Ngược lại, các công ty AI đang phát triển một cách rực rỡ và ít gặp phải các rào cản. Hàng loạt ứng dụng AI đang được triển khai trên các hệ thống y tế, giáo dục, tài chính và tư pháp mà không có chính sách hoặc quy định AI bao quát nào hướng dẫn việc áp dụng công nghệ hoặc giảm thiểu rủi ro vốn có, hoặc trả lời những câu hỏi hóc búa về đạo đức phát sinh từ việc áp dụng công nghệ.

Cởi trói cho khu vực công

Trên thực tế, các sản phẩm, dịch vụ mới không phải lúc nào cũng vi phạm các quy định pháp luật hay bị cấm. Đôi khi chỉ là do chúng quá mới mẻ nên luật pháp chưa có quy định phù hợp. Để đối phó với tầng tầng lớp lớp các quy định phức tạp có thể ảnh hưởng đến những doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ loại này, một số nhà làm luật đã nghĩ đến sandbox như một lối thoát khỏi vòng lặp chính sách “con gà-quả trứng”.

Nhưng vì sao đến giờ Việt Nam vẫn chưa có sandbox đúng nghĩa, dù mô hình này có rất nhiều ưu điểm? Có hai lý do chính giải thích cho sự chậm trễ.

Đầu tiên, đây là lĩnh vực mới chưa có tiền lệ. Trong hội thảo quốc tế về cơ chế thí điểm cho các mô hình kinh tế mới tại Bộ KH&CN cuối tuần trước, khi nói về phản ứng chính sách của các quốc gia trước sự xuất hiện của mô hình kinh tế chia sẻ như Grab hay AirBnB, TS. Chu Thị Hoa, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Pháp lý, Bộ Tư pháp, đánh giá rằng Việt Nam ở dạng “ủng hộ” - muốn loại bỏ các rào cản pháp lý, khuyến khích những mô hình mới” - và không phải là nước quá bảo thủ. Tuy nhiên, Việt Nam chỉ chuyển sang tìm cách hỗ trợ cái mới, sau khi thấy các nước đã áp dụng thành công.

Thêm vào đó, việc tạo ra và quản lý sandbox đòi hỏi rất nhiều thử nghiệm “ném đá dò đường”. Khi ban hành sandbox sàn giao dịch tiền ảo DigiFT vào năm ngoái, Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) phải liên tục cập nhật các chính sách quản lý của mình, trung bình ba tháng một lần, vì họ phải vừa học vừa theo sát những thay đổi của công nghệ và thị trường. Ở Việt Nam, các nhà quản lý thường đòi hỏi bằng chứng kết quả rõ ràng trước khi đưa ra một thay đổi lớn. Họ cũng phải đối mặt với những thách thức trong việc tạo ra các khuôn khổ mới do sự phức tạp về pháp lý khi điều chỉnh mối quan hệ tam giác giữa các bên liên quan và thiếu kinh nghiệm đối phó với các công nghệ mới nổi.

Có thể dự đoán, hầu hết các doanh nghiệp startup đều ủng hộ cách tiếp cận “tự do” đối với quy định, trong khi các công ty truyền thống ủng hộ một môi trường quy định trung lập, nhất quán hơn. Nhà quản lý đứng ở giữa phải tìm được điểm cân bằng giữa cởi trói pháp luật và thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đồng thời xử lý được mâu thuẫn giữa dịch vụ truyền thống và dịch vụ mới.

Lý do quan trọng thứ hai là bản thân những đơn vị xây dựng sandbox cũng ngại rủi ro cho chính mình. Tâm lý e sợ trách nhiệm giữa các nhà hoạch định chính sách và các cơ quan chính phủ khiến họ miễn cưỡng thay đổi quy định do không lường trước được những hậu quả, đặc biệt khi không chắc chắn về tác động của chúng đối với các hệ thống và ngành công nghiệp hiện có. Hơn nữa, khoa học công nghệ đang tiến bộ quá nhanh và tạo ra hàng loạt sản phẩm mới mà chỉ 3-5 năm trước đây không ai hình dung nổi. Vì vậy, các nhà quản lý có thể thích một cách tiếp cận dần dần và thận trọng hơn.

Ở đây cũng có một sự tranh luận về việc ai sẽ quản lý sandbox. Một số cho rằng cần một văn phòng chung, kết nối giữa các bộ để thực hiện chức năng ‘một cửa’ tiếp nhận hồ sơ đăng ký sandbox, cấp phép thực hiện và giám sát thực thi các hồ sơ được cấp phép thử nghiệm. Một số khác cho rằng việc vận hành sandbox phải là bộ chuyên ngành mới có thể làm hiệu quả và vấn đề nào thì để bộ đấy quản lý. Tuy nhiên, tất cả đều thống nhất rằng, dù thế nào đi chăng nữa, cần phải có điều kiện miễn trừ trách nhiệm trong sandbox không phải cho doanh nghiệp mà cho cơ quan quản lý và triển khai sandbox đó.

TS. Chu Thị Hoa tiết lộ rằng bà đang cùng một nhóm xây dựng Nghị định cho Chính phủ quy định về sandbox (nghị định không đầu). Nó dự kiến cung cấp các hướng dẫn và thẩm quyền miễn trừ cho các cơ quan an tâm thực hiện.
-----

Hai cấp độ sandbox gợi ý cho Việt Nam

1. Sandbox Complex: đây là mô hình dành cho ý tưởng kinh doanh phức tạp, rủi ro cao. Theo đó, các startup phải thực một quy trình đăng kí tham gia được quy định rất chặt chẽ và chi tiết trước khi chờ đợi sự chấp thuận áp dụng từ cơ quan chức năng. Sandbox Complex có thể xem xét áp dụng đối với các trường hợp phát hành token trong gọi vốn cho các start-up trong kinh tế chia sẻ hoặc dịch vụ cho vay ngang hàng P2P Lending;...

2. Sandbox Express: đây là mô hình dành cho các ý tưởng kinh doanh đơn giản, rủi ro thấp hoặc doanh nghiệp đã xuất hiện trên thị trường, dựa trên những nguyên tắc đã được đặt ra. Các doanh nghiệp đủ điều kiện có thể bắt đầu thử nghiệm trong môi trường được xác định trước của sandbox Express trong vòng 30 ngày kể từ khi đăng ký với cơ quan chuyên trách về sandbox của Việt Nam. Mô hình này có thể áp dụng đối với các trường hợp như các ứng dụng nền tảng AI trong giáo dục, y tế, ICT…

Trong thời gian thử nghiệm, các startup triển khai mô hình kinh doanh của mình dưới sự giám sát của cơ quan quản lý nhà nước và khi hết thời hạn được quy định trên, họ sẽ thoát khỏi khung pháp lý thử nghiệm và quay lại hoạt động dựa trên sự điều chỉnh của hệ thống pháp luật hiện hành. Trong một số trường hợp đặc biệt, khi thí điểm của sandbox tỏ ra thành công, cơ quan quản lý nhà nước có thể biến sandbox đó thành công cụ vĩnh viễn cho tất cả các công ty.