Doanh nghiệp xã hội (DNXH) được hiểu là mô hình kinh doanh được thành lập nhằm thực hiện các mục tiêu xã hội, và sử dụng lợi nhuận để tái đầu tư cho mục tiêu đó hoặc cho cộng đồng, thay vì tối đa hóa lợi nhuận cho cổ đông và chủ sở hữu.

Hiểu nôm na là vậy nhưng cho đến nay, khái niệm này chưa được người dân đến giới doanh nhân thấu hiểu và tiếp nhận nên DNXH thường gặp phải sự hoài nghi của các bên về bản chất và mục đích hoạt động.

Nguồn: vungocdung.info

Theo Nghiên cứu Doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam: Khái niệm, bối cảnh và chính sách của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, lâu nay xã hội đã quá quen với nếp nghĩ, hai loại hình hoạt động doanh nghiệp và chương trình xã hội không thể cùng tồn tại thống nhất trong một tổ chức.

Nhiều DNXH khi đăng ký dưới hình thức công ty (chuyển đổi từ quỹ, trung tâm) bị sụt giảm tài trợ, vì các nhà tài trợ cho rằng lập công ty là đã đủ tiền và chuyển hướng thương mại hóa. Việc thiếu đi sự tin tưởng và chấp nhận của cộng đồng tạo ra những rào cản nhất định cho các DNXH khi làm việc với các bên liên quan, làm gia tăng các chi phí về thời gian, nguồn lực, chi phí cơ hội và hạn chế khả năng tạo tác động tích cực, bền vững.

Hiện nay vẫn chưa có văn bản pháp quy nào quy định các hoạt động của DNXH cũng như chưa có loại hình doanh nghiệp hay địa vị pháp lý nào dành riêng cho mô hình này. Vì thế, các doanh nghiệp dạng này vẫn phải lựa chọn hoặc là hoạt động theo khung pháp lý của doanh nghiệp hoặc là hoạt động theo tổ chức NGO.

Việc lựa chọn hai hình thức hoạt động không giống với mong muốn để được hưởng các cơ chế ưu đãi hoặc tự do kinh doanh khiến cho DNXH gặp khó khăn trong vận hành và đạt được mục tiêu kinh tế, xã hội của mình. Trong khi đó, DNXH với quy mô nhỏ, khá non trẻ nên gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận các nguồn tài chính. Nguồn nhân lực của các DNXH còn thấp, do mong muốn giúp đỡ người yếu thế nên chấp nhận tuyển dụng người có trình độ thấp, người khuyết tật.

Từ thực tiễn DNXH ở Việt Nam, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, cần phải triển khai đồng bộ các giải pháp. Trong đó, DNXH thực sự cần sự hỗ trợ từ nhà nước. Kinh nghiệm thế giới cho thấy, khi nhà nước chuyển dần vai trò từ người cung cấp trực tiếp dịch vụ công sang vai trò là người đảm bảo cung cấp dịch vụ công thì DNXH sẽ được thúc đẩy phát triển. Để làm điều này, nhà nước cần thực hiện đấu thầu công khai, cạnh tranh để các DNXH tham gia cung cấp các sản phẩm và dịch vụ công ích như xử lý rác thải, bảo vệ môi trường....

Nhóm nghiên cứu cũng cho rằng, DNXH cần được tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để gia nhập thị trường và hoạt động. Để DNXH phát triển toàn diện, nhà nước cần hướng tới xây dựng hệ thống chính sách ưu đãi riêng biệt cho DNXH, bao gồm hỗ trợ thể chế, tài chính, hỗ trợ và đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hỗ trợ thông tin và tiếp thị cho DNXH....

Khi đã có những hỗ trợ về mặt chính sách thì việc thành lập quỹ phát triển DNXH gồm tài trợ từ ngân sách nhà nước và tổ chức thiện nguyện, nhà đầu tư xã hội là điều cần thiết.

Trong nhiều năm qua, các hoạt động kinh doanh xã hội vẫn đang tiếp tục phát triển, mở rộng và mong muốn mang tới một xã hội công bằng hơn. Là mô hình lai giữa doanh nghiệp và tổ chức xã hội, DNXH mong muốn có thể tự vận động, sáng tạo các phương thức kinh doanh, vận hành tạo ra lợi nhuận và quay trở lại phục vụ cộng đồng.