Nghiên cứu thực nghiệm trên 680 nhà sản xuất ở mười quốc gia khác nhau cho thấy áp lực về chứng nhận xanh đã đẩy mạnh đổi mới quy trình, giúp nâng cao vị thế doanh nghiệp cũng như các giải pháp phát triển bền vững.

Chứng nhận ISO 14001 cho thấy doanh nghiệp đảm bảo tuân thủ bộ các tiêu chuẩn về môi trường. Ảnh minh họa: MOIT
Chứng nhận ISO 14001 cho thấy doanh nghiệp đảm bảo tuân thủ bộ các tiêu chuẩn về môi trường. Ảnh minh họa: MOIT

Ngày nay, khi các nhãn hàng bắt đầu quan tâm hơn đến những cam kết môi trường thì chuỗi cung ứng xanh trở thành một trong những thành tố quan trọng để các nhà xuất khẩu cạnh tranh và có cơ hội lấy được đơn hàng.

Trong hai quý đầu năm 2023, Việt Nam đã đánh mất vị trí thống lĩnh và năng lực cạnh tranh trong ngành dệt may vào tay Bangladesh, trong đó có một phần nguyên nhân do chậm chuyển đổi xanh.

Mới đây, một nhóm các nhà khoa học đã xem xét 680 nhà sản xuất tại 10 quốc gia khác nhau - gồm Úc, Trung Quốc, Croatia, Hàn Quốc, Ireland, Hungary, Ba Lan, Đài Loan, Mỹ và Việt Nam - để tìm hiểu mối quan hệ giữa các áp lực để đạt chứng nhận xanh (Green Certification Pressure) với hiệu suất bền vững của doanh nghiệp.

Nghiên cứu được thực hiện bởi TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ môn Quản lý chuỗi cung ứng và logistics, Đại học RMIT Việt Nam, cùng các chuyên gia đến từ bốn trường đại học tại châu Âu và Úc.

Trong ngành sản xuất, chứng nhận xanh là bộ tiêu chuẩn lồng ghép các khía cạnh môi trường vào quá trình thiết kế và sản xuất sản phẩm. Các chứng nhận, ví dụ như ISO 14001, cho thấy doanh nghiệp đảm bảo tuân thủ những tiêu chuẩn về môi trường như giảm phát thải, tuân thủ mức độ sử dụng tài nguyên và nguyên liệu thô trong quy trình sản xuất, và tiết kiệm năng lượng.

“Tuy nhiên, nhiều trong số các chứng nhận về môi trường này mang tính tượng trưng hơn là triển khai trong thực tế”, các tác giả nhận xét. "Việc theo đuổi chứng nhận xanh không tự động đảm bảo tất cả các biện pháp bền vững, đặc biệt là về hiệu quả kinh doanh."

Nghiên cứu này cho thấy các áp lực về chứng nhận xanh có thể kích hoạt sự đổi mới quy trình (Process Innovation)và cuối cùng nâng cao vị thế và các biện pháp bền vững của các công ty.

Nói cách khác, đổi mới quy trình có thể làm trung gian cho mối quan hệ giữa các áp lực tuân thủ tiêu chuẩn xanh với hiệu quả kinh doanh và môi trường.

Thực tế, các nhà sản xuất có thể cảm thấy bất lợi nếu trực tiếp thực hiện chứng nhận xanh, tuy nhiên, khi họ nỗ lực tích lũy sự thay đổi thông qua đổi mới quy trình thì có thể nhận được kết quả đền đáp.

Nhiều công ty sản xuất xem những cơ hội thực hành chứng nhận xanh với các đối tác bên ngoài là động lực để chỉnh sửa đổi mới quy trình của họ.

Ví dụ, tập đoàn bán lẻ nội thất lớn nhất thế giới IKEA đã đặt ra các yêu cầu tối thiểu về tính thích ứng môi trường đối với những sản phẩm và nguyên vật liệu cho IKEA, cũng như bảo vệ rừng. Trước những áp lực này, các nhà cung cấp trong chuỗi cung ứng của IKEA buộc phải thay đổi để đáp ứng đòi hỏi từ phía đối tác.

TS. Hùng nhận xét: “Việc tìm kiếm và học hỏi các quy trình đổi mới sáng tạo mới, đồng thời nhanh chóng áp dụng các quy trình sạch hơn có thể là một giải pháp môi trường khả thi. Đổi lại, các công ty sản xuất cũng có thể hưởng lợi từ những cải tiến quy trình này, chẳng hạn như vận hành hiệu quả hơn (hàng ít lỗi và ít hoàn trả hơn), cải thiện chất lượng, giảm chi phí, và cuối cùng là sự chấp nhận của khách hàng”.

Sách RMIT 2022
Sách RMIT 2022

Những đúc kết về áp lực chứng nhận xanh nêu trên đã được đưa vào một chương trong cuốn sách có tiêu đề Business Innovation for the Post-pandemic Era in Vietnam (tạm dịch: Đổi mới doanh nghiệp trong thời kỳ hậu đại dịch ở Việt Nam) của nhà xuất bản Springer do các giảng viên RMIT Việt Nam biên tập.

Đây là tuyển tập các nghiên cứu được rút ra từ hội thảo quốc tế về đổi mới kinh doanh năm 2022 tại RMIT Việt Nam.

Theo TS. Nguyễn Hoàng Thuận, Chủ nhiệm bộ môn Kinh doanh kỹ thuật số và là đồng chủ biên cuốn sách, “các chương sách đề cập nhiều chủ đề trong đổi mới kinh doanh, trong đó có khởi nghiệp, chuyển đổi chuỗi cung ứng kỹ thuật số, dịch vụ chính phủ điện tử, công nghệ blockchain, chatbot marketing, nghịch lý cá nhân hóa-quyền riêng tư trong marketing, chuỗi cung ứng, sản xuất bền vững, quản lý logistics và an toàn thực phẩm”.

Điều này có thể giúp ích cho việc tăng cường đổi mới sáng tạo doanh nghiệp tại Việt Nam, ông nói thêm.