Quần thể các loài cá nước ngọt trên thế giới, từ cá da trơn đến cá đuối gai độc, đã giảm 97% kể từ năm 1970.

Cá da trơn khổng lồ sông Mê Kông được phân loại cực kỳ nguy cấp, trên bờ vực tuyệt chủng.

Theo nghiên cứu toàn diện đầu tiên về vấn đề này, quần thể những động vật lớn từng thống trị các sông và hồ trên thế giới đã bị sụp đổ trong 50 năm qua.

Một số loài động vật nước ngọt lớn đã được tuyên bố tuyệt chủng, chẳng hạn như cá heo Trường Giang, và nhiều loài khác đang ở bên bờ vực tuyệt chủng, từ cá da trơn khổng lồ sông Mê Kông, cá đuối gai độc đến cá sấu Ấn Độ, cá tầm châu Âu. Chỉ còn ba con rùa khổng lồ Trung Quốc còn sống sót và tất cả đều là con đực. Trên khắp châu Âu, Bắc Phi và châu Á, dân số các loài động vật nước ngọt lớn đã giảm 97% kể từ năm 1970.

Việc giết hại động vật để lấy thịt, da và trứng là nguyên nhân của sự suy giảm. Cùng với đó, loài người ngày càng "khát" nguồn nước ngọt sử dụng cho cây trồng, xây nhiều đập và làm cho tình trạng ô nhiễm ngày càng lan rộng. Các nhà khoa học đã đánh giá 126 loài ở 72 quốc gia và tìm thấy số lượng động vật nước ngọt lớn đã giảm trung bình 88%.

Nhiều sinh vật là loài chủ chốt trong hệ sinh thái, chẳng hạn như hải ly, và các nhà nghiên cứu cho biết nếu những loài này mất đi sẽ ảnh hưởng đến tất cả các loài động vật, thực vật và sinh kế của hàng triệu người sống phụ thuộc vào dòng nước.

Zeb Hogan từ Đại học Nevada, Hoa Kỳ, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết: "Kết quả này là một hồi chuông cảnh tỉnh cho chúng tôi về tình trạng của các loài này. Nhiều loài có nguy cơ tuyệt chủng, và hầu hết cần sự giúp đỡ của chúng ta. Những loài này cần được bảo vệ trước khi quá muộn".

Sông Mê Kông ở Đông Nam Á là nơi sinh sống của nhiều loài cá khổng lồ hơn bất kỳ dòng sông nào khác trên Trái đất và Hogan đã làm việc ở đó trong hai thập kỷ. Nhưng ông nói rằng dân số các loài này ở sông Mekong đã giảm xuống gần như bằng không khi dân số loài người tăng nhanh và gây áp lực lên môi trường.

Sông Mê Kông cũng là nhà của loài cá da trơn lớn nhất thế giới, có thể nặng gần 300kg, và là loài cá chép và cá đuối nước ngọt lớn nhất. Tất cả các loài này bây giờ được phân loại là cực kỳ nguy cấp, trên bờ vực tuyệt chủng.

Một ngư dân Campuchia cầm một con cá đuối khổng lồ.

Nhưng không chỉ ở Mekong, sự mất mát nhanh chóng của những động vật lớn sông - được định nghĩa là loài nặng hơn 30kg - đang xảy ra trên khắp thế giới.

"Cá tầm, một thời rất phổ biến ở châu Âu, đã bị tuyệt chủng ở tất cả các con sông lớn ở châu Âu, ngoại trừ loài Garonne ở Pháp", theo báo cáo của các nhà nghiên cứu trên tạp chí Global Change Biology. Phạm vi của loài này đã bị thu hẹp tới 99%.

Hải ly Á-Âu, một kỹ sư môi trường quan trọng, cũng suy giảm nghiên trọng, mặc dù đang được bảo tồn ở Vương quốc Anh, Cộng hòa Séc, Estonia, Phần Lan và các nơi khác.

Sự leo thang của các mối nguy hiểm đối với các loài cá khổng lồ trong các lưu vực như Amazon, Congo và Mekong do sự bùng nổ trong xây dựng đập thủy điện là rất đáng lo ngại. Động vật lớn thường cần phạm vi lớn để sinh sống, và đập thủy điện ngăn chặn các tuyến đường di cư và tiếp cận với khu vực kiếm ăn. Do sự can thiệp của đập thủy điện, hai phần ba số sông lớn trên thế giới không còn chảy tự do.

Động vật nước ngọt đang suy giảm nhanh hơn nhiều so với động vật trên cạn và việc mất đi các loài này cũng gây nguy hiểm cho các sinh vật và thực vật nhỏ hơn. Sự gián đoạn của chuỗi thức ăn, cũng như việc mất các hồ được duy trì bởi hải ly và cá sấu đang gây ra nhiều thiệt hại.

"Suy giảm đa dạng sinh học là một trong những thách thức lớn nhất đối với hành tinh của chúng ta, dẫn đến sự xói mòn các hệ sinh thái, thiếu thực phẩm và nước sạch và đe dọa sức khỏe của con người", các nhà nghiên cứu cảnh báo.

Một số nhà khoa học nghĩ rằng Trái đất đang bước vào kỳ tuyệt chủng hàng loạt thứ sáu, lần đầu tiên tuyệt chủng hàng loạt gây ra bởi một loài - con người - chứ không phải là những thay đổi của hành tinh. Vào tháng 5, một báo cáo khác cũng cảnh báo sự hủy diệt động vật hoang dã đang làm xói mòn nền tảng của các nền kinh tế, sinh kế, an ninh lương thực, sức khỏe và chất lượng cuộc sống trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, nghiên cứu mới nhắc đến một số thành công từ kết quả của những nỗ lực bảo tồn bền bỉ, bao gồm sự gia tăng dân số hai loài cá tầm ở Mỹ, hải ly Mỹ và cá heo sông Irrawaddy châu Á - mặc dù loài cá heo này vẫn đang được xếp vào nhóm dễ bị tổn thương.

Nguồn: