Theo ước tính, khoảng 197 tỷ tấn băng trên bề mặt của Greenland đã tan chảy vào Đại Tây Dương trong tháng 7/2019.

Ảnh: Joe Raedle.
Ảnh: Joe Raedle.

Thời điểm băng tan nhiều nhất là ngày 31/7 với khối lượng lên tới 10 tỷ tấn. Đây là một trong những đợt mất băng trầm trọng nhất của Greenland kể từ năm 2012, khi 97% lớp băng trên bề mặt có hiện tượng tan chảy.

Riêng lượng băng tan trong tháng 7 cũng đủ để làm tăng mực nước biển trung bình toàn cầu thêm 0,5mm.

“Mực nước biển ngày càng dâng cao có thể nhấn chìm nhiều vùng đất thấp và khu vực đông dân cư ven biển”, các chuyên gia tại Cơ quan Hải dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ (NOAA) cảnh báo.

Hiện tượng băng tan ồ ạt lần này xảy ra sau một đợt nắng nóng kéo dài xảy ra trên khắp châu Âu, tạo nên mức nhiệt kỷ lục ở Pháp và ảnh hưởng tới Greenland. Tháng 6 năm nay cũng là tháng 6 nóng nhất từng được ghi nhận trong lịch sử.

Đây là dấu hiệu cho thấy Trái đất đang nóng lên không ngừng. Hiện tượng này xảy ra một phần là do nồng độ khí nhà kính CO2 trong khí quyển tăng cao, chạm ngưỡng chưa từng thấy trong 800.000 năm qua [vượt qua mức 415 ppm].