Những câu hỏi thường gặp liên quan đến hoạt động biên tập, phản biện và xuất bản khoa học vừa được thảo luận trong sự kiện bàn tròn đầu tiên do Chi hội Việt Nam của Hiệp hội Các nhà biên tập khoa học Châu Âu tổ chức.


Bàn tròn được tổ chức trực tuyến với sự tham gia của 40 nhà khoa học. (Ảnh do PGS.TS. Nguyễn Tiến Trung cung cấp)

Tối 17/6, sự kiện “Bàn tròn học thuật: Quốc tế hóa hoạt động biên tập, phản biện và xuất bản khoa học-những yêu cầu và thách thức mới” đã diễn ra trên nền tảng hội họp trực tuyến Zoom với sự tham dự của hơn 40 nhà khoa học, biên tập viên và các nhà quản lý khoa học. Đây là hoạt động bàn tròn đầu tiên được tổ chức kể từ khi Chi hội Việt Nam của Hiệp hội Các nhà biên tập khoa học Châu Âu (European Association of Science Editors-EASE) được thành lập vào ngày 25/2/2019. Sự kiện nằm trong khuôn khổ chuỗi sự kiện học thuật nhân Đại hội lần thứ 15 của Hiệp hội EASE.

Sau khi Chủ tịch của Hiệp hội EASE - Duncan Nicholas - gửi lời chào tới Chi hội EASE Việt Nam và giới thiệu các hoạt động sắp tới của Hiệp hội, người tham dự đã được nghe hai bài trình bày về công tác biên tập của một tạp chí quốc tế tại Việt Nam và một tạp chí hàng đầu thế giới. Trong đó, NCS. Huỳnh Lưu Đức Toàn - Phó tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh Châu Á JABES (Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh) - cung cấp những thông tin hữu ích về tạp chí khối ngành kinh tế đầu tiên của Việt Nam vào danh mục trích dẫn ESCI; còn TS. Lê Hồng Đức, biên tập viên cao cấp của The Lancet, chia sẻ những kinh nghiệm về việc làm thế nào để công bố quốc tế với bài trình bày “How to get published? Insight from a medical editor”.

Ở phần thảo luận bàn tròn, các chủ đề được người tham dự quan tâm trải dài từ các lưu ý, kinh nghiệm trong việc nộp bài cho tới kinh nghiệm vận hành một tạp chí khoa học, hay xu hướng truy cập mở của xuất bản học thuật.

Trong đó, câu hỏi về lý do các tạp chí ra quyết định desk-reject (từ chối bản thảo ngay từ đầu) đã mở ra một tranh luận thú vị về tầm quan trọng của việc định dạng bản thảo. Từ trải nghiệm cá nhân khi nộp bài cho các tạp chí quốc tế lẫn theo kinh nghiệm làm biên tập viên cho tạp chí JABES, anh Huỳnh Lưu Đức Toàn cho rằng việc không trình bày bản thảo đúng theo các yêu cầu định dạng của nhà xuất bản/tạp chí là một yếu tố quan trọng dẫn tới quyết định từ chối ngay từ đầu này. Tuy nhiên, TS. Lê Hồng Đức cho rằng đây là điểm mà các tác giả có thể chỉnh sửa sau này, các yếu tố khác như tính mới lạ của nghiên cứu sẽ được coi trọng hơn đối với các tạp chí y khoa như The Lancet. Tiêu chuẩn để từ chối bản thảo, trong kinh nghiệm của TS. Phạm Hùng Hiệp, Giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu EdLab Asia, thì có phần linh hoạt hơn khi mức độ khắt khe phụ thuộc vào chất lượng và xếp hạng của tạp chí. Nhưng các khách mời đều đồng quan điểm về hai lý do dẫn đến desk-reject, đó là bài báo có chủ đề không phù hợp với phạm vi của tạp chí và có phương pháp nghiên cứu chưa chặt chẽ.

Một vấn đề khác được người tham dự quan tâm là liệu các biên tập viên và người phản biện có bị ảnh hưởng bởi các thiên kiến xuất phát từ các thông tin bên lề về người nộp bài hay không, với hai trường hợp được nêu ra để bàn luận gồm việc đồng tác giả với các tên tuổi lớn và việc tác giả đến từ các khu vực có nhiều nghi vấn gian lận và vi phạm đạo đức. TS. Lê Hồng Đức khẳng định, tất cả các yếu tố đó đều không ảnh hưởng tới đánh giá của anh về nghiên cứu. Anh cho biết, việc tác giả là chuyên gia đầu ngành của lĩnh vực chỉ quan trọng khi đó là một bài báo tổng quan (review). Còn việc đánh giá vi phạm đạo đức nghiên cứu thì dựa hoàn toàn vào các bằng chứng ghi nhận được khi xem xét bài báo, không liên quan tới quốc gia của nhà nghiên cứu. TS. Lê Hồng Đức cũng chia sẻ một thiên kiến có phần “tích cực” khi tiếp nhận bản thảo của các tác giả đến từ các quốc gia có nền nghiên cứu kém phát triển hơn bởi việc có các dữ liệu từ các khu vực đó rất đáng quý.

Về nguy cơ nộp bài vào tạp chí bị ngừng chỉ mục khỏi hai cơ sở dữ liệu uy tín là ISI và Scopus, các diễn giả khách mời đều lưu ý các nhà khoa học cần xem xét kỹ lưỡng thời điểm một tạp chí bắt đầu được vào các danh mục đó cũng như thời điểm bị ngừng chỉ mục. Là một thành viên của quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia NAFOSTED, GS.TS Trần Trung - Giám đốc Học viện Dân tộc, Phó Chủ tịch Chi hội EASE Việt Nam - chia sẻ, cả Hội đồng của Quỹ lẫn thông lệ quốc tế đều chỉ xem xét và đánh giá dựa trên ngày mà bài báo được đưa vào một số (issue), quyển (volume) của tạp chí. TS. Phạm Hùng Hiệp thì nêu một số kinh nghiệm cá nhân trong việc tránh nộp bài vào các tạp chí bị ngừng chỉ mục hoặc có nguy cơ ngừng chỉ mục như cần liên tục cập nhật danh sách các tạp chí bị ngừng chỉ mục của Scopus, thận trọng với các tạp chí có các hành vi bất thường sau khi đã được vào các danh mục uy tín như tăng số lượng bài báo trong một số lên quá nhiều hoặc xuất bản nhiều bài báo không phù hợp với phạm vi của tạp chí.

Thảo luận cuối cùng của chương trình là về xu hướng truy cập mở của xuất bản học thuật. Cụ thể, người tham dự băn khoăn về các ý kiến cho rằng các tạp chí mở thường là các tạp chí kém chất lượng. TS. Lê Hồng Đức nhận định, mặc dù xét tổng thể, các tạp chí mở thường có hệ số ảnh hưởng thấp hơn các tạp chí có thu phí người đọc, tuy vậy không phải tất cả các tạp chí mở đều là tạp chí kém chất lượng. Để đánh giá một tạp chí mở có uy tín hay không, các nhà khoa học có thể xem xét danh tiếng của nhà xuất bản của tạp chí đó, kiểm tra trong danh mục DOAJ (danh mục dành riêng cho các tạp chí mở) và tìm hiểu về ban cố vấn của tạp chí.

Bên cạnh các thảo luận xoay quanh chủ đề xuất bản khoa học, các khách mời cũng chia sẻ một số hiểu biết cá nhân về phương pháp nghiên cứu, các gợi ý để nâng cao năng suất công bố quốc tế và xây dựng mạng lưới học thuật.

Chương trình hội thảo chính trong đại hội lần thứ 15 của EASE (15th EASE General Assembly and Conference) sẽ được diễn ra trực tuyến từ ngày 23 đến 25 tháng 6 trên nền tảng Zoom với chủ đề: “Thúc đẩy tính bền vững trong xuất bản học thuật: vai trò của các biên tập viên”. Các nhà khoa học quan tâm có thể tìm hiểu thêm tại: https://ease.org.uk/ease-events/15th-ease-conference-2021/