Nhà khoa học, với tất cả nỗ lực của mình, cũng chỉ có thể dừng lại ở việc nghiên cứu, công bố còn cộng đồng mới chính là những người hằng ngày tiếp xúc với di sản và hưởng lợi từ giữ gìn những giá trị của di sản.

Người dân được tập huấn và tham gia thực hiện những thao tác đơn giản trên công trường khai quật di tích mộ cổ Việt Yên. Nguồn: Bộ môn khảo cổ học
Người dân được tập huấn và tham gia thực hiện những thao tác đơn giản trên công trường khai quật di tích mộ cổ Việt Yên. Nguồn: Bộ môn khảo cổ học

Khảo cổ học cộng đồng chính là việc người dân được tham gia vào công tác khảo cổ và thu lợi từ việc giữ gìn những giá trị khảo cổ. Ở Việt Nam, khái niệm này vẫn còn xa lạ, bởi thế cứ vài tháng chúng ta lại nghe tin di sản này bị xâm hại, di sản kia bị phá bỏ. Trong bối cảnh đó, một ngôi làng nhỏ ở phía Tây Hà Nội thuộc xã Đông Yên, huyện Quốc Oai đã làm được những việc chưa từng có.

Mọi chuyện bắt đầu vào một buổi sáng mùa đông 2 năm trước…

Phát hiện bất ngờ

Không khí lao động vẫn nô nức trên công trường dự án trùng tu, tôn tạo đình làng Việt Yên dù đã là những ngày giáp Tết Mậu Tuất. Dự án đã đi được hai phần ba quãng đường: xong công trình Đình Hạ, hai nhà Tả Vu, Hữu Vu cùng mộ Mai Trang công chúa và đang tiến đến hạng mục cuối cùng hạng mục quan trọng nhất: Đình Thượng. Qua khảo sát của các nhà khảo cổ học, góc Đông Bắc của gò còn một hàng đá ong là dấu vết còn lại của bó nền cũ, trên mặt gò còn nhiều viên ngói và các mảnh gốm sứ thời Lê Trung Hưng. Đó là chứng tích còn sót lại của một ngôi đình to lớn và kiên cố, là nơi nương tựa về tinh thần cho toàn thể dân làng Việt Yên bao đời.

Sáng hôm ấy, như đã dự tính, công nhân điều khiển máy xúc tới để tiến hành đào móng xây đình, khi máy xúc đào tới độ sâu 50cm thì từ trong lòng đất lộ ra một hàng gạch xếp thành vòm cuốn. Không ai biết thứ vừa xuất lộ là gì, quyết định ngừng mọi hoạt động thi công được đưa ra.

Bằng chiếc xe máy cũ đã trầy xước, ông Đỗ Hữu Dự, một cán bộ xã không biết đã đi bao nhiêu vòng từ làng từ xã lên huyện để trình báo sự việc và xin một phương án giải quyết. Trong suốt thời gian chính quyền huyện tìm phương án xử lý, việc xây đình phải tạm hoãn, người dân phủ bạt che di tích khỏi nắng mưa xâm hại.

Cơ duyên bất ngờ đến khi một người con của quê hương Việt Yên về thăm nhà vào đình và nhận ra đây là một di tích mộ gạch thời Hán. Chị liên hệ với Viện Bảo tồn di tích để trình báo sự việc và rồi thông tin được chuyển tới bộ môn Khảo cổ học, khoa Lịch Sử, trường ĐHKHXH&NV.

Nhà khảo cổ học khai quật, kinh phí do dân làng đóng góp

Sau khi biết di tích xuất lộ là mộ táng, nhiều người cho rằng đó chính là mộ của Mai Trang công chúa, một người có công với làng đã được ghi chép trong sắc phong còn lưu tại Đình Hạ. Đầu năm 2018, ông Dự lái chiếc xe máy cũ lên Hà Nội để gặp gỡ các nhà khảo cổ trong Bộ môn Khảo cổ học.

Trước đề nghị chân thành của thôn Việt Yên, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn phối hợp với Ban Quản lí Di tích Danh thắng Hà Nội tiến hành cuộc khai quật khẩn cấp di tích mộ gạch Việt Yên. Toàn bộ kinh phí khai quật và nghiên cứu do người dân thôn Việt Yên đóng góp.

Trong các cuộc khai quật khảo cổ học, chi phí nhân công thường chiếm gần một nửa tổng kinh phí, bên cạnh đó chi phí ăn ở của cán bộ cũng là một khoản không nhỏ. Thế nhưng, trong cuộc khai quật di tích mộ gạch Việt Yên, các khoản phí này đều tính bằng con số 0. Không ai bảo ai, dân làng tự giác tổ chức phân công mỗi ngày từ 15-20 người làm việc trên công trường. Trong một tháng khai quật, thôn Việt Yên đã đóng góp hơn 500 công lao động.“Công trường không lúc nào vắng người. Các cụ già sức yếu không đi làm được cũng đến động viên, đun nước pha chè cho đoàn”, anh Bùi Văn Sơn, cán bộ của Bộ môn khảo cổ kể lại.

Để giải quyết vấn đề ăn ở cho đoàn cán bộ nghiên cứu trong những ngày lưu trú tại địa phương, ông Dự đã tự nguyện nhường một phần nhà ở để làm nơi ở cho cán bộ. Vợ chồng ông Sỹ Danh Viện nhận nấu ăn ngày ba bữa.

Trước sự nhiệt tình của nhân dân làng Việt Yên, đoàn khai quật đã làm việc cật lực trong đúng một tháng giữa cái nắng gay gắt tháng 6. Phương pháp khai quật được xác định là mở hố lần theo hướng di tích xuất lộ để làm lộ toàn bộ kết cấu của ngôi mộ, sau đó phần trong lòng mộ được đào từng lớp với độ dày 20cm mỗi lớp, giữ lại các lớp gạch đổ để đánh giá mức độ ảnh hưởng và quá trình tác động đến lòng mộ qua thời gian. Các lớp đào được xử lí đến nền mộ thì kết thúc.

Toàn cảnh di tích từ trên cao nhìn xuống. Nguồn: Bộ môn Khảo cổ học
Toàn cảnh di tích từ trên cao nhìn xuống. Nguồn: Bộ môn Khảo cổ học

Kết quả khai quật đã làm lộ toàn bộ kết cấu ngôi mộ, xác định niên đại mộ vào khoảng thế kỉ I-III sau Công nguyên. Lòng mộ dài 13m, chia làm 3 phòng và 1 nhĩ thất nhỏ ở trong cùng. Trụ cửa xếp bằng gạch hình chữ nhật, cứ hai viên dọc thì tiếp đó là hai viên ngang. Các viên gạch có tỉ lệ dài:rộng:dày là 4:2:1 nên việc xếp như vậy tạo ra một hình vuông hoàn hảo. Sau cửa là tiền thất dài 2.2m, rộng 2.92cm, tường hai bên được xếp gạch chữ nhật có hoa văn. Nối tiếp tiền thất là trung thất, thường là nơi đặt quan tài. Trung thất mộ Việt Yên có kích thước dài 2.82m, rộng 3.3m, rộng hơn tiền thất một hàng gạch. Mái vòm trung thất còn một phần, xếp bằng gạch múi bưởi. Hai góc phía Nam của trung thất có hai viên gạch được xếp nhô ra ½ viên để làm nơi đặt đèn trong những ngày giỗ chạp. Ngăn giữa trung thất và hậu thất cũng là một trụ gạch như cửa mộ, nhưng có thêm 2 viên gạch nhô ra để đặt đèn. Hậu thất là phần có chiều dài lớn nhất: 5.7m, trong đó cũng có trụ gạch làm chức năng gia cố. Nhĩ thất được làm trực tiếp vào tường Nam, phần vòm được xếp gạch múi bưởi.

Mộ được xây dựng bằng kĩ thuật xếp gạch, không dùng chất kết dính, không vôi vữa. Gạch xây mộ có kích thước khá đồng đều, hoa văn trang trí đa dạng với 17 loại hoa văn như ô trám lồng, ô trám đơn, gân lá, đường tròn đồng tâm…thể hiện một trình độ tư duy thẩm mỹ cao.

Gạch xây mộ. Nguồn: Bộ môn khảo cổ học
Gạch xây mộ. Nguồn: Bộ môn khảo cổ học

Cuộc khai quật này đã chứng minh Việt Yên là một vùng đất cổ, có cư dân sinh sống lâu đời đồng thời thể hiện quá trình giao lưu và tiếp xúc văn hóa Việt-Hán thời cổ đại. Trong nghiên cứu khảo cổ học, di tích mộ cổ là một ví dụ để nghiên cứu so sánh đặc trưng và các giai đoạn phát triển của táng tục và kĩ thuật xây dựng trong mối quan hệ với các di tích khảo cổ khác. Di tích cũng là một bằng chứng để nghiên cứu về sự phân hóa xã hội bởi quy mô hoành tráng của mộ chứng tỏ gia thế và sự giàu có của chủ nhân.

Điều bất ngờ nhất

Tháng 7 năm 2018, trước đại diện Sở Văn hóa, chính quyền địa phương và đông đảo người dân làng Việt Yên, đoàn khai quật báo cáo kết quả khai quật khẩn cấp di tích mộ gạch Việt Yên và đề xuất các phương án bảo tồn như sau:

Phương án 1: Xây dựng một gầm bê tông hoặc bằng các vật liệu kiên cố để che toàn bộ di tích đã xuất lộ, tránh cho việc tiếp xúc trực tiếp với các tác động từ tự nhiên, kết cấu này phải đủ vững chắc để xây đình Thượng ở phía trên. Do đó việc thiết kế và bố trí đình Thượng phải tính đến bảo tồn tốt nhất mộ cổ nằm ở phía dưới. Trong quá trình thi công hầm bê tông, phải lấp cát toàn bộ phần di tích đã xuất lộ để việc thi công hầm bê tông không gây ảnh hưởng đến di tích đã xuất lộ, sau khi hoàn thành mới tiến hành bỏ lớp cát ra, hiện vật được trưng bày trực tiếp trong lòng mộ.

Phương án 2: Lấp lại nguyên trạng ngôi mộ cổ và xây dựng đình Thượng lên trên, một số hiện vật sẽ được trưng bày tại khu vực đình, thông tin về di tích được trưng bày thông qua bản ảnh, bản vẽ, bản trích. Tuy nhiên, phương án này sẽ làm giảm tính hấp dẫn của di tích và không phát huy được hết các giá trị của di tích.

Phương án 3: Di rời toàn bộ ngôi mộ ra một vị trí khác và tiến hành lắp ghép lại làm thành nơi trưng bày riêng như cách mà Bảo tàng Hải Dương trưng bày mộ gạch Vũ Xá. Tuy nhiên, phương án này tốn thời gian, công sức và tiền bạc đồng thời làm tăng mật độ kiến trúc của khu đình.

Sau rất nhiều thảo luận, cân nhắc, chính quyền địa phương đã đưa ra một phương án khiến ai nấy đều bất ngờ: Chấp nhận chuyển dịch vị trí tòa bái đường của đình Thượng sang phía Tây, toàn bộ khu mộ sẽ nằm trong sân đình và việc xây dựng sẽ không làm ảnh hưởng tới di tích. Thôn cũng đưa ra phương án vừa bảo tồn vừa trưng bày ngôi mộ, biến đây trở thành điểm tham quan, giáo dục lịch sử địa phương cho thế hệ thanh thiếu niên quê hương Việt Yên và du khách thập phương. Điều bất ngờ hơn cả chính là dân làng Việt Yên đều nhất loạt ủng hộ quyết định này của chính quyền và như vậy, Việt Yên là địa phương đầu tiên ở Việt Nam làm được điều này. Đây không chỉ là niềm vui của riêng người dân trong thôn mà còn là tín hiệu đáng mừng của ngành di sản nước nhà.

Cần biết thêm rằng, chỉ cách Việt Yên 25km là di chỉ Vườn Chuối-di chỉ cư trú của người Việt có niên đại lên đến 3000 năm - đang “hấp hối” trước áp lực đô thị hóa mặc cho nỗ lực kêu gọi bảo tồn không ngừng của các nhà khoa học.

Trong suốt nhiều thế kỉ đầu công nguyên, miền Bắc Việt Nam là trị sở, trung tâm kinh tế-chính trị của vùng Giao Châu lúc đó bao gồm toàn bộ miền Bắc Việt Nam và một phần Nam Trung Quốc. Đây là vùng giao thoa văn hóa Việt-Hán tương đối mạnh, một trong số những dấu ấn của ảnh hưởng đó là hoạt động táng tục. Hàng loạt ngôi mộ gạch được phát hiện ở miền Bắc, đặc biệt tập trung ở các tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Hà Nội. Tuy nhiên, các di tích này đã và đang bị phá hủy với tốc độ chóng mặt chỉ trong mấy chục năm trở lại đây. Ở Luy Lâu (Bắc Ninh) đến nay vẫn lưu truyền trong dân gian truyền thuyết về 99 đống, nhưng khảo sát gần đây nhất do Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam kết hợp với Đại học Đông Á (Nhật Bản) cho thấy chỉ còn hơn 30 mộ. Ở Quảng Ninh, mộ gạch phân bố dày đặc dọc đoạn đường từ Đông Triều đến Mạo Khê, chỉ riêng phạm vi công trường Thanh niên xây lắp Mạo Khê đã có 130 gò mộ, trong cuộc khai quật năm 1972 mới khai quật được 33 mộ, tất cả đều đã bị khoét lỗ đào trộm. Ở Hải Dương có những khu mộ lớn như khu Đồng Cà (Tứ Minh), Đống Dom (Nam Thanh), đến mức theo lời cụ cao niên tại xã Kiến Quốc (Ninh Giang-Hải Dương) thì “Hễ thấy gò cao là bên dưới có mộ”. Tuy nhiên, quá trình bê tông hóa chóng mặt cùng sự thiếu hiểu biết của một bộ phận người dân đã khiến những di tích này biến mất không một dấu vết. Thậm chí có cả trường hợp người dân đào móng xây nhà lộ ra mộ, liền vội vàng lấp đi rồi thản nhiên xây dựng nhà cửa lên trên. Trong bối cảnh không mấy tươi sáng này, việc người dân thôn Việt Yên chấp nhận trì hoãn thi công ngôi đình làng để bảo vệ di tích là cực kì hiếm hoi.