Công ty khởi nghiệp AirX Carbon có trụ sở tại TPHCM đang cung cấp một loại nguyên liệu carbon âm tính có nguồn gốc từ phụ phẩm nông nghiệp và nhựa tái chế. Giá thành của chúng cạnh tranh trực tiếp với nhựa truyền thống khi được sản xuất trên quy mô lớn.

Một số sản phẩm làm từ nhựa sinh học. Ảnh: AirX Carbon
Một số sản phẩm làm từ nhựa sinh học. Ảnh: AirX Carbon

Gần đây, một công ty khởi nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh có tên là AirX Carbon đã cung cấp cho doanh nghiệp nguyên liệu carbon âm tính như nhựa polypropylene có nguồn gốc từ thực vật để doanh nghiệp tạo ra các sản phẩm, vật liệu nhựa sinh học của riêng mình, thay thế cho nhựa làm từ dầu mỏ truyền thống.

Khi nói đến “carbon âm tính” nghĩa là chúng ta đang đề cập đến việc loại bỏ CO2 khỏi khí quyển hoặc cô lập CO2 nhiều hơn lượng phát ra. Trong toàn bộ vòng đời của nó, mỗi kg vật liệu polypropylene có nguồn gốc thực vật của AirX có thể hấp thụ 0,841 kg CO2 từ khí quyển.

Cách tiếp cận của AirX là ưu tiên tái sử dụng. Họ thu phụ phẩm của các cây công nghiệp như bã cà phê, bã mía, tre và gáo dừa mà không dùng đến các cây lương thực như ngô, khoai, sắn để tránh mọi cạnh tranh với sản xuất thực phẩm và an ninh lương thực. Sau đó, họ dùng một quy trình bí quyết để chuyển đổi toàn bộ đồng vị carbon (-14, -12, -13) được tìm thấy trong sinh khối, sau đó trộn với các loại nhựa tái chế (như LDPE hoặc HDPE) để tạo thành nhựa gốc thực vật.

Vì cây cối hấp thụ CO2 nhờ quá trình quang hợp và lưu trữ carbon trong cấu trúc của chúng, bao gồm cả bã cà phê và thân cây mía, nên khi tái sử dụng những phần cấu trúc “vứt đi” này để sản xuất vật liệu tổng hợp sinh học, AirX có thể đảm bảo rằng carbon mà cây hấp thụ trước đó sẽ được giữ lại, không xâm nhập vào khí quyển và nằm trong toàn bộ vòng đời của sản phẩm”.

Tương tự, bằng cách sử dụng nhựa tái chế trong quá trình sản xuất, họ có thể đạt carbon âm tính vì sản xuất nhựa tái chế đòi hỏi ít năng lượng hơn nhiều so với sản xuất nhựa mới từ vật liệu nguyên chất. Sử dụng nhựa tái chế cũng giúp chuyển hướng dòng chất thải này không đi vào các bãi chôn lấp hoặc xả ra môi trường. Bình thường, khi chất thải nhựa phân hủy, nó giải phóng khí metan, một loại khí nhà kính mạnh, vào khí quyển. Khi tái chế nhựa, AirX có thể làm giảm lượng chất thải kết thúc tại các bãi chôn lấp, qua đó giúp giảm lượng khí thải metan vào môi trường.

“Khi hết thời gian sử dụng, sản phẩm nhựa sinh học có thể được nghiền nát và nấu chảy để tạo ra một dạng vật liệu mới, đảm bảo rằng carbon liên tục được thu giữ trong vật liệu. Tính năng này không chỉ thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn mà còn giúp hạn chế lượng khí thải carbon”, doanh nghiệp cho biết thêm.

Một câu hỏi nảy ra trong đầu khi nghe về một phương pháp như vậy là liệu carbon có thực sự ở lại nơi AirX đang giữ nó hay không? Nhiều câu hỏi khác xoay quanh việc chiết xuất carbon từ sinh khối trở nên khó khăn như thế nào để đạt được hiệu suất cao. Công ty và những người ủng hộ cho biết họ đã tiến hành các thử nghiệm rộng rãi để khẳng định đặc điểm sinh học hữu ích của vật liệu nhựa này, chẳng hạn như tham gia đánh giá vòng đời của sản phẩm (LCA), vốn là một bước vô cùng cần thiết để ghi lại một cách có hệ thống toàn bộ lộ trình sản xuất của nguyên liệu, phân tích tác động đối với môi trường và từ đó, thực hiện các biện pháp tối ưu hóa.

“Chúng tôi có nhiều loại nhựa sinh học, từ lưu trữ hàm lượng carbon thấp 0,841 tấn carbon/tấn nhựa đến lưu trữ carbon cao 1,5 tấn carbon/tấn nhựa. Các báo cáo đánh giá vòng đời sản phẩm được thực hiện bởi một tổ chức chứng nhận của châu Âu. Chúng tôi cũng đang phát triển thêm loại nhựa sinh học mới có khả năng lưu trữ lên tới 2,5 tấn carbon/tấn nhựa.”, đồng sáng lập Dương Anh của AirX chia sẻ.

Sản phẩm của AirX có tiềm năng thị trường rộng lớn toàn cầu. Công ty đã tham gia Chương trình BioPreferred của Bộ nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) để đạt được các tiêu chuẩn dán nhãn “Vật liệu dựa trên sinh học”, cùng với tỷ lệ phần trăm hàm lượng sinh học.

Các nhà sáng lập cho rằng doanh nghiệp khách hàng có thể hưởng lợi từ vật liệu sáng tạo này bằng cách kết hợp nó vào quy trình sản xuất sản phẩm của mình. Như vậy, họ có thể giảm lượng khí thải carbon liên quan trên toàn bộ chuỗi cung ứng, từ sản xuất để xử lý cuối vòng đời, và tiến gần hơn tới các cam kết trung hòa carbon.

Chi phí cạnh tranh

Nếu nói sức hấp dẫn của carbon âm tính có thể thu hút được quan tâm của những doanh nghiệp cần thực hiện các nghĩa vụ môi trường, thì chi phí thấp của vật liệu sẽ là cú chốt để họ có được khách hàng. Trong buổi thuyết trình bán kết Techfest 2023, anh Dương Anh tuyên bố với các nhà đầu tư rằng giá thành nhựa sinh học của AirX thấp hơn 20% so với nhựa gốc dầu mỏ truyền thống khi được sản xuất trên quy mô lớn.

Anh nói rằng chi phí thấp chủ yếu là do họ có thể “làm mềm” các dự án. “Thông thường người ta sẽ thực hiện sáu đến bảy bước để tạo ra nhựa sinh học phù hợp với yêu cầu của khách hàng, chúng tôi phân loại chúng thành hai đến ba bước. Và thứ hai là chúng tôi tối ưu hóa quá trình vận hành, từ đó tạo ra loại nhựa sinh học có thể cạnh tranh với gốc dầu mỏ”, anh nói.

Vì đi theo mô hình kinh doanh B2B, AirX không trực tiếp làm ra sản phẩm cuối cùng mà chỉ cung cấp nhựa sinh học cho các doanh nghiệp có nhu cầu. Với mỗi khách hàng, họ sẽ “cá nhân hóa” vật liệu của mình cho phù hợp với nhu cầu của đối tác.

Chẳng hạn như trong một dự án hợp tác với Công ty Cổ phần Thành Thành Công – Biên Hòa (TTC AgriS) để làm ra một loại vật liệu đóng gói và và màng phủ nông nghiệp, họ đã tận dụng bã mía của nhà máy mía đường này để tạo ra sản phẩm có thể phân hủy sinh học trong vòng 7-9 tháng với chi phí bằng với những tấm film nhựa gốc dầu. Điều này đã giúp AirX đạt được thỏa thuận hợp đồng cung cấp nguyên liệu nhựa cho TTC trong vòng ít nhất 5-6 tháng và được đối tác hào phóng chi trả toàn bộ chi phí R&D.

Trong một dự án khác mới bắt đầu thử nghiệm cho hãng giày Bitis’, AirX được giao một nhiệm vụ chuyển đổi 20% vật liệu làm nên chiếc giày thương hiệu Việt này thành vật liệu sinh học và cắt giảm 50% chi phí so với nhựa EVA sinh học nhập khẩu ở nước ngoài. Anh Dương tiết lộ rằng chiếc giày mình đang đi cũng chứa nhựa sinh học bên trong. Dự án thí điểm này tạo điều kiện cho AirX bước đầu tiếp cận được thị trường giày dép, vốn là một trong những ngành xuất khẩu lớn của Việt Nam, và đem lại tiềm năng tận dụng 2.000 tấn chất thải hữu có mỗi năm.

AirX cũng đang làm việc với một số hãng nước ngoài của Nhật Bản như MuJi và Sanyo để cung cấp vật liệu làm các sản phẩm đồ gia dụng cuối cùng chứa ít nhất 51% vật liệu sinh học. “Chúng tôi phát triển nhựa sinh học cho họ, họ tạo ra sản phẩm và gửi hàng về quê hương của họ. Chi phí nguyên liệu ở Việt Nam rõ ràng là rẻ hơn so với nhựa 100% sinh học làm ở Nhật Bản”, anh nhận xét.

Công xuất hiện tại của nhà máy vào khoảng 200 tấn/tháng. AirX cho rằng không có nhiều điều ngăn cản cách tiếp cận của họ mở rộng quy mô. Nguồn nguyên liệu sinh khối để sản xuất rất dồi dào, mối quan tâm của các doanh nghiệp toàn cầu và một số doanh nghiệp nội địa về giảm carbon là rất rõ rệt; mỗi dự án để phục vụ nhu cầu khác nhau của khách hàng đều dựa trên khoảng 70% cùng loại chất liệu, công thức đã phát triển, do vậy họ chỉ mất từ 3-6 tháng để phát triển sản phẩm mới và có thể đạt được hợp đồng.

“Hơn thế nữa giá cả của chúng tôi khá cạnh tranh”, Dương Anh một lần nữa nhắc lại, “Chúng tôi muốn nhựa sinh học dễ tiếp cận hơn với nhiều người. Vì vậy, mọi người sẽ không cần phải trả thêm khoản phí xanh (green premium) cho nhựa mà họ dùng.”