Một đứa trẻ có diện mạo ưa nhìn, thành tích học tập cao, gia đình khá giả chưa chắc đã là một đứa trẻ tự tin. Thậm chí, kể cả khi có đủ những yếu tố mà người ngoài đánh giá là lợi thế, nhiều đứa trẻ vẫn tự ti, tự cho rằng mình là kẻ yếu kém.

Có tự trọng mới có tự tin

Tự tin có thể hiểu là niềm tin vào bản thân, rằng mình đủ sức ứng phó với những thách thức của cuộc sống và thành công. Để trở nên tự tin, con người cần ý thức thực tế về khả năng của mình và cảm thấy an toàn với mức khả năng đó.

Thiếu tự tin thường do ta không đủ khả năng. Ví dụ, ta không giỏi xử lý các tình huống trên đường nên không tự tin trong việc lái xe. Tương tự, một đứa trẻ không giỏi cảm thụ văn học sẽ không tự tin trong môn này.

Tuy nhiên, nếu đứa trẻ được người xung quanh công nhận là giỏi văn và nhận nhiều điểm cao mà vẫn cho rằng mình kém môn này thì có thể sự tự ti xuất phát từ nguồn gốc sâu xa hơn, đó là lòng tự trọng thấp.

Trẻ vị thành niên rất dễ bị ảnh hưởng bởi vấn đề về lòng tự tin vì chúng phải đối mặt với nhiều thay đổi. Ảnh minh họa: INT
Trẻ vị thành niên rất dễ bị ảnh hưởng bởi vấn đề về lòng tự tin vì chúng phải đối mặt với nhiều thay đổi. Ảnh minh họa: INT

Trong bài viết “Low Self-Esteem in Adolescents: What Are the Root Causes?” (Lòng tự trọng thấp ở trẻ vị thành niên: Đâu là nguyên nhân gốc rễ) đăng trên website The Clay Center for Young Healthy Minds thuộc Bệnh viện Đa khoa Massachusetts (Mỹ) tháng 6/2022, bác sĩ Eugene Beresin, giảng viên môn Tâm thần học tại Đại học Y Harvard, định nghĩa “lòng tự trọng là đánh giá tổng thể của một người về bản thân, tức là cách họ nhìn nhận khả năng và giá trị, cũng như sự tự tin và cảm giác an toàn của mình”. Như vậy, lòng tự trọng ảnh hưởng đến sự tự tin và lòng tự trọng thấp đồng nghĩa với mức tự tin thấp.

Trong cuốn sách “The Ultimate Self-Esteem Workbook for Teens: Overcome Insecurity, Defeat Your Inner Critic, and Live Confidently” (Cẩm nang lòng tự trọng dành cho trẻ vị thành niên: Vượt lên bất an, đánh bại chỉ trích nội tâm và sống tự tin), tác giả Megan MacCutcheon, nhà tham vấn tâm lý chuyên làm việc với trẻ vị thành niên ở Vienna, Virginia (Mỹ), mô tả người sở hữu lòng tự trọng khỏe mạnh nhìn nhận bản thân có giá trị và đủ tốt. Họ biết những phẩm chất tích cực của mình, đồng thời chấp nhận những điểm chưa tốt. Họ tin tưởng đánh giá của bản thân và xây dựng các cách ứng phó lành mạnh. Họ có thể thể hiện niềm tin, mong muốn và nhu cầu của mình mà không sợ hãi. Nhờ kỳ vọng thực tế vào bản thân và người khác, họ biết mình xứng đáng được tôn trọng đồng thời tôn trọng người khác.

Theo Megan MacCutcheon, rất nhiều người gặp vấn đề về lòng tự trọng thấp, bất kể tuổi tác, ngoại hình, hành động hay cách họ thể hiện ra bên ngoài. Đặc biệt, trẻ vị thành niên rất dễ bị ảnh hưởng bởi vấn đề này vì chúng phải đối mặt với nhiều thay đổi. Bước vào tuổi vị thành niên, trẻ bắt đầu để ý nhiều hơn đến cách người khác nhìn nhận, đánh giá chúng. Chúng lo lắng về sự hòa nhập của bản thân, cố gắng tìm kiếm bản ngã và đối mặt với hàng loạt áp lực như thành tích học tập, lựa chọn nghề nghiệp tương lai, các mối quan hệ bạn bè – tình cảm. Ngay cả những hoạt động tưởng chừng nhẹ nhàng như thể thao, tiệc tùng cũng có thể khiến trẻ vị thành niên căng thẳng. Chưa kể, chúng phải học cách ứng phó với các cám dỗ mà thường thấy nhất là việc sử dụng chất kích thích.

Những yếu tố ảnh hưởng đến lòng tự trọng

Một số nguyên nhân có thể dẫn đến lòng tự thấp bao gồm:

Sự chỉ trích kéo dài: Thể hiện qua những câu nói như: “có thế mà không biết làm”, “việc đơn giản thế mà làm không xong”, “sao kém thế”. Càng đến từ những người thân thiết và gần gũi, những câu nói này càng mang tính tổn thương.

Trải nghiệm bất lợi thời thơ ấu: Những sự kiện có thể gây sang chấn xảy ra trong quá trình phát triển của trẻ, ví dụ như bị bỏ rơi, chứng kiến hoặc là nạn nhân của bạo lực, cái chết của một thành viên trong gia đình...

Áp lực và kỳ vọng xã hội: Trong thời kỳ mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, chúng ta liên tục tiếp xúc với cuộc sống của người khác, tạo điều kiện cho sự so sánh. Đứa trẻ có thể nghĩ rằng dù xinh đến đâu, vẫn có người xinh hơn; dù học giỏi đến đâu cũng có người giỏi hơn và dù bố mẹ chúng giàu đến đâu thì vẫn có người giàu hơn. Chính người lớn đôi khi cũng so sánh trẻ với người khác, càng tô đậm thêm sự hơn thua trong đầu trẻ.

Bên cạnh đó, những yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến lòng tự trọng bao gồm yếu tố sinh học (mất cân bằng hormone, bệnh mạn tính, khiếm khuyết thể chất, rối loạn học tập) và yếu tố văn hóa - xã hội (chủng tộc, xu hướng tính dục, giới, tầng lớp kinh tế - xã hội).

Một đứa trẻ có lòng tự trọng thấp sẽ xuất hiện một số biểu hiện như quá lo lắng trước việc người khác nghĩ gì về mình, tự nghi ngờ, không dám đưa ra quyết định, thường xuyên trì hoãn công việc, đổ lỗi cho người khác khi việc không như ý muốn, cố trở nên hoàn hảo, cho rằng người khác lợi dụng mình, ganh đua với bạn đồng lứa, không tiếp nhận được lời khen, khó kiểm soát cảm xúc, hay buồn bã hoặc cáu giận… Những biểu hiện này không chỉ gây ra bất lợi cho quá trình phát triển của đứa trẻ mà còn kéo theo khó khăn trong các mối quan hệ. Nếu kéo dài và không nhận được sự trợ giúp, trẻ có thể rơi vào tình trạng stress nặng, thậm chí trầm cảm, lo âu và lạm dụng chất (như đồ uống có cồn, các loại ma túy).

Để xây dựng lòng tự trọng cho con

Để trẻ xây dựng lòng tự trọng cũng như sự tự tin, bố mẹ hãy truyền cho trẻ niềm tin rằng tự chúng có giá trị và xứng đáng được yêu thương bởi con người thật của mình. Bên cạnh việc khen ngợi, động viên những lúc trẻ làm đúng, bố mẹ hãy kiên nhẫn và từ tốn giải thích khi trẻ làm sai. Tránh những câu nói mang tính chỉ trích mà bắt đầu bằng việc hỏi trẻ tại sao lại hành xử như vậy và có thể cùng trẻ giải quyết vấn đề thế nào. Bố mẹ không cần ở cạnh trẻ 24/7, nhưng hãy cho trẻ biết bố mẹ chắc chắn sẽ xuất hiện lúc chúng cần.

Tiếp đến, bố mẹ hãy giúp trẻ tìm ra và bồi đắp các kỹ năng, hoạt động yêu thích. Những kỹ năng, hoạt động này bao gồm cả những việc thường ngày như dọn dẹp, rửa bát, quét nhà. Việc thành thạo một hay một số kỹ năng, hoạt động nào đó là nền tảng cho sự tự tin, giúp trẻ hiểu rằng mình có thể không giỏi ở mặt này nhưng giỏi ở mặt khác.

Quan trọng nhất, bố mẹ cần trở thành tấm gương chân thật cho con. Tự bố mẹ cần chăm sóc tốt và trân trọng bản thân, sẵn sàng nhìn nhận cả điểm tốt lẫn điểm chưa tốt và không che giấu những thất bại. Trong trường hợp bố mẹ cần thêm sự trợ giúp cho con cũng như chính mình, hãy chủ động lên tiếng. Người có lòng tự trọng khỏe mạnh và tự tin sẽ không ngần ngại đi tìm sự giúp đỡ bởi họ hiểu rằng đây không phải dấu hiệu của sự yếu đuối mà là lòng dũng cảm.