Các tiệm cafe1 bắt đầu xuất hiện ở nước Anh từ giữa thế kỷ 17. Nhưng không chỉ bán cafe, những nơi này còn mang lại cho người hay lui tới rất nhiều thông tin, tri thức và ý tưởng sáng tạo.

Tranh vẽ cảnh trước cửa tiệm cafe Garraway ở London, năm 1873. Ảnh: Guildhall Library & Art Gallery/Heritage Images/Getty Images
Tranh vẽ cảnh trước cửa tiệm cafe Garraway ở London, năm 1873. Ảnh: Guildhall Library & Art Gallery/Heritage Images/Getty Images

Khác với phong cách của các quán cafe hiện đại – chú trọng sự yên tĩnh, riêng tư (đặc trưng bởi tai nghe và laptop), những tiệm cafe kiểu mẫu ở Anh quốc thế kỷ 17 thường rất sôi động, náo nhiệt và là nơi tập trung đông đảo giới học giả, nhà văn, nghệ sĩ, nhà cách mạng, người hoạt động chính trị lưu vong,... đến để tham dự các cuộc tranh luận học thuật thú vị với chủ đề đa dạng. Đó chính là những diễn đàn hay “trường học tự quản, không cần thầy giáo” và đóng vai trò xúc tác cho một cuộc cách mạng tri thức trước thềm công nghiệp hóa.

Không phải công dân Anh nào thời đó cũng có cơ hội được tiếp nhận một nền giáo dục tốt. Các gia đình giàu có thường sẽ trả tiền thuê gia sư riêng hoặc gửi con cái tới một trường thuộc hệ thống King’s Schools – do vua Henry VIII (1491 – 1547)2 sáng lập hoặc được đặt theo tên ông – vô cùng tốn kém. Những ai không có tước hiệu (quý tộc) và gia sản lớn sẽ phải cực kỳ thông minh hoặc rất may mắn thì mới được nhận vào một trường tốt. Đến tuổi trưởng thành, lựa chọn lại càng trở nên ít ỏi khi ngoài Đại học Edinburgh và Glasgow xa xôi, cả Vương quốc cũng chỉ có mỗi hai hệ thống Oxford và Cambridge với mức học phí vượt xa thu nhập hằng năm của hầu hết các hộ gia đình (chưa kể tiền ăn ở, sinh hoạt). Vậy những người thông minh và ham học hỏi nhưng không có điều kiện sẽ làm gì? Thôi thì họ có thể tới uống cà phê và tự tìm kiếm tri thức.

Tiệm cafe đầu tiên ở Vương quốc Anh được mở tại Oxford vào năm 1650 và sớm trở thành điểm đến yêu thích của các học giả bất mãn. Mặc dù chỉ phục vụ thành viên của đại học nhưng nó đã đặt ra một tiền lệ tốt khi khuyến khích sự truy cầu tri thức và những tranh luận học thuật. Quan trọng hơn là chúng có vai trò hoàn toàn độc lập. Mô hình này đã nhanh chóng lan tỏa đến London, nơi có tiệm Rota Club nổi tiếng mà nhà văn Samuel Pepys (1655 – 1669) thường xuyên lui tới để trao đổi cùng và lắng nghe quan điểm từ những người giống mình. Rota Club và các tiệm cafe tương tự không hề quan tâm về quá khứ của bạn. Chúng luôn mở cửa chào đón mọi khách hàng thuộc mọi giai tầng xã hội. Chỉ cần là người hay suy tư thì bạn hoàn toàn phù hợp để tới đây. Một nhà văn Pháp từng nhận định: “Thật ngưỡng mộ khi chứng kiến những nhà quý tộc, người thợ làm giày, thợ may, nhà buôn rượu,... cùng đọc chung một loại báo. Chính các tiệm cà phê đã thiết lập nền tảng cho sự tự do của nước Anh.”

Tiệm cafe Lloyds Coffee House giờ đã trở thành một di sản được bảo tồn ở London.
Tiệm cafe Lloyds Coffee House giờ đã trở thành một di sản được bảo tồn ở London.

Những nơi như Rota Club đã mang lại sự thú vị và nguồn năng lượng mà các giảng đường của Oxford hay Cambridge thường thiếu vắng. Ai đủ nhạy bén chắc chắn sẽ thu nạp được rất nhiều thông tin và tri thức từ các cuộc tranh luận ở đây. Tất cả mọi người đều có cơ hội học hỏi và truyền đạt, miễn là họ mua ít nhất một ly cà phê – giá chỉ một xu vào thời đó. Vì thế, những quán cafe này còn được gọi bằng cái tên Penny Universities (tạm dịch: đại học một xu). Tất nhiên, không phải ai cũng đánh giá cao các ngôi trường “tự phát, không người điều hành và cũng không có quy tắc” này. Một cuốn sách được xuất bản năm 1661 để lên án việc học tập thiếu chọn lọc và lan man, cho rằng đó đơn giản chỉ là những “câu chuyện phiếm” với đủ thứ chủ đề, từ văn học cho đến thiên văn học. Trong một buổi chiều, các cá nhân rảnh rỗi có thể thao thao bất tuyệt về chủ nghĩa trọng thương và toán học, rồi sau đó lại xoay sang thần học Calvin3 và hóa học.

Nhưng đó mới chính là giá trị cốt lõi của những “đại học một xu” khi khuyến khích việc học hỏi chủ động, không cứng nhắc và giáo điều, vượt ra khỏi mọi khuôn khổ. Rất nhiều ý tưởng vĩ đại mang tính cách mạng đã ra đời và trở thành hiện thực từ các cuộc trao đổi tưởng chừng như vô nghĩa ấy, nhờ đam mê và nhiệt huyết của những người thông minh. Tại tiệm Lloyd’s, các thuyền trưởng tàu buôn và nhà tài trợ của họ đã tụ tập uống bia để rồi khai sinh ra thị trường bảo hiểm lớn nhất thế giới – Lloyd’s of London (năm 1688). Trong khi ở tiệm Grecian, rất đông nhà khoa học xuất chúng, bao gồm cả Sir. Isaac Newton (1643 – 1727) và Edmund Halley (1656 – 1742), đã cùng chứng kiến cảnh hai vị giáo sư giải phẫu một con cá heo. Còn tại tiệm Jonathan, trong lúc thảo luận về những vấn đề kinh tế, và mặc dù không có “người điều phối lẫn quy tắc điều hành”, các nhà buôn và chuyên gia môi giới đã cùng sáng lập nên sàn giao dịch chứng khoán London (năm 1801) – làm hình mẫu cho nhiều thị trường tài chính trên khắp thế giới.

Sau cùng, nếu có dịp tới thăm nước Anh và bước chân vào một tiệm cafe cổ kính thì bạn hãy thử tìm hiểu về lịch sử của những điều vĩ đại bắt nguồn từ nơi này.


Chú thích:
1. Những tiệm cafe đầu tiên trên thế giới được ghi nhận là đã xuất hiện tại Damascus (ngày nay thuộc Syria) trong thời cực thịnh của đế chế Hồi giáo (trước thế kỷ 15) và mang tên qahveh khaneh (tiệm cafe trong tiếng Ba Tư). Sang thế kỷ 15, chúng cũng xuất hiện tại Mecca (ngày nay thuộc Ả Rập Saudi) trên bán đảo Ả Rập, sau đó du nhập tới thủ đô Istanbul của đế chế Ottoman (1299 – 1922) trong thế kỷ 16, rồi châu Âu từ thế kỷ 17.

2. Quốc vương Anh từ năm 1509 đến 1547. Ông thường được xem là một vị quân vương học thức và lôi cuốn với nhiều tài lẻ như viết sách, sáng tác nhạc,... Ngoài ra, giới sử gia còn hay nhắc đến giai đoạn trị vì của Henry VIII với 6 cuộc hôn nhân đầy uẩn khúc cùng vai trò của ông trong việc thúc đẩy cải cách tôn giáo – biến Anh trở thành một quốc gia Kháng cách nhưng lại duy trì nhiều truyền thống Công giáo.

3. Thần học Calvin (hay thần học Kháng cách) là hệ thống thần học và phương pháp ứng dụng đức tin vào nếp sống của người Cơ Đốc giáo, đặt trọng tâm vào quyền tể trị của Thiên Chúa. Một số học giả như Max Weber (1864 – 1920) nhận định chính thần học Calvin đã đặt nền móng cho sự phát triển của nền đạo đức Tin Lành và chủ nghĩa tư bản ở các quốc gia Âu – Mỹ.