Các nhà nghiên cứu tại Đại học York và Bảo tàng Anh đã phát hiện ra dấu vết của thuốc phiện còn sót lại bên trong một chiếc bình đặc biệt có từ cuối thời Đồ Đồng.

Hình dạng giống hạt cây thuốc phiện của chiếc bình base-ring juglet. Nguồn: British Museum

Hình dạng giống như hạt cây thuốc phiện của chiếc bình tròn có chân đỡ (base-ring juglet). Nguồn: British Museum

Chiếc bình trên thuộc loại “base-ring juglet” (bình tròn có chân đỡ), vốn khá phổ biến và được bán rộng rãi vào những năm 1650 - 1350 TCN. Vì có hình dạng đặc biệt, giống với hạt của cây thuốc phiện, cho nên nhiều người nghĩ rằng chắc hẳn giữa chúng phải có một mối liên hệ nào đó. Vì vậy, nhóm nghiên cứu đã tìm kiếm một chiếc juglet được cất giữ tại Bảo tàng Anh và phân tích khả năng chứa các chất hóa học ở bên trong nó. Kết quả cho thấy, bên cạnh hỗn hợp dầu thực vật (chiếm tỷ lệ chủ yếu), các nhà khoa học còn phát hiện ra dấu hiệu của chất ancaloit- có nguồn gốc từ cây thuốc phiện, có khả năng tác động đáng kể đến hệ thần kinh của người hấp thụ.

Tiếp đó, để chứng minh sự tồn tại của thuốc phiện trong hỗn hợp dầu, TS. Rachel Smith - tác giả chính của nghiên cứu - đã tìm tới ĐH York để sử dụng các thiết bị chuyên dụng tại đây nhằm phát triển một kỹ thuật phân tích mới - trở thành một phần luận án của cô.

Smith cho biết, hợp chất ancaloit có khả năng chống phân hủy rất mạnh so với các loại thuốc phiện phổ biến ngày nay như morphine. Vì vậy, không khó để nhóm nghiên cứu tìm ra dấu vết chúng còn sót lại trong hỗn hợp dầu. Tuy nhiên, người ta đã sử dụng chất này như thế nào thì cho đến nay vẫn còn là một ẩn số.

Trước đó, nhiều ý kiến tin rằng những chiếc bình nhỏ như vậy đã từng được dùng để bảo quản tinh dầu của cây thuốc phiện- có thể bôi hoặc dùng làm nước hoa, mặc dù giả thuyết này đã không bám vào thắc mắc về những tác động của thuốc phiện.

Giáo sư Jane Thomas-Oates - người giám sát của Rachel Smith - nêu nhận định: “Những chiếc bình này có thể cung cấp nhiều chi tiết quan trọng về nền văn hóa và hoạt động thương mại thời bấy giờ. Do đó, chúng ta cần thực hiện thêm nhiều khảo cứu và tổ chức các cuộc thảo luận về mục đích sử dụng của chúng.” Như vậy, sau rất nhiều nỗ lực trong suốt nhiều năm thì đây là lần đầu tiên các nhà nghiên cứu đã chứng minh được mối liên hệ giữa thuốc phiện với những chiếc bình base-ring juglet.

Tuy nhiên, TS. Rebecca Stacey - hiện làm việc cho bộ phận Nghiên cứu khoa học tại Bảo tàng Anh- lại cho rằng, mặc dù sự tồn tại của ancaloit (thuốc phiện) trong chiếc bình là không thể chối cãi, nhưng đây mới chỉ là một trong số rất nhiều chiếc juglet trên thế giới, cho nên chưa thể khẳng định chắc chắn. Vì thế, kết quả nghiên cứu trên chỉ mang ý nghĩa bổ sung cho những tranh luận về thứ có thể chứa bên trong chiếc bình và mục đích sử dụng của chúng.

Nguồn:https://www.sciencedaily.com/releases/2018/10/181003090334.htm