Suốt một thời gian dài, người ta tranh luận liệu con người có thể tự bốc cháy mà không cần nguồn nhiệt bên ngoài hay không. Tuy nhiên, trong 300 năm qua đã có hơn 200 báo cáo về các trường hợp như vậy.

Hiện tượng cơ thể người tự bốc cháy (SHC) xảy ra khi một người nào đó bị đốt cháy đến chết bởi ngọn lửa bắt nguồn từ bên trong cơ thể của họ. Trong số hàng trăm trường hợp được ghi chép lại, có vẻ như chúng xảy ra theo cách thức tương tự nhau.

Một số trường hợp SHC trong lịch sử

Những câu chuyện đầu tiên về SHC có thể được tìm thấy trong các tài liệu văn học thời Trung Cổ. Một số người thậm chí còn tin rằng, Kinh Thánh cũng có đoạn đề cập đến hiện tượng này.

Năm 1641, bác sĩ người Đan Mạch Thomas Bartholin (1616 – 1680) mô tả cái chết của Polonus Vorstius trong cuốn sách có tựa đề “Historiarum Anatomicarum Rariorum” (tạm dịch: Tuyển tập các hiện tượng y học kỳ lạ). Vorstius là một hiệp sĩ người Italy. Trong khi đang ở nhà tại thành phố Milan năm 1640, Vorstius uống một ít rượu mạnh và bắt đầu phun ra lửa trước khi bị bốc cháy. Đây là trường hợp tự bốc cháy đầu tiên được ghi chép lại trong lịch sử nhân loại.

Năm 1673, tác giả người Pháp Jonas Dupont xuất bản cuốn sách mang tên “De Incendiis Corporis Humani Spontaneis”, trong đó ghi chép lại các trường hợp và những nghiên cứu về hiện tượng SHC.

Trường hợp nổi tiếng khác xảy ra tại Pháp vào năm 1925. Một chủ quán trọ sống ở Paris bị đánh thức bởi mùi khói và phát hiện người vợ Nicole Millet bị thiêu cháy thành tro khi nằm trên một tấm nệm rơm. Tuy nhiên, tấm nệm này không hề bị ảnh hưởng bởi ngọn lửa. Tất cả những gì còn sót lại của Millet – một người nghiện rượu lâu năm – là hộp sọ, một vài chiếc xương ở lưng và phần chân dưới. Các đồ vật bằng gỗ xung quanh Millet không hề bị hư hại. Chồng của bà ban đầu bị buộc tội giết người. Nhưng sau khi kháng cáo, các thẩm phán đồng ý với lời bào chữa của ông về hiện tượng người tự bốc cháy, một phần nhờ vào lời khai của bác sĩ phẫu thuật Claude-Nicolas Le Cat. Trong lúc Le Cat đang ở quán trọ thì ngửi thấy mùi khói và không lâu sau đó người ta phát hiện thi thể Millet. Cái chết của Millet được tuyên bố là do “sự trừng phạt của Đức Chúa Trời”.

Hiện tượng người tự bốc cháy là một bí ẩn chưa có lời giải thích rõ ràng. Ảnh: Shutterstock

Hiện tượng SHC được nhiều người biết đến trong thế kỷ 19, sau khi nhà văn nổi tiếng người Anh tên là Charles Dickens sử dụng nó để kết liễu một trong những nhân vật của mình trong cuốn tiểu thuyết Bleak House (Ngôi nhà Hoang vắng), theo Ancient Origins. Khi các nhà phê bình văn học cáo buộc Dickens sử dụng những tình tiết không có thật, Dickens nêu ra một nghiên cứu cho thấy 30 trường hợp SHC có thật trong lịch sử được ghi chép tại thời điểm đó.

Năm 2010, Michael Faherty, một người đàn ông 76 tuổi, chết tại nhà ở West Galway, Ireland. Thi thể nạn nhân bị cháy rụi với phần đầu ở gần lò sưởi. Ngoài ra, không có vết cháy trên sàn nhà, trần nhà, hoặc bất kỳ nơi nào khác trong phòng. Ciaran McLoughlin, người tham gia khám nghiệm pháp y, tỏ ra vô cùng bối rối về nguyên nhân cái chết. Faherty đang dùng lò sưởi nhưng nó không phải nguyên nhân gây cháy. Cuối cùng McLoughlin kết luận, SHC là nguyên nhân gây ra cái chết của Faherty.

Đặc điểm chung của nạn nhân SHC

Hiện tượng SHC từng được đề cập trên Tạp chí Y khoa Anh vào năm 1938, khi bài báo của L.A. Parry trích dẫn nội dung một cuốn sách xuất bản năm 1823 với tiêu đề Medical Jurisprudence (Luật học Y khoa). Bài báo cho biết, các trường hợp con người tự bốc cháy có chung một số đặc điểm bao gồm: (1) Đa số nạn nhân là người nghiện rượu, (2) Họ thường là phụ nữ lớn tuổi, (3) Cơ thể nạn nhân tự bốc cháy, nhưng có một số chất bén lửa đã tiếp xúc với cơ thể, (4) Hai bàn tay và bàn chân thường bị tách rời, (5) Ngọn lửa gây rất ít tổn hại đến nhiều thứ dễ cháy khác tiếp xúc với cơ thể, (6) Quá trình đốt cháy để lại phần thi thể chỉ là một đống tro tàn dính mỡ, có mùi hôi thối rất khó chịu.

Chứng nghiện rượu dường như đóng một vai trò quan trọng trong những trường hợp SHC được ghi nhận lúc ban đầu, một phần là do các bác sĩ và nhà văn thời kỳ Victoria tin rằng hiện tượng này là do rượu gây ra.

Lý giải khoa học

Có nhiều lý thuyết về nguyên nhân gây ra hiện tượng SHC ngoài chứng nghiện rượu đã đề cập ở trên, chẳng hạn như: chất béo của cơ thể bốc cháy, sự tích tụ axeton, hiện tượng tĩnh điện, khí methane (CH4), vi khuẩn, tình trạng căng thẳng, thậm chí cả sự can thiệp của thần thánh.

Lý thuyết giải thích SHC được các nhà khoa học ủng hộ nhiều nhất gọi là “hiệu ứng sợi bấc”. Theo đó, cơ thể nạn nhân SHC được ví như một cây nến. Cấu tạo của cây nến bao gồm một sợi bấc ở bên trong, bao bọc xung quanh sợi bấc là sáp làm từ axit béo dễ cháy. Ngọn lửa sẽ đốt cháy sợi bấc và lớp sáp có nhiệm vụ duy trì ngọn lửa.

Chất béo trong cơ thể nạn nhân hoạt động như một chất dễ cháy, và quần áo hoặc tóc đóng vai trò là bấc. Khi quần áo bắt đầu bị cháy do tàn thuốc hoặc bụi than từ lò sưởi, lửa sẽ xuyên qua da và đốt cháy lớp mỡ bên dưới. Mỡ ngấm vào quần áo, trở thành nguồn cấp nhiên liệu liên tục cho ngọn lửa cháy dữ dội hơn, tạo ra sức nóng khủng khiếp. Những người ủng hộ lý thuyết này cho rằng, hiệu ứng sợi bấc giải thích tại sao cơ thể của nạn nhân bị thiêu rụi nhưng các đồ vật xung quanh gần như không bị đốt cháy.

Một điều cần lưu ý là các trường hợp SHC luôn xảy ra trong nhà, khi nạn nhân ở một mình và gần nguồn nhiệt. Ví dụ, không có trường hợp SHC nào được ghi nhận xảy ra giữa đường phố vào ban ngày. Ngoài ra, hiện tượng SHC dường như chỉ xảy ra với con người, do chưa có báo cáo nào về trường hợp động vật tự nhiên bốc cháy.

Tuy nhiên, hiệu ứng sợi bấc không thể giải thích đầy đủ lý do các nạn nhân vẫn nằm bất động trong suốt quá trình bị đốt cháy, cũng như đồ nội thất xung quanh thường không bị ảnh hưởng bởi ngọn lửa.