Các nghiên cứu gần đây đã xác định được loại chim lớn nhất thế giới (thuộc họ chim voi, nay đã tuyêt chủng) từng sinh sống tại khu vực Madagascar khoảng 1000 năm về trước, trọng lượng tương đương với một con khủng long và có tên khoa học là “Vorombe titan”.

Một con Vorombe trưởng thành có thể đạt đến kích thước và trọng lượng khổng lồ: cao 3 m, nặng 800 kg - hơn 20 cm và gấp 7 lần đà điểu. Và cũng giống đà điểu, Vorombe không thể bay.

TS James Hansford tại Viện động vật học London, người đứng đầu nghiên cứu, tiết lộ: thực ra các nhà khoa học đã thu thập được mẫu xương của loài chim voi (Aepyornithidae) từ giữa thế kỷ 19, nhưng lại lầm tưởng với một loại chim voi khác có tên khoa học là "Aepyornis maximus''. Trao đổi với Live Science, Hansford cho biết, việc phân loại các loài chim khổng lồ như vậy đã gặp rất nhiều khó khăn trong suốt 150 năm qua, cũng bởi vì chúng quá đa dạng. Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, giới khảo cổ sinh vật học đã rất hào hứng vì phát hiện này và đặt tên cho chúng, song chủ yếu dựa trên những mẫu vật không hoàn chỉnh.

Ảnh phác họa chim voi nhỏ và chim voi trưởng thành. Nguồn: Jaime Chirinos, 2009

Phác họa chim voi con và chim voi trưởng thành. Nguồn: Jaime Chirinos, 2009.

Vì vậy, khi tiến hành nghiên cứu mới, TS Hansford đã sử dụng cả thước dây và thước kẹp để phân tích hàng trăm mẫu xương chim voi - đặt tại các bảo tàng trên khắp thế giới, trong đó không ít mẫu bị hỏng khiến Hansford phải mô phỏng lại bằng phần mềm máy tính. Sau khi dựng lại được kích thước của các mẫu xương, Hansford phát hiện ra chúng thuộc về các loài khác nhau, cụ thể là được phân thành 3 chi họ của 4 loài riêng biệt. Vì thế, ông đặt tên cho loài mới phát hiện là “Vorombe titan”, trong đó “’Vorombe” có nghĩa là “chim khổng lồ” (theo tiếng Madagascar), còn ‘titan” là gọi theo tên của Aepyornis titan - loài chim mà nhà cổ sinh học C.W. Andrews người Anh trước đây đã nhầm lẫn gộp vào cùng, về sau lại tiếp tục bị phân loại sai một lần nữa bằng cái tên Aepyornis maximus.

Những mẫu xương của loài Vorombe titan được phát hiện ở Madagascar. Nguồn: Viện động vật học London.

Những mẫu xương của Vorombe titan được phát hiện tại Madagascar. Nguồn: Viện động vật học London.

Ngoài ra, một điểm thú vị nữa, C.W. Andrews lại chính là bạn của nhà văn nổi tiếng H.G Wells (Anh) - người đã từng nói đùa về những cái tên Aepyornis maximus và Aepyornis titan được đặt cho các loài chim lớn kia: ''Nếu có thêm loài nào khác, thậm chí còn to lớn hơn 2 con Aepyornis kia, thì chắc hẳn một số nhà khoa học sẽ điên đầu và vỡ tung mạch máu mất.'' Nhưng rất may là đã không có ai bị "vỡ mạch máu" sau phát hiện về Vorombe titan, mặc dù loài này còn "khổng lồ" hơn cả Aepyornis maximus - vốn trước đây được cho là loài chim lớn nhất thế giới. Hansford còn cho biết thêm, rằng trước đây, nhiều nhà sinh vật học còn tranh luận rằng Moa - một loài chim khác không biết bay, từng sống tại vùng đất nay thuộc về New Zealand, mới là loài chim lớn nhất từng được ghi nhận.

Loài chim voi mới được phát hiện gần đây được coi là loài chim lớn nhất từng được ghi nhận. Nguồn: Heidi Ma

Loài chim voi mới được phát hiện gần đây được coi là loài chim lớn nhất từng được ghi nhận. Nguồn: Heidi Ma

"Với trọng lượng trung bình 650 kg, Vorombe titan thực sự là loài chim rất lớn, tương đương với Europasaurus (một loại khủng long nhỏ cổ dài, con trưởng thành nặng khoảng 690 kg)", Hansford và đồng tác giả GS. Samuel Turvey (cũng đến từ Viện động vật học London) viết trong nghiên cứu.

Theo các tác giả, nguyên nhân dẫn tới sự tuyệt chủng của loài chim voi ăn cỏ, cách đây khoảng 1000 năm, có lẽ chủ yếu là do hoạt động săn bắn khiến hệ sinh thái Madagascar bị xáo trộn. Điều này khiến cho các loài thực vật - phụ thuộc vào chim voi để phân tán hạt giống - phải đối mặt với cuộc chiến sinh tồn vô cùng khắc nghiệt. “Những chú chim voi chắc chắn đã có vai trò đáng kể đối với sự hình thành và duy trì của cảnh quan Madagascar khi xưa; Vì thế, sự tuyệt chủng của chúng cũng đặt ra nhiều câu hỏi rất đáng suy ngẫm về sứ mạng bảo tồn ngày nay”, Hansford nói. Trên thực tế, “chúng tôi đã luôn cố gắng vận dụng những nghiên cứu về lịch sử để đề ra các phương án bảo tồn thích hợp”, ông cho biết.

Daniel Ksepka - chuyên gia về điểu hóa thạch và là nhà quản lý tại Bảo tàng Bruce ở Greenwich (Connecticut, Mỹ), người không tham gia vào nghiên cứu trên - nhận định, phát hiện mới này rất có giá trị, vì giúp củng cố giả thiết đây mới chính là loài chim lớn nhất thế giới. Mặc dù vậy, Ksepka cũng lưu ý rằng: tuy DNA sẽ phân hủy rất nhanh ở nơi có khí hậu nóng ấm như Madagascar, song sẽ rất tuyệt vời nếu các đồng nghiệp Anh Quốc có thể trích xuất được DNA từ xương của loài chim voi trên. Bởi trong thực tế, như đối với trường hợp của loài Moa, vì con cái thường có kích thước lớn gần gấp đôi con đực, cho nên rất có khả năng những mẫu vật kia thực chất chỉ là từ những con đực và con cái thuộc cùng một loài. Mặc dù vậy, nhóm của Hansford tin rằng xác suất đó là rất thấp, gần như không thể, vì những nhóm xương thuộc về các loài khác nhau thường có các biểu hiện "biến đổi phức tạp" hoàn toàn khác nhau.


Nguồn:https://www.livescience.com/63675-worlds-largest-bird-is-vorombe-titan.html