Các nhà khoa học Mỹ phát hiện, Trái Đất từng giàu dưỡng chất hơn nhiều trong thời đại khủng long.

Khủng long giúp phân tán các dưỡng chất trên bề mặt Trái Đất. Ảnh: International Business Times.
Khủng long giúp phân tán các dưỡng chất trên bề mặt Trái Đất. Ảnh: International Business Times.

Khủng long với cơ thể đồ sộ, di chuyển những quãng đường rất dài và để lại lượng chất thải lớn từng giúp Trái Đất màu mỡ hơn nhiều so với ngày nay, International Business Times hôm 17/10 đưa tin. Nghiên cứu do chuyên gia Christopher Doughty đến từ Đại học Bắc Arizona tiến hành.

Động vật đóng vai trò quan trọng trong việc vận chuyển dưỡng chất, nhưng vai trò này đã bị thu hẹp do nhiều loài vật lớn tuyệt chủng hoặc suy giảm số lượng nghiêm trọng. Trước đây, Trái Đất là thế giới của các loài khổng lồ với rất nhiều cá voi dưới biển và những động vật kích thước lớn trên mặt đất.

Nhóm nghiên cứu so sánh quá trình dưỡng chất tuần hoàn qua đất, nước và không khí trong những thời kỳ khác nhau bằng cách quan sát nồng độ các nguyên tố lắng đọng qua thời gian. Họ phát hiện so với thời khủng long, lượng dưỡng chất phân tán ít hơn 92% trên mặt đất và 95% dưới biển.

Nhóm nghiên cứu cho rằng trước đây, thú biển, chim biển, các loài cá di chuyển từ biển vào sông để sinh sản và động vật trên cạn tạo nên một hệ thống liên kết có tác dụng tái tuần hoàn chất dinh dưỡng từ biển sâu vào trong đất liền.

Thú biển vận chuyển các dưỡng chất từ biển sâu lên mặt nước, chim biển và các loài cá biển sinh sản ở sông tiếp tục mang chúng từ biển vào đất liền, sau đó các loài động vật lớn di chuyển dưỡng chất vào sâu trong lục địa.

Ngày nay vẫn có một số động vật lớn như voi hay cá voi tồn tại, nhưng rất nhiều loài vật lớn nhất thế giới đã tuyệt chủng. Loài vật có kích thước đồ sộ nhất từng sống trên Trái Đất là thằn lằn hộ pháp (titanosaurs), loài khủng long ăn cỏ thuộc họ khủng long chân thằn lằn (sauropod). Thằn lằn hộ pháp có đuôi dài, đầu nhỏ và chiếc cổ cao lênh khênh giúp chúng chạm tới ngọn cây, tương tự hươu cao cổ ngày nay.

Hóa thạch thằn lằn hộ pháp lớn nhất có tên Patagotitan mayorum, được phát hiện ở Nam Mỹ. Nó dài hơn 37 m, ước chừng nặng 57.150 - 62.600 kg khi còn sống. Đây là động vật trên cạn lớn nhất từng tồn tại trên Trái Đất. Những con voi ngày nay chỉ có thể đạt tới chiều dài khoảng 6 mét và nặng khoảng 5.900 kg.

Trái Đất hiện vẫn còn một loài vật khổng lồ khác, đó là cá voi xanh. Chúng có thể dài đến hơn 30 m và nặng xấp xỉ 181.500 kg. Tuy nhiên, số lượng cá voi xanh đang sụt giảm trong vài thế kỷ trở lại đây.

Quá trình tiêu hóa ở động vật là một phần trong vòng tuần hoàn chất dinh dưỡng. Các động vật có kích thước đồ sộ sẽ tiêu hóa khối lượng dưỡng chất lớn. Dưỡng chất có thể bị giam trong các bộ phận của cây với tốc độ phân hủy chậm cho đến khi được giải phóng nhờ động vật ăn, tiêu hóa và thải ra ngoài.

Nếu không có các loài vật lớn, những dưỡng chất đó sẽ giải phóng chậm hơn, khi cây cối tự phân hủy mà không có sự giúp đỡ của động vật, khiến toàn bộ hệ sinh thái nghèo dinh dưỡng hơn. Phía nam Nam Mỹ, nơi thằn lằn hộ pháp Patagotitan mayorum sinh sống, chịu ảnh hưởng nghiêm trọng vì mất đi số lượng lớn các loài vật khổng lồ.

Bằng cách tăng số lượng và đẩy mạnh phát tán các nguyên tố như photpho, thực vật phát triển nhanh hơn, nghĩa là những loài ăn cỏ lớn chịu trách nhiệm tạo ra thức ăn của chính mình và góp phần giúp môi trường sống giàu dinh dưỡng.

Các phát hiện mới rất quan trọng trong việc nghiên cứu môi trường hiện nay, theo Christopher Doughty. "Chúng ta đang mất đi các loài vật lớn còn tồn tại như voi rừng rất nhanh. Tổn thất này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái trong tương lai do lượng chất dinh dưỡng giảm", ông giải thích.