Nhiều kim tự tháp do người cổ đại xây dựng trên các châu lục khác nhau vẫn còn tồn tại đến ngày nay nhưng lại ít được biết đến.

Đại kim tự tháp Giza, Ai Cập, là một trong những biểu tượng nổi tiếng nhất của thế giới cổ đại. Ngoài ra còn có hàng nghìn kim tự tháp khác xuất hiện trên khắp thế giới bao gồm ở châu Âu, châu Á, châu Đại Dương và châu Mỹ, theo Ancient Origins. Sau đây là 5 kim tự tháp ít được biết đến của những nền văn minh cổ xưa còn sót lại đến ngày nay.

Kim tự tháp Cestius, Italy

Thủ đô Rome Italy, nổi tiếng với nhiều công trình kiến trúc cổ đại như đấu trường La Mã, ngôi đền Pantheon, chợ Trajan và quảng trường La Mã. Tuy nhiên, rất ít người từng nghe đến kim tự tháp Cestius nằm ngay tại trung tâm của Rome với độ tuổi khoảng 2.000 năm.

Kim tự tháp Cestius tại Rome Italy. Ảnh: Gordon Stephen.
Kim tự tháp Cestius tại Rome Italy. Ảnh: Gordon Stephen.

Kim tự tháp Cestius được xây dựng dọc theo Via Ostiensis, một con đường quan trọng ở Rome cổ đại, vào giữa năm 18 và 12 trước Công nguyên. Nó có số đo các cạnh bằng 30 m và chiều cao 35 m.

Các nhà khoa học phát hiện bên trong kim tự tháp Cestius có một phòng chôn cất dạng mái vòm. Theo những dòng chữ khắc trên sườn phía đông và phía tây của kim tự tháp, bên trong mộ chứa thi thể của Gaius Cestius Epulo, một nhà chính trị người La Mã. Ngoài ra, một số dòng chữ khác tiết lộ việc xây dựng kim tự tháp hoàn thành trong 330 ngày.

Kim tự tháp trên đảo Tenerife

Đảo Tenerife, thuộc quần đảo Canary nằm trên Đại Tây Dương, có những kim tự tháp tọa lạc ở Güímar, thị trấn phía nam của đảo.

Các kim tự tháp trên đảo Tenerife. Ảnh: Colin Moss.
Các kim tự tháp trên đảo Tenerife. Ảnh: Colin Moss.

Tất cả kim tự tháp đều được làm từ đá dung nham núi lửa mà không cần dùng đến vôi vữa. Thor Heyerdahl, nhà thám hiểm người Na Uy, tin rằng những công trình này được xây dựng bởi Guanches, thổ dân sống trên quần đảo Canary. Họ di cư đến đây khoảng năm 1.000 trước Công nguyên. Heyerdahl cho biết, các kim tự tháp được thiết kế tỉ mỉ theo kiểu bậc thang và chúng sắp xếp thẳng hàng với nhau, có thể phục vụ cho mục đích nghi lễ.

Năm 1991, Juan Antonio Belmonte Avilés, Antonio Aparicio Juan, và César Esteban López tại Viện Vật lý thiên văn Canary, chứng minh rằng các cạnh dài của một số bậc thang xung quanh kim tự tháp ở Guimar đánh dấu ngày đông chí và hạ chí .

Đại kim tự tháp Cholula, Mexico

Đại kim tự tháp Cholula tại Mexico là công trình tưởng niệm lớn nhất thế giới với nền móng lớn gấp 4 lần Đại kim tự tháp Giza ở Ai Cập và thể tích gần gấp đôi, theo BBC. Nó nằm trên một ngọn núi gần Puebla, thành phố lớn thứ 4 ở Mexico ngày nay.

Nền móng của Đại kim tự tháp Cholula dưới chân nhà thờ trên đỉnh núi. Ảnh: Flickr.
Nền móng của Đại kim tự tháp Cholula dưới chân nhà thờ trên đỉnh núi. Ảnh: Flickr.

Kim tự tháp rộng 450 m và cao 66 m. Người dân địa phương gọi công trình khổng lồ này là Tlachihualtepetl, nghĩa là "ngọn núi nhân tạo". Do có một nhà thờ xây bên trên, đây cũng là công trình bị xây đè lâu đời nhất Bắc Mỹ.

Đại kim tự tháp Cholula ẩn mình dưới lớp đất cho tới khi được công nhân xây dựng một bệnh viện tâm thần dưới chân núi phát hiện vào năm 1910. Khi phá vỉa hè để sửa chữa hệ thống cống của thành phố năm 2013, một nhóm công nhân khác tìm thấy ít nhất 63 bộ xương, bao gồm một số hộp sọ biến dạng của trẻ em bị chặt đầu để hiến tế.

Các chuyên gia cho rằng kim tự tháp được xây vào khoảng năm 300 trước Công nguyên, nhưng chưa tìm ra những người xây dựng công trình. "Có thể công trình do nhiều bộ tộc xây nên", David Carballo, nhà khảo cổ ở Đại học University, Massachusetts, Mỹ, nhận định.

Kim tự tháp trắng ở Tây An, Trung Quốc

Nằm rải rác trên đồng bằng bằng phẳng, hẻo lánh ở tỉnh Thiểm Tây, gần cố đô Tây An là hàng chục mô đất hình chóp ngoạn mục, hiện vẫn còn là bí ẩn đối với thế giới bên ngoài. Đi cùng với chúng là truyền thuyết về một kim tự tháp cao 305 m có đỉnh màu trắng, khảm đá quý, có thể vượt trội hơn cả Đại Kim tự tháp Giza, Ai Cập.

Ảnh minh họa kim tự tháp trắng ở Tây An, Trung Quốc. Ảnh: Ancient Origins.
Ảnh minh họa kim tự tháp trắng ở Tây An, Trung Quốc. Ảnh: Ancient Origins.

Một số nhà nghiên cứu tin rằng, kim tự tháp trắng ở Tây An nếu nhìn từ trên không thực ra chính là kim tự tháp Mậu Lăng, lăng mộ của Hán Vũ Đế. Nhưng số khác lại cho rằng kim tự tháp huyền thoại này hiện vẫn chưa được phát hiện.


Báo cáo đầu tiên về kim tự tháp trắng ở Trung Quốc có tử cách đây hơn một thế kỷ, trong các tư liệu nhật ký của thương nhân người Mỹ tên là Fred Meyer Schroder. Ông phát hiện kim tự tháp khi đi bộ cùng một tu sĩ Phật giáo dẫn đường ở tỉnh Thiểm Tây vào năm 1912. Schroder ước tính kim tự tháp cao tối thiểu 300 m, với chiều dài các cạnh khoảng 500 m. Do đó, kim tự tháp này sẽ có thể tích lớn gấp 10 lần Đại kim tự tháp Giza.

Thành phố kim tự tháp Caral, Peru

Phần còn sót lại của Đại kim tự tháp Caral, Peru. Ảnh: Christopher Kleihege.
Phần còn sót lại của Đại kim tự tháp Caral, Peru. Ảnh: Christopher Kleihege.

Nền văn minh Norte Chico khởi nguồn tại thung lũng Supe ở Peru. Đây là nền văn minh đầu tiên được biết đến ở châu Mỹ. Thủ đô của nó là thành phố Caral 5.000 năm tuổi, có nghề nông phát triển đa dạng, một nền văn hóa phong phú và những công trình kiến trúc vĩ đại.

Max Uhle, nhà khảo cổ học người Đức, lần đầu tiên phát hiện thành phố cổ đại Caral vào năm năm 1905. Cho đến thập niên 1990, các nhà nghiên cứu xác định được tất cả 6 kim tự tháp tại Caral. Chúng trông giống những ngọn đồi tự nhiên nên rất khó bị phát hiện.

Hiện nay, chúng ta biết về sự tồn tại của hàng nghìn kim tự tháp trên thế giới, nhưng vẫn còn hàng trăm kim tự tháp khác chưa được phát hiện. Chúng có thể ẩn mình trong những khu rừng nhiệt đới rậm rạp ở Nam Mỹ và châu Á, hoặc bị bao phủ bởi thảm thực vật hay băng tuyết.