Ba Tư (Iran ngày nay) được công nhận là một trong những nền văn minh lâu đời nhất thế giới với nhiều đóng góp quan trọng cho nhân loại trên các lĩnh vực nghệ thuật, âm nhạc, kiến trúc, thi ca, triết học,…

Bên ngoài một tòa tháp bồ câu. Ảnh: Arthur Thevenart / Corbis
Bên ngoài một tòa tháp bồ câu. Ảnh: Arthur Thevenart / Corbis

Vào khoảng thế kỷ 16 – 17, người Ba Tư dưới triều đại Safavid1 đã xây dựng hàng nghìn tòa tháp để nuôi chim bồ câu, nhưng không phải vì mục đích lấy thịt (bởi bồ câu là loài rất được coi trọng trong tín ngưỡng Hồi giáo2) mà là để thu hoạch phân bón cho những cánh đồng trồng dưa hấu và dưa chuột – hai loại quả yêu thích của họ khi ấy.

Các tòa tháp thường được xây từ gạch không nung, trát vữa và trang trí bằng thạch cao. Gỗ hầu như không bao giờ được sử dụng vì kém bền trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt đặc trưng của vùng này. Một tháp tiêu biểu có đường kính từ 10 đến 22m, cao trên 18m và chứa được ít nhất 14.000 con bồ câu. Để bảo vệ chim khỏi những loài săn mồi như diều hâu, cú, quạ,… các lối vào và cửa sổ tháp sẽ được làm thật nhỏ – trông hệt như những pháo đài từ đằng xa. Bên trong tháp là các bao lơn được bố trí theo dạng bàn cờ, trải đều dọc trên tường để thu hút bồ câu tới làm tổ. Những chuồng chim thường có kích thước 20 x 20 x 28 cm, được trang bị cả que (làm bằng đất sét) nhô ra cho chim đậu.

Kết cấu bên trong một tháp bồ câu, nhìn từ sàn lên trần, với hàng trăm chuồng. Ảnh: Arthur Thevenart/Corbis
Kết cấu bên trong một tháp bồ câu, nhìn từ sàn lên trần, với hàng trăm chuồng. Ảnh: Arthur Thevenart/Corbis

Tường tháp được thiết kế nghiêng về phía trong để phân chim rơi trực tiếp lên một hố thu gom ở chính giữa và khô lại. Ngoài ra, công trình còn được gia cố bằng các mái vòm, trần dạng thùng và xây dựng thêm cầu thang lượn vòng. Hằng năm, người ta sẽ mở cửa tháp đúng một lần để thu hoạch. Phân chim bồ câu thời đó là một mặt hàng giá trị, có thể được giao dịch với giá tương đương bốn xu Anh cho mỗi 5,5 kg.

Mỗi tháp bồ câu đều là một công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc. Ảnh: Arthur Thevenart/Corbis
Mỗi tháp bồ câu đều là một công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc. Ảnh: Arthur Thevenart/Corbis

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia kiến trúc, việc bố trí các chuồng chim theo dạng bàn cờ đã giúp người nuôi tận dụng hiệu quả không gian bên trong tháp, qua đó tối ưu số lượng chuồng và tiết kiệm vật liệu xây dựng. Vào lúc cao điểm, hơn 3000 tháp như vậy đã được xây dựng và không tòa nào có kết cấu hoàn toàn giống nhau. Người Ba Tư cũng không bắt nhốt và huấn luyện bồ câu chiếm giữ tháp mà thích để chúng hành động theo bản năng. Chim thường bị thu hút bởi những kết cấu mô phỏng các rìa và khe nứt (bằng đá) trong tự nhiên mà chúng vẫn thích làm tổ, giao phối, ấp trứng và nuôi con. Mặc dù được cấp nhà nhưng chim phải tự bay đi kiếm ăn vào ban ngày và trở lại vào ban đêm.

Kết cấu cầu thang lượn vòng. Ảnh: Arthur Thevenart/Corbis
Kết cấu cầu thang lượn vòng. Ảnh: Arthur Thevenart/Corbis

Phân bồ câu là một loại phân bón rất tốt cho cây trồng, ngoài ra nó còn được sử dụng để làm mềm da trong ngành công nghiệp da thuộc (bating) hay thậm chí chế tạo thuốc súng. Nhưng theo thời gian, cùng với sự ra đời của các loại phân bón và hóa chất hiện đại, vai trò này dần bị lu mờ khiến những công trình tuyệt vời lâm vào cảnh hoang phế và ngày càng xuống cấp do không được coi sóc.

Chim bồ câu hoang dã hiện vẫn tới làm tổ bên trong các tháp. Ảnh: Arthur Thevenart / Corbis
Chim bồ câu hoang dã hiện vẫn tới làm tổ bên trong các tháp. Ảnh: Arthur Thevenart / Corbis

Hiện nay, tại khu vực xung quanh thành phố Isfahan (Iran) vẫn đang còn khoảng 300 tháp bồ câu và nhiều tòa từ lâu đã trở thành nơi trú ẩn của các quần thể chim hoang dã. Sau nhiều nỗ lực, chính quyền Iran đã bảo tồn và đưa 65 tháp vào Danh mục Di sản Quốc gia – hằng năm thu hút rất đông du khách.

Chú thích:
1. Nhà Safavid là một vương triều phong kiến đã từng cai trị một vùng lãnh thổ rộng lớn mà ngày nay thuộc Iran và các nước lân cận trong giai đoạn 1501 – 1736. Những vị quân vương của nhà Safavid mặc dù mang nhiều dòng máu (Azerbaijan, Ả Rập, Gruzia, Hy Lạp, Kurd) nhưng vẫn lấy quốc hiệu là Ba Tư và tổ chức được một quốc gia văn minh, hùng mạnh, đạt nhiều thành tựu trên các phương diện. Về mặt tôn giáo, phái Shi’a Mười hai Giáo Trưởng của đạo Hồi đã trở thành giáo phái chiếm đa số tại Iran cho đến tận bây giờ. Cũng chính vì lý do này mà Ba Tư thường liên tục giao tranh với Đế quốc Ottoman và người Uzbek theo hệ phái Sunni.

2. Hồi giáo là một tôn giáo độc thần khởi nguồn từ Abraham (được xem là đấng tổ phụ của người Do Thái và Ả Rập) với niềm tin rằng chỉ tồn tại một Thiên Chúa duy nhất (Allah) và Muhammad là sứ giả được Thiên Chúa phái xuống trần. Hồi giáo hiện là tôn giáo lớn thứ hai thế giới với hơn 1 tỷ tín đồ (tương đương 15% dân số toàn cầu) và có sức ảnh hưởng mạnh mẽ tại hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Dưới góc nhìn của các nhà nghiên cứu lịch sử, Hồi giáo ra đời từ thế kỷ thứ 7, dựa trên nền tảng thần học của Do Thái giáo và Kitô giáo. Đôi khi Hồi giáo cũng được gọi là đạo Muhammad (Muhammadanism) theo tên của đức sáng tổ. Tuy nhiên, đối với tất cả tín đồ Hồi giáo trên toàn thế giới thì đạo của họ là do Thượng đế (Allah) sáng tạo ra, và vì Thượng đế vốn bất sinh bất diệt nên đạo của Ngài cũng phải bất sinh bất diệt; còn đấng tiên tri Muhammad chỉ đơn thuần là một người “thuật nhi bất tác” với sứ mệnh truyền đạt lại cho nhân loại những lời mặc khải của Thượng đế.