Sự hưng vượng và lụi tàn của các đế chế trong lịch sử nhân loại luôn là một trong những chủ đề được giới sử học nói riêng, và giới hàn lâm nói chung quan tâm nghiên cứu.

Không chỉ vậy, hầu như ở mọi quốc gia dân tộc, những ám ảnh trong tâm thức về một quá khứ vàng son luôn hiện hữu và khó có thể phai nhạt. Một người Anh thời Edward luôn đắm đuối với quá khứ thời Victoria; một người Tây Ban Nha thời Olivares không thể quên đi những huy hoàng thời Philip II; một người Ottoman năm 1914 khó có thể không khắc khoải về triều đại của Süleyman I;... và một số người Mỹ hiện nay hoài niệm nhiệm kỳ của Eisenhower.

Phiên bản tiếng Việt của cuốn sách vừa được phát hành mới đây. Ảnh: TL

Các cường quốc trỗi dậy và lụi tàn, đó là quy luật của lịch sử. Sự lụi tàn và sụp đổ có thể bị trì hoãn, ngưng lại một thời gian hay thậm chí gián đoạn bởi một giai đoạn hưng vượng, nhưng cuối cùng định mệnh hiển nhiên đó sẽ đến, chỉ là vấn đề thời gian. Các sử gia phần lớn tập trung thiết lập những mô hình trỗi dậy và suy tàn đó trên cơ sở phân tích các yếu tố và dữ liệu về chính trị, tôn giáo, quân sự và ngoại giao. Tuy nhiên, thông qua công trình Sự trỗi dậy và suy tàn của các cường quốc: Biến đổi kinh tế và xung đột quân sự từ năm 1500 đến năm 2000 (The Rise and Fall of the Great Powers: Economic Change and Military Conflict from 1500 to 2000) (1989), Paul Kennedy đã cung cấp một cách tiếp cận khác trong nghiên cứu lịch sử.

Được phát hành lần đầu vào năm 1989, chỉ hai năm trước sự sụp đổ của Liên Xô và cuộc đối đầu hai cực Hoa Kỳ-Liên Xô hình thành từ Trật tự Yalta; công trình của Kennedy không chỉ là một cuốn sách khoa học thông thường mà dường như còn cung cấp những chỉ báo trong tương lai gần. Quan điểm của ông nhấn mạnh vào sự gắn kết chặt chẽ giữa nhu cầu bành trướng lãnh thổ, duy trì ổn định chế độ, khuếch trương ảnh hưởng với khả năng nguồn lực kinh tế. Hay nói cách khác, kinh tế quyết định mọi vấn đề liên quan đến chính trị, quân sự và ngoại giao.

The Rise and Fall of the Great Powers chắc chắn là một công trình công phu, phác họa một cách toàn diện sự trỗi dậy và lụi tàn của các cường quốc phương Tây từ năm 1500 đến năm 2000, trên cơ sở phân tích nguồn lực kinh tế của các thực thể này. Bên cạnh đó, dù là một học giả chuyên sâu về lịch sử và quan hệ quốc tế, cách hành văn và lập luận của tác giả trong cuốn sách mang tính khái quát cao, hấp dẫn người đọc và khá dễ hiểu ngay cả với những ai không quá thông thạo về lịch sử.

Hơn thế nữa, thành công của The Rise and Fall of the Great Powers còn nằm ở việc nó không chỉ gây hứng thú cho người đọc ở cấp độ bao quát mọi vấn đề, mà còn ở góc độ từng vấn đề trong các chương. Một độc giả hứng thú với những gì diễn ra trong giai đoạn thế kỷ 16-18 sẽ khó có thể bỏ qua việc nghiền ngẫm chương II và III; trong khi một độc giả khác mong muốn tìm hiểu về thế giới hai cực có thể tập trung vào chương VII; và thậm chí là những ai quan tâm đến tình hình quốc tế hiện nay sẽ không thể bỏ qua chương VIII với những dự đoán chỉ báo của tác giả về thế kỷ XXI.

Paul Kennedy bắt đầu cuốn sách của mình bằng năm 1500, một cách phân kỳ quen thuộc của nhiều sử gia và nhà nghiên cứu trên thế giới, coi đây là cột mốc bắt đầu cho sự hưng vượng và trỗi dậy từ từ rồi sau đó là mạnh mẽ của phương Tây. Nếu chỉ nhìn vào năm 1500 hay sau đó vài thập niên, khó có thể tin rằng “phép màu châu Âu” lại diễn ra và đưa châu lục này trở thành trung tâm của thế giới trong năm thế kỷ tiếp theo. Ở Đông Á, các thiên tử Đại Minh vẫn đang cai trị một đế chế thiên mệnh hùng mạnh với những ưu thế công nghệ thuốc súng, la bàn, kỹ thuật in và giấy. Ở Tây Á, các đội quân Ottoman đang ồ ạt vượt qua dòng Danube, chinh phục Hungary và đe dọa Vienna. Tuy nhiên, đó cũng là bước dạo đầu cho sự trỗi dậy của châu Âu. Quan điểm của Kennedy cho rằng việc các nhà nước châu Âu luôn trong tình trạng đấu tranh sinh tồn đã cho phép châu lục này tiếp cận với sự đa dạng về chính trị, tự do về kinh tế và trí tuệ; để từ đó tạo ra những động lực đưa châu lục thành trung tâm của thế giới.

Xuyên suốt cuốn sách, tác giả quan tâm đến việc lượng hóa các nguồn lực kinh tế nhằm xác định sức mạnh tương đối của các chủ thể mà ông nghiên cứu. Cách tiếp cận này có thể xem là một nỗ lực đột phá trong nghiên cứu lịch sử, khi mà các yếu tố kinh tế thường bị xem nhẹ hơn những yếu tố chính trị, tôn giáo hay ngoại giao. Tuy nhiên, cách lượng hóa này chỉ trở nên tương đối chính xác từ thế kỷ XX, khi số liệu thu thập hoàn chỉnh có thể cung cấp một cái nhìn xác đáng hơn. Trong khi đó, dù những số liệu trước thế kỷ XX không phải là không chính xác, thực tế là chúng có nhiều thiếu sót có thể dẫn đến những hiểu biết thiên lệch và không hoàn chỉnh. Việc lượng hóa nguồn lực kinh tế của Kennedy nhằm chứng minh cho quan điểm của ông rằng trong cuộc đối đầu giữa hai hay nhiều cường quốc, thế lực nào nắm giữ nhiều nguồn lực hơn thì thế lực đó sẽ giành chiến thắng.

Thay vì tập trung vào việc thiết lập các mô hình và lý thuyết theo phái Đại Sử (Grand History) như Arnold Toynbee hay Oswald Spengler, Kennedy nhấn mạnh vào một khung thời gian ngắn hơn (500 năm) cũng như liên kết những quan điểm của ông đối với những biến động của tình hình thế giới đương thời thông qua việc đưa ra những dự báo giả định. Đồng thời khác với hai học giả trên, những người đã đưa ra những nghiên cứu cảnh báo khả năng lụi tàn của phương Tây như The Western question in Greece and Turkey: a study in the contact of civilisations (1922) hay The Decline of the West (1918), Kennedy không đồng thuận phương Tây sẽ lụi tàn theo chu kỳ. Thay vào đó, trên cơ sở những bằng chứng rõ ràng nhất, ông cho rằng chừng nào một cường quốc vẫn có thể cân bằng được giữa ba yếu tố đầu tư nguồn lực cho quân sự/quốc phòng - tăng trưởng - nhu cầu xã hội thì cường quốc đó vẫn sẽ tồn tại và duy trì ảnh hưởng của mình trên khu vực hoặc toàn cầu.

Luận điểm quan trọng nhất của Paul Kennedy có thể đúc kết lại chính là một nhà nước càng gia tăng quyền lực thì tỷ lệ nguồn lực dành để duy trì nó càng lớn. Với tác giả, các quốc gia đều xác lập một sứ mệnh hiển nhiên gắn kết sự tồn tại quốc gia với cuộc đấu tranh nhằm khẳng định quyền bá chủ khu vực và toàn cầu. Trong cuộc đấu tranh đó, một số đã trở thành các bá quyền khu vực và toàn cầu, nhưng rồi dần suy yếu khi những gánh nặng để duy trì sức mạnh đó vượt quá khả năng của quốc gia. Nếu tỷ lệ quá lớn được dồn sang mục tiêu quân sự, thì về lâu dài sẽ dẫn đến sự suy yếu của nhà nước. Thông qua các dẫn chứng về nhà Habsburg ở Tây Ban Nha và Áo hay Pháp thời kỳ Louis XVI và Napoleon, Kennedy đã đưa ra một mô hình phát triển cho sự bành trướng quá mức và suy giảm ngay sau đó của một cường quốc.

Trường hợp Tây Ban Nha hay chính xác hơn là nhà Habsburg, đối tượng chính của chương II, cung cấp một ví dụ đầy hấp dẫn và xác đáng. Thừa hưởng những vương quốc hùng mạnh và giàu có ở châu Âu, nắm giữ những mỏ kim loại quý gần như vô tận ở Tân Thế giới, không có bất cứ thế lực nào có thể thách thức nhà Habsburg, ngoại trừ đế chế Ottoman. Nhưng những năm tháng vàng son và danh dự đã khiến cho nhà Habsburg phải duy trì những cam kết ở khắp châu Âu, với nỗi sợ tột cùng rằng từ bỏ dù chỉ một cam kết nhỏ ở bất cứ một vùng đất xa xôi nào sẽ dẫn đến sự đổ vỡ toàn bộ hệ thống. Bởi lẽ đó, Tây Ban Nha phải căng mình ở Hà Lan ngăn ngừa các cuộc nổi loạn của thị dân; trấn áp phong trào cải cách tôn giáo; tăng cường hải quân bảo vệ hạm đội châu báu ở Tân Thế giới; đánh trả các cuộc đột kích của hải tặc Bắc Phi và Anh; củng cố các pháo đài ở Milan, Naples, Sicily để ngăn chặn người Pháp; hỗ trợ các thế lực Kitô giáo phòng thủ miền Bắc Hungary chống lại người Ottoman;... Tất cả đã gây ra những căng thẳng trong hệ thống đế chế Tây Ban Nha vốn ngày càng rệu rã, và kết quả là những gì diễn ra trong những năm 1643-1660 là định mệnh của Madrid. Nỗi sợ hãi và lo ngại của triều đình Tây Ban Nha Habsburg không khác gì những lo ngại mà triều đình Đông Hán khi phải đối mặt với cuộc nổi loạn của người Khương và Lương châu, đã được nhắc đến trong cuốn sách Vì sao Phương Tây vượt trội của Ian Morris. Cả hai tác giả đều chia sẻ quan điểm nghiên cứu sự phát triển của các mô hình cường quốc trong lịch sử trên cơ sở các yếu tố kinh tế thay vì các yếu tố chính trị - quân sự - tôn giáo truyền thống.