Hãy mơ về núi nếu chưa có điều kiện lên đỉnh, nếu đã lên, hãy mơ tiếp, bởi cao hơn các đỉnh núi là những tiếng gọi.


Tôi không nhớ mình đã mơ bao nhiêu lần về nó, ngọn núi luôn mờ mờ giữa những lớp sương quánh đặc có thể vốc được từng vốc. Núi Hột của xã Linh Sơn, thuộc Thái Nguyên, từ thuở khai thiên lập địa tới giờ vẫn đứng riêng lẻ, trơ khấc như một hột thị dầu dãi qua bao trạng thái thời tiết, qua cả bao tâm trạng người đời.

Với tôi, núi Hột là một vì sao, nó tỏa sáng gọi mời, và trên hết, nó gieo vào tôi nỗi tuyệt vọng đầy ngọt ngào về quá vãng. Ngọn núi day dứt trong kỷ niệm buồn về những sa sảy một thời không đáng có. Ngọn núi náo nức rờ rỡ trong ký ức tiết xuân khi người đàn ông gánh hai gánh lá dong xanh mướt đi như chạy sang bên chợ thành phố. Và ông họa sĩ, chính xác là cố họa sĩ, đã vẽ dáng cô độc, loi lẻ ấy trong bức tranh của mình, với một thiện chí tuyệt vọng, bằng những nét cọ như giằng lại màu rờn xanh từ xửa xưa. Bức tranh ra đời khi người ta bắt đầu cho nổ mìn, khoét vạt đi một sườn núi, làm lộ ra các thớ đá tràn trề màu của máu pha với hờn dỗi trong nỗi tuyệt vọng. Thời điểm ấy, chẳng mảy may một ai tin núi Hột sẽ còn cơ hội ở lại. Rồi, chẳng hiểu bằng cách nào đó, có lệnh dừng khai thác, và ngọn núi sống sót. Tuy thoi thóp, kiệt quệ, nhưng lạ kỳ ở chỗ nó bỗng toát lên một vẻ uy nghi thần thánh đến nỗi người sống lâu nhất ở đấy vẫn ngợp thở mỗi dịp đối diện nó. Sau này, khi núi Hột hồi sức lại tương đối thì thần thái uy nghi kia cũng ẩn bớt đi phần nào, bởi màu xanh hòa dịu đầy lảng tránh.

Trên núi Hột, tuổi thơ tôi cất giấu biết bao nhiêu bí mật. Những bí mật không chỉ đậm vị đê mê thần tiên, mà có cả mùi khét của nỗi sợ hãi, và vị đắng của những tham vọng hồn nhiên bệnh hoạn. Rất nhiều lần, dĩ nhiên là trong mơ, tôi thấy mình gieo từ đỉnh núi xuống đáy cùng của thế gian. Nhưng bao giờ cũng vậy, khi sắp chạm đáy, tôi lại chợt tỉnh bởi ý nghĩ, chính núi cũng đang rơi vào sự cô đơn thăm thẳm của nó mà vẫn giữ được vẻ an nhiên, lì lợm. Đấy là lúc người với núi có vẻ thông linh, thấu hiểu nhau. Tôi với núi Hột.

Giữa cánh đồng, người ta có thể vang vang cất cao giọng. Ở đỉnh núi, người ta chỉ im lặng và nhìn.


Tranh Montagne Saint-victoire của Paul Cézanne.

Tranh Montagne Saint-victoire của Paul Cézanne.

Tôi nhớ hình ảnh những chấm sáng xanh xao, trong lẻo trên con đường vắng ngắt từ bãi Cậm Cam lúp xúp ngoằn trườn vào chân núi. Không cần một sự khích động nào mà đom đóm vẫn cứ vẩn loạn lên, cứ tự xô dạt, náo động. Vào những lúc thế, núi Hột lại phát ra tiếng thì thầm đầy khó hiểu, tuồng như chỉ dành cho bầy đom đóm nghe. Trong lòng núi, là tôi cảm thấy thế, luôn có một ai đó đang giật dây điều khiển đêm trăng với sự tuân phục của vạn vật. Ai đó đang nói thầm với chúng ta về những bí ẩn vô tận của nỗi hoang vu, và thúc giục chúng ta bước tới.

Con người có thể đem biển vào nhà của mình, nhưng với núi thì bất khả. Núi, mọi ngọn núi, đều đứng ngoài các khuôn khổ. Một ngôi nhà đầy đủ tiện nghi là một cạm bẫy, nó giam cầm chúng ta, nó thu nhỏ chúng ta lại, làm chúng ta cạn kiệt dần đi, và khiến đôi chân trở nên thừa thãi trong khi đôi cánh không hề mọc ra. Tự do thường biến mất bởi đủ đầy. Núi cung hiến cho chúng ta một thứ cực giá trị, đó là khả năng tự tại. Chỉ trên mảnh đất tự tại, hạt tự do mới nảy mầm. Từ núi, chúng ta có cả một dải sáng nếu đấy là bình minh, và có cho mình một quầng rực rỡ màu cam nếu đấy là lúc mặt trời đang chậm chậm nghiêng theo sườn non. Vạt nghiêng của núi mang tới cho chúng ta sự tinh tế sảng khoái. Chúng ta cao lớn cùng với núi bởi chúng ta được cộng thêm trí tưởng tượng tuyệt vời của mình. Khi con người nhắm mắt, giữa hai hốc mắt nó sẽ có khoảng nhập nhoàng các sắc màu. Cái nhập nhoàng ấy là sự hỗn độn thần diệu của khoảnh khắc trước lúc thế giới hình thành. Sau đó phong cảnh sẽ dần dà hiện ra.

Với tôi, trong phong cảnh nào cũng có núi Hột, ngọn núi mà từng tế bào của tôi vun vén, đắp xây nên, thông qua ký ức và ước mơ. □

Nguyễn Bình Phương

—-

* Nhà văn, Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ quân đội.